Thị trường nội địa - cứu cánh của doanh nghiệp!

Theo Ninh Hà/daibieunhandan.vn

Trong bối cảnh nền kinh tế cũng như hoạt động xuất khẩu, chuỗi cung ứng đang chịu những ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh COVID-19, đầu tư, xuất khẩu và tiêu dùng nội địa được coi là "ba chân kiềng" của nền kinh tế, giúp tăng trưởng GDP. Thế nhưng câu hỏi là doanh nghiệp cần làm gì để khai thác được thị trường nội địa?

Doanh nghiệp phải xây dựng lại chiến lược, kế hoạch kinh doanh, nhất là chuỗi cung ứng.
Doanh nghiệp phải xây dựng lại chiến lược, kế hoạch kinh doanh, nhất là chuỗi cung ứng.

Thời gian qua, không chỉ hoạt động xuất khẩu bị ảnh hưởng, chuỗi cung ứng cũng như lưu chuyển hàng hóa thương mại bị gián đoạn mà người dân cũng có tâm lý thu hẹp chi tiêu, mua sắm.

Cụ thể, 9 tháng qua, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng giảm 7,1% so với cùng kỳ năm ngoái; doanh thu bán lẻ hàng hóa 9 tháng ước giảm 3,38% so với cùng kỳ. Do đó, dù biết rõ tiềm năng thị trường nội địa với quy mô 100 triệu dân nhưng để khai thác được không phải đơn giản.

Để có thể khai thác được thị trường nội địa, một chuyên gia cho rằng, yếu tố đầu tiên là vai trò của các bộ, ngành, địa phương thể hiện qua công tác cải cách hành chính, dỡ bỏ những thủ tục phiền hà, làm tốn công sức, thời gian, cơ hội kinh doanh và làm phát sinh những chi phí không hợp lý, làm suy giảm sức cạnh tranh của doanh nghiệp.

Yếu tố tiếp theo là cần đề xuất những chính sách hợp lý, khoa học để phát triển hạ tầng thương mại bao gồm mạng lưới phân phối như chợ, siêu thị, trung tâm thương mại. Ngoài ra, cần chú ý phát triển cơ sở hạ tầng giao thông phục vụ vận chuyển, hệ thống kho dự trữ, logistics và các trung tâm thu mua và giao dịch hàng hóa của vùng, của khu vực...

Ý kiến khác thì cho rằng, cùng với những giải pháp, sự nỗ lực của các cơ quan chức năng, doanh nghiệp cũng phải chủ động sáng tạo, phản ứng nhanh để thích ứng với xu hướng và cách thức tiêu dùng mới. Cụ thể, cần thay đổi mô hình kinh doanh, từ sản xuất đến phân phối, vận chuyển, tiêu thụ; chất lượng hàng hóa phải bảo đảm.

Đặc biệt cần hỗ trợ đưa các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ nông dân tham gia các sàn thương mại điện tử bởi trong bối cảnh hiện nay, việc kết hợp phương thức phân phối hiện đại và phương thức phân phối truyền thống là giải pháp tất yếu, căn cơ cho hoạt động kết nối cung cầu, bảo đảm lưu thông hàng hóa, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Để làm được điều này, doanh nghiệp cần xây dựng chiến lược và ứng dụng thương mại điện tử, chiến lược chuyển đổi số và chiến lược lưu thông hàng hóa...

Bên cạnh đó, doanh nghiệp phải xây dựng lại chiến lược, kế hoạch kinh doanh, nhất là chuỗi cung ứng; cần theo dõi sát diễn biến, cung cầu giá cả các mặt hàng để có biện pháp điều tiết kịp thời, bảo đảm phân phối hàng hóa hợp lý giữa các vùng miền, đặc biệt là ổn định, cung cầu giá cả và lưu thông hàng hóa thông suốt.

Tiếp tục đẩy mạnh cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, tạo mối liên kết giữa các doanh nghiệp, các địa phương để hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm, khai thác hiệu quả thị trường, tận dụng cơ hội bình thường mới giúp doanh nghiệp phục hồi và phát triển.

Thị trường nội địa là cứu cánh cho tất cả doanh nghiệp, là nền tảng quan trọng hỗ trợ sự phát triển kinh tế - xã hội. Khai thác tốt thị trường trong nước là một trong những giải pháp quan trọng giúp doanh nghiệp phục hồi sản xuất, kinh doanh. Muốn vậy, cần có những giải pháp đồng bộ từ phía cơ quan chức năng và sự nỗ lực của các doanh nghiệp.

Cụ thể, như ý kiến của Thủ tướng Chính phủ tại cuộc họp trực tuyến của Chính phủ diễn ra hồi tháng 5 năm ngoái với các bộ, ngành, địa phương và các doanh nghiệp là các bộ, ngành và các địa phương là phải quan tâm xử lý, tạo môi trường kinh doanh lành mạnh, bình đẳng cho doanh nghiệp. Còn nhiệm vụ của doanh nghiệp là phải giữ được lao động, giữ và phát triển được thị trường, giữ được danh dự và bản lĩnh doanh nghiệp Việt Nam.