Thị trường M&A: Doanh nghiệp nội ngày càng thắng thế
(Tài chính) Thị trường chuyển nhượng dự án đang diễn ra vô cùng sôi động trong thời gian gần đây. Trong đó, các nhà đầu tư trong nước hiện vẫn chiếm ưu thế trong các thương vụ mua bán dự án thành công trong năm 2014, với 63% bên mua và 54% bên bán là các công ty trong nước.
Trên thực tế, những giao dịch mà người mua là các nhà đầu tư nước ngoài còn rất khiêm tốn. Dòng vốn đầu tư nước ngoài hầu như đứng ngoài thị trường bất động sản trong một thời gian dài và cũng không có nhiều dự án hấp dẫn (tức là những dự án đã hoàn thiện và tạo doanh thu ngay), để các nhà đầu tư nước ngoài thâu tóm.
Các nhà đầu tư ngoại có mặt ở bên mua chủ yếu là các nhà đầu tư đến từ Hàn Quốc, Singapore, Nhật Bản và Thái Lan, trong khi đó, ở bên bán, chủ yếu vẫn là các nhà đầu tư từ Hồng Kông, Hàn Quốc và Hà Lan. Ở mảng bất động sản bán lẻ, nhà đầu tư Thái Lan - Berli Jucker - đã hoàn tất thương vụ mua lại Metro Cash & Carry Việt Nam, với giá gần 900 triệu USD, trong khi Posco cũng đã bán tòa tháp Diamond Plaza cho đối tác Hàn Quốc là Lotte Shopping.
Trong nửa cuối năm 2014, có lẽ cái tên đáng chú ý nhất trên thị trường M&A bất động sản là Creed Group đến từ Nhật Bản. Tập đoàn này đã đầu tư vào một loạt dự án của Công ty cổ phần Đầu tư Năm Bảy Bảy tại TP.HCM. Trong đó, đáng chú ý là thương vụ thâu tóm City Gate Towers với trị giá 59,2 triệu USD. Ngoài ra, Creed còn hợp tác phát triển 2 dự án khác trong cụm dự án tại TP.HCM của Năm Bảy Bảy là NBB Garden II và NBB Garden III, với tỷ lệ vốn góp là 50%, trong đó thương vụ NBB Garden III có giá 26,1 triệu USD.
Tại Hà Nội, gần đây, Tập đoàn Daibiru (Nhật Bản) chuyên về kinh doanh văn phòng cho thuê đã kết thúc thương vụ mua lại tòa nhà CornerStone từ Ngân hàng TMCP Quốc tế (VIBank), với giá trị hơn 60 triệu USD. Ở phân khúc đất dự án, Keppel Land, một trong những nhà phát triển bất động sản hàng đầu Singapore đã mở rộng danh mục dự án bằng cách mua lại dự án phát triển nhà ở của Công ty Tiến Phước với giá 26,7 triệu USD.
Trong khi đó, các doanh nghiệp nội lại ngày càng thắng thế trên "thương trường". Có thể điểm qua những thương vụ điển hình như Vinggoup mua 99% BĐS Hồng Ngân trị giá; Tổng Công ty Xây dựng Thanh Hóa mua lại Skypark Residence 285 tỷ; FLC Group mua lại dự án 36 Phạm Hùng 198 tỷ và dự án The Lavender (quận Hà Đông) 41 tầng, Him Lam mua lại dự án khu dân cư Đông Nam từ Hoàng Anh Gia Lai trị giá 1.050 tỷ; Hải Phát cũng đang thâu tóm khu đất 5000m2 mặt đường Nguyễn Xiển, với dự án tháp đôi 27 tầng, quy mô 450 căn hộ, tổng mức đầu tư khoảng 1000 tỷ; Novaland đã hợp tác và mua lại nhiều dự án tại TP. HCM như Lexington Residence (quận 2), Icon 56 (quận 4) và Galaxy 9 (quận 4), The Sun Avenue (quận 2), River Gate (quận 4), The Prince Residence,…
Bên cạnh các “ông lớn” trong nước khấy động thị trường thì các nhà phát triển dự án nước ngoài cũng không ngoài cuộc. Tuy nhiên, điều dễ nhận thấy đó là các thương vụ diễn ra phổ biến ở BĐS thương mại.
Điển hình như Creed Group của Nhật cũng đã thâu tóm hàng loạt dự án của Năm Bảy Bảy, trong đó sở hữu phần lớn dự án City Gate Tower, hợp tác 50% 2 dự án khác là NBB Garden III và NBB Garden II,…Lotte mua lại mặt bằng bán lẻ tại Diamond Plaza từ Posco, Daibiru (Nhật) sàn văn phòng Corner Stone từ VIB trị giá 60,1 triệu USD, Berli Jucker (Thái Lan) mua lại Metro Cash & Carry Việt Nam 877 triệu USD, Tung Shing mua lại khách sạn Movenpick Sài Gòn,…
Một số Tập đoàn lớn trong nước cũng tăng cường M&A trong lĩnh vực này nhằm mở rộng hoạt động kinh doanh như Vingroup thâu tóm Ocean Mark, BRG đầu tư tài chính vào khách sạn Thắng Lợi,… Chuyển động mới trên thị trường M&A bất động sản Theo CBRE thống kê từ 2011 đến nay trung bình thị trường BĐS diễn ra khoảng 15 thương vụ M&A thành công. Mới đây ông Phan Xuân Cần, chủ tịch Công ty Sohovietnam, tiết lộ đã có 23 dự án BĐS qua Sohovietnam tư vấn với tổng giá trị khoảng 3.800 tỷ đồng, và tổng mức đầu tư các dự án khoảng từ 12.000 -15.000 tỷ đồng.
Theo số liệu từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư, năm 2014 dòng vốn FDI vào bất động sản tăng gấp 3 lần so với ngoái, đạt 2,54 tỷ USD, BĐS đứng ở vị trí thứ 2 với 35 dự án được đăng ký mới. Điều này cho thấy sự quan tâm của các nhà đầu tư nước ngoài vào BĐS đang ngày càng lớn hơn, phần lớn qua hoạt động M&A. Việc giao dịch chuyển nhượng thành công ở nhiều dự án trong thời gian gần đây sẽ là bước đệm tạo đà cho chu kỳ mới của thị trường BĐS. Và đó cũng là một “sân chơi” mới cho các “ông lớn” đủ tiềm lực tài chính, kinh nghiệm và uy tín để thể hiện mình.
Có rất nhiều lý do để các “ông lớn” bất động sản đẩy mạnh thâu tóm dự án. Trong đó, thanh khoản thị trường và tiềm năng của BĐS Việt Nam trong tương lai vẫn là yếu tố quyết định. Sự phục hồi của thị trường đang có những kết quả khả quan sau một loạt động thái từ Chính phủ. Gia dịch nhà ở tại Hà Nội theo Bộ Xây dựng đạt 11.450 giao dịch thành công trong 2014, tăng gấp 2 lần năm ngoái, và con số này tại Tp.HCM khoảng 10.000 căn, tăng 30% so với năm ngoái.
Cơ sở hạ tầng đang dần được hoàn thiện cũng như giao thông kết nối giữa các khu vực đô thị và các thành phố trọng điểm cũng góp phần giúp thị trường bất động sản trở nên hấp dẫn hơn. Bên cạnh đó, nhiều yếu tố chính sách khác mới được Quốc hội và Chính phủ thông qua cũng có tác động đến quyết định việc mua lại các dự án BĐS.
Ông Phan Xuân Cần cho rằng, khung giá đất tăng gấp đôi, đặc biệt phía Bắc đền bù theo đơn giá nhà nước. Trong đó, ngoài đơn giá nhà nước, dân đầu tư thường gọi là “tiền nổi” thì còn một chi phí khác là chi phí thỏa thuận, nhưng nếu hiện nay “tiền nổi” tăng gấp đôi (chưa kể tiền thỏa thuận) thì chi phí đầu vào dự án sẽ bị đội lên. Điều này có thể dẫn đến nhiều nhà đầu tư chọn phương án mua lại dự án thay vì phát triển dự án mới. Tuy nhiên, điều này có thể sẽ diễn ra trong tương lai bởi hiện nay việc mua lại dự án vẫn đang được định giá ở chi phí giải phóng mặt bằng theo đơn giá cũ.
Những chính sách mới cũng đang đem đến kỳ vọng rất lớn cho các nhà đầu tư nước ngoài khi TPP được ký kết, FDI tiếp tục tăng, Luật Đất đai mới cho phép các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài được giao đất cho việc đầu tư vào các dự án nhà ở để bán.