Thị trường giá cả những tháng cuối năm
(Tài chính) Trong 6 tháng đầu năm, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân tăng 6,73% so với bình quân cùng kỳ năm 2012 do giá của các hàng hóa, dịch vụ y tế nhà nước được điều chỉnh tăng. Theo các chuyên gia kinh tế, từ nay đến cuối năm, chỉ số CPI còn có xu hướng tăng và nếu Nhà nước không có những biện pháp thích hợp để điều chỉnh thì có khả năng lạm phát cao sẽ quay trở lại.
Những yếu tố tác động
Theo đánh giá, thị trường hàng hóa 6 tháng đầu năm chủ yếu sôi động trong dịp tết Nguyên đán với những mặt hàng lương thực, thực phẩm và đồ gia dụng. Sau đó, thị trường trở về trạng thái trầm lắng, áp lực hàng tồn kho cao gây khó khăn cho người sản xuất. Bên cạnh đó, khả năng hấp thụ vốn còn kém mặc dù lãi suất vốn vay đã giảm nên doanh nghiệp bắt buộc phải thu hẹp sản xuất, cắt giảm lao động và việc làm.
Ngoài ra, giá nhóm hàng nông sản thực phẩm liên tục giảm do cả nhu cầu xuất khẩu và tiêu thụ trong nước đều giảm nên áp lực tồn kho đối với nhóm này nặng hơn các mặt hàng công nghiệp khác do việc bảo quản, lưu giữ khó khăn và phát sinh nhiều chi phí.
Tuy nhiên, với những công cụ chính sách tài khóa và tiền tệ được Nhà nước sử dụng kịp thời và nhanh chóng, nền kinh tế vĩ mô của Việt Nam đang dần đi vào ổn định, lạm phát được kiềm chế, giá cả và thị trường được kiểm soát chặt chẽ… Như vậy, 6 tháng đầu năm 2013, mặt bằng giá hàng hóa chỉ biến động nhẹ, thị trường hàng hóa diễn biến theo quy luật thông thường, không có hiện tượng thiếu hàng, sốt giá, mục tiêu kiềm chế lạm phát đã đạt được kết quả tích cực, thể hiện được hiệu quả của công tác điều hành.
Mặc dù vậy, do tình hình kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn, thách thức bởi nợ xấu còn ở mức cao, tăng trưởng tín dụng thấp, sản xuất kinh doanh chậm phục hồi…nên nhìn chung, mặt bằng giá cả những tháng cuối năm vẫn có xu hướng tăng cao.
Bà Đỗ Thị Ngọc - Phó Vụ trưởng Vụ Thống kê giá (Tổng cục Thống kê) cho biết trong 6 tháng cuối năm vẫn còn những yếu tố tác động đến mặt bằng giá trong nước, cụ thể:
Thứ nhất, giá hàng hóa trên thế giới có xu hướng tăng, đặc biệt là với nhóm nhiên liệu khi bắt đầu bước vào mùa lạnh. Trong khi đó, tỷ giá ngoại tệ có xu hướng tăng cũng gây sức ép không nhỏ lên giá của hàng hóa nhập khẩu. Bên cạnh đó, giá xăng dầu tiếp tục được điều chỉnh theo diễn biến của giá xăng dầu thế giới và quy định của Nhà nước về kinh doanh xăng dầu.
Thứ hai, lộ trình điều chỉnh tăng giá của Nhà nước đối với một số mặt hàng như dịch vụ khám chữa bênh tại các cơ sở khám chữa bệnh của Nhà nước, giá dịch vụ giáo dục… để nâng cao chất lượng dịch vụ công.
Thứ ba, giá lương thực, thực phẩm từ nay đến cuối năm có xu hướng tăng do cận các dịp lễ, tết…
Thứ tư, việc điều chỉnh mức lương tối thiểu từ ngày 1/7 và mức chịu thuế thu nhập cá nhân được điều chỉnh tăng lên 9 triệu đồng cũng là những lý do khiến cho nhiều chuyên gia cho rằng sẽ có sự tăng giá vào thời điểm những tháng cuối năm.
Thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp
Ông Nguyễn Tiến Thỏa - Phó Chủ tịch thường trực, Tổng thư ký Hội Thẩm định Giá Việt Nam đánh giá, mục tiêu đặt ra cho năm 2013 là kiểm soát chỉ số CPI tăng dưới 8%, nếu nhìn vào mức tăng của 6 tháng đầu năm thì những tháng cuối năm chỉ số sẽ tăng cao hơn do sản xuất kinh doanh dần phục hồi, tổng cầu sẽ được cải thiện… Để đạt được mục tiêu trên, Nhà nước cần điều hành linh hoạt, thận trọng và phối hợp nhịp nhàng, đồng bộ các giải pháp sau:
Thứ nhất, tiếp tục điều hành theo định hướng của Nghị quyết 02 về tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh. Đồng thời có những biện pháp hiệu quả nhằm tăng tổng cầu của nền kinh tế và giải quyết tình trạng nợ xấu, đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa, giảm tồn kho, đặc biệt là đối với các mặt hàng thiết yếu để hạ giá thành sản phẩm.
Thứ hai, tiến tới xã hội hóa sâu rộng và mở rộng chương trình bình ổn giá thị trường, với nhiều mặt hàng đa dạng, phong phú hơn. Thông qua đó, các chuỗi cung ứng hàng hóa từ nhà sản xuất tới người tiêu dùng được tạo lập nhằm đem lại hiệu quả cao nhất. Bên cạnh đó, các tổ chức tín dụng cũng cần tham gia tích cực vào chương trình này để hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất kinh doanh thông qua hình thức ưu đãi lãi suất vốn vay, từ đó, giá các mặt hàng thuộc chương trình luôn bảo đảm được điều chỉnh sát với diễn biến giá thị trường.
Thứ ba, tiếp tục chấn chỉnh, sắp xếp lại mạng lưới kinh doanh, khắc phục tình trạng mua bán chồng chéo, vòng vèo, lũng đoạn thị trường. Đặc biệt là cần tổ chức lại thị trường nông sản theo chuỗi liên kết sản xuất và tiêu dùng để nâng đỡ giá nông sản trong giai đoạn hiện nay.
Thứ tư, Bộ Tài chính tiếp tục theo dõi sát diễn biến cung cầu, giá cả thị trường trong nước và quốc tế; làm tốt công tác dự báo để kịp thời đề xuất các giải pháp bình ổn giá thị trường, góp phần kiềm chế lạm phát theo quy định của pháp luật. Bên cạnh đó, có các biện pháp kích cầu tiêu dùng nội địa để tăng tổng cầu; xây dựng các giải pháp củng cố thị trường truyền thống và phát triển thị trường mới nhằm tạo nguồn cung bền vững và giảm chi phí, qua đó giảm lượng hàng tồn kho, kích thích sản xuất của doanh nghiệp, góp phần thúc đẩy tín dụng tăng cao.