Thị trường hàng hóa khá dồi dào, mua sắm thuận lợi hơn
Nhằm đảm bảo thị trường cung ứng hàng hóa, lương thực, thực phẩm thiết yếu đến người dân được thuận lợi hơn nữa trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội, TP. Hồ Chí Minh đã và đang tiếp tục nỗ lực huy động nhiều nguồn lực, kết nối các doanh nghiệp có đủ năng lực và điều kiện cùng tham gia chuỗi cung ứng, phân phối hàng hóa với giá bán ổn định. Đến nay, hoạt động mua sắm hàng thiết yếu của người dân bình thường, sức mua trên thị trường đang có dấu hiệu hạ nhiệt.
Thị trường hàng hóa khá dồi dào, mua sắm thuận lợi hơn
Theo ông Nguyễn Nguyên Phương - Phó Giám đốc Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh, bên cạnh việc tổ chức phát phiếu mua hàng cho người dân, Sở liên tục tăng cường các điểm bán, trong đó mở lại các điểm bán lương thực, thực phẩm tươi sống tại các chợ truyền thống, các điểm bán của chợ, các hoạt động bán hàng lưu động... Các địa phương tổ chức đi chợ thay giúp người dân hạn chế ra khỏi nhà, ít tiếp xúc với bên ngoài.
Theo các siêu thị, cửa hàng tiện lợi, sau hơn một tuần áp dụng các biện pháp thắt chặt của Chỉ thị 16, tình hình mua sắm tại các điểm bán đã ổn định, không còn cảnh xếp hàng dài chờ đợi, hàng hóa nhất là thực phẩm tươi sống cũng dồi dào, đầy đủ trên quầy kệ.
Tính đến nay, hầu hết các quận huyện trên địa bàn thành phố đều tổ chức bán hàng lưu động, mang hàng hóa, nhu yếu phẩm đến từng địa bàn dân cư. Theo đánh giá của Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh, hơn một tháng qua, thành phố đã tổ chức được hàng nghìn điểm bán hàng lưu động, bình ổn, lượng lớn thực phẩm thiết yếu đã được đưa đến tay người dân qua các kênh bán hàng này. Phần lớn các loại hàng hóa đều đã được đóng gói, bán theo hộp/gói và kilogam, người dân lấy hàng cho vào giỏ, không phải lựa chọn, cân đong nên thời gian mua và thanh toán khá nhanh. Mỗi khách hàng được mua một lượng thực phẩm nhất định nhằm đảm bảo cho mọi người đều có thực phẩm tươi sống để dùng.
Để chia sẻ áp lực với các hệ thống phân phối lớn, Sở Công Thương cũng đã phối hợp với một đơn vị để khai trương mô hình "siêu thị di động kiểu mới". Theo đó, mô hình này sẽ bày bán hơn một trăm mặt hàng nhu yếu phẩm như thịt, trứng, rau củ… với giá tốt ngay trên các xe buýt. Theo đơn vị tổ chức, mô hình này dự kiến kéo dài trong 2 tháng và sẽ tăng quy mô lên 3-4 chiếc xe buýt, chủ yếu phục vụ tại quận, huyện vùng ven, mỗi chiếc bán tại 1-2 điểm.
Song song đó, ngành Công Thương cũng đẩy mạnh việc hướng dẫn người dân thực hiện mua hàng trực tuyến tại các điểm bán lương thực, thực phẩm tươi sống trên địa bàn, với đầy đủ thông tin từ địa điểm, số điện thoại liên lạc, hình thức giao hàng… nhằm giúp người dân dễ dàng tìm mua và lựa chọn hình thức đặt hàng qua mạng.
Chị Nguyễn Ánh Loan- ngụ tại quận Gò Vấp cho hay, giờ ngồi ở nhà tôi vẫn có thể chọn đầy đủ các loại thực phẩm cần thiết cho bữa ăn hàng ngày. Nhiều người khác cũng đang quen dần với cách mua sắm trực tuyến, dịch vụ đi chợ thay đã giúp người dân tránh chỗ đông người, hạn chế tiếp xúc.
Bà Nguyễn Minh Sương- ở TP. Thủ Đức cho biết, hộ gia đình được phát phiếu đi chợ 2 lần/tuần. Nếu như trong những tuần đầu thực hiện giãn cách, không được ra đường sau 18h thì hoạt động mua sắm có phần khó khăn phải xếp hàng, chờ đợi khá lâu, nếu lượt đi mua sắm vào buổi chiều thì gần như các loại thực phẩm tươi sống không còn. Nhưng hiện nay đã khác, lượng hàng thực phẩm tươi sống tại siêu thị đầy đủ, thậm chí rất nhiều. Hoạt động mua sắm diễn ra thuận lợi, nhanh chóng do người dân mua sắm vừa phải, mua đủ dùng chứ không còn tâm lý mua tích trữ.
Đặc biệt, để đảm bảo cung cấp lương thực, thực phẩm thiết yếu cho người dân trong khu vực phong tỏa và lực lượng làm công tác tuyến đầu phòng chống dịch, các ban ngành, đoàn thể của các địa phương cũng đã triển khai nhiều mô hình, giải pháp sáng tạo như ATM gạo miễn phí, Đi chợ giúp dân, Phiên chợ nghĩa tình, Siêu thị 0 đồng, Tủ lạnh Thạch Sanh, Bếp ăn từ thiện… góp phần chăm lo vật chất, tinh thần cho người dân.
Nhanh chóng rà soát và khôi phục các điểm bán
Theo đánh giá của UBND TP. Hồ Chí Minh, với diễn biến phức tạp của dịch bệnh, hiện thành phố vẫn còn tới 3/3 chợ đầu mối, 201/234 chợ truyền thống và một số siêu thị, cửa hàng tiện lợi tạm ngưng hoạt động. Việc cung ứng, phân phối hàng hóa cho người dân tập trung vào các hệ thống phân phối hiện đại làm gia tăng áp lực và tạo thêm nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh.
Mới đây, UBND TP. Hồ Chí Minh đã chỉ đạo Sở Công Thương và các quận, huyện, TP. Thủ Đức nhanh chóng rà soát, khôi phục các điểm bán lương thực, thực phẩm thiết yếu tại chợ truyền thống hoặc hình thành các điểm bán nhỏ trong điều kiện an toàn.
Với các hệ thống phân phối, tiếp tục gia tăng năng lực dự trữ và bán hàng; cung cấp thông tin về mặt hàng, giá cả, quy cách đóng gói, phương thức giao nhận... Trên cơ sở đó, phối hợp cùng địa phương thông tin đến người dân trong khu vực hoặc địa bàn phụ trách để đăng ký nhu cầu mua hàng, chuẩn bị đơn hàng, triển khai nhiều hình thức cung ứng đa dạng, hạn chế việc tập trung đông người, không đảm bảo các yêu cầu phòng dịch.
Đối với việc cung ứng hàng hóa, Sở Công Thương đã làm việc với các hệ thống phân phối, đặc biệt là các doanh nghiệp bình ổn thị trường, tính toán thống kê lượng nhân viên cần thiết phải đi sớm hơn và về trễ hơn khung giờ quy định (lưu thông trên đường từ 18h đến 6h hôm sau) để có thời gian chuẩn bị cho việc mở cửa cung ứng hàng hóa được sớm hơn, kéo dài hơn. Việc này đã được UBND TP. Hồ Chí Minh chấp thuận.