Thị trường phẳng lặng trước sóng

Theo Linh Đan/thoibaokinhdoanh.vn

Thị trường chứng khoán đã đi được gần hết tháng đầu tiên của quý II/2019 và cũng là đỉnh điểm của mùa báo cáo kết quả kinh doanh quý I. Tuy nhiên, với diễn biến tiêu cực và thanh khoản đi xuống như hiện nay đang thể hiện thị trường dường như đang "phớt lờ" con sóng này.

Nhiều con số đột biến. Nguồn: Internet
Nhiều con số đột biến. Nguồn: Internet

Thị trường chứng khoán vừa trải qua một tuần giao dịch (15-19/4) khá buồn tẻ do thanh khoản sụt giảm mạnh và kéo dài sang phiên giao dịch đầu tiên của tuần mới (22/4) khi chỉ số Vn-Index tiếp tục lùi sâu về mức 965,86 điểm với thanh khoản sụt giảm.

Diễn biến này được diễn ra trong bối cảnh kết quả kinh doanh quý I cũng bắt đầu xuất hiện nhiều hơn với cả các doanh nghiệp bluechip, mùa đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) cũng gần xong với nhiều thông tin hữu ích về cổ tức, mục tiêu kinh doanh, giải đáp những thắc mắc từ cổ đông…

Nhiều con số đột biến

Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank, mã: VPB) vừa công bố kết quả kinh doanh quý I/2019 với tăng trưởng tín dụng gấp đôi so với cùng kỳ, đạt 6,8%

Tổng thu nhập hoạt động hợp nhất của ngân hàng đạt hơn 7.900 tỷ đồng và lợi nhuận hợp nhất trước thuế đạt hơn 1.700 tỷ đồng, tăng trưởng lần lượt 4,3% và 1,1% so với vùng kỳ.

Tổng công ty khí Việt Nam – CTCP (PV Gas, mã: GAS) cũng kết thúc 3 tháng đầu năm với doanh thu thuần đạt 18.639 tỷ đồng, tăng 2,6% so với cùng kỳ; lợi nhuận sau thuế đạt 3.063 tỷ đồng, tăng 15% so với quý I/2018.

Tuy nhiên, do tỷ lệ giá vốn trên doanh thu thuần giảm từ 7,8% (quý I/2018) xuống 7,67% (quý I/2019) nên lợi nhuận gộp của PV Gas tăng 8,8%, đạt 4.345 tỷ đồng.

Tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2019 được tổ chức mới đây, lãnh đạo CTCP Vàng Bạc Đá quý Phú Nhuận (mã: PNJ) cũng đã công bố kết quả kinh doanh quý I/2019 với doanh thu thuần và lãi gộp tăng lần lượt 16% và 36% so với cùng kỳ, đạt 4.783 tỷ đồng và 1.049 tỷ đồng. Lợi nhuận trước thuế đạt 543 tỷ đồng, đạt 36,7% kế hoạch năm.

Năm 2019, PNJ đặt kế hoạch doanh thu thuần đạt 18.207 tỷ đồng, tăng 25% so với năm trước. Trong đó, doanh thu trang sức bán lẻ là 10.225 tỷ đồng, tăng 29%. Lợi nhuận sau thuế dự kiến 1.182 tỷ đồng, tăng 23% so với năm trước; tỷ lệ cổ tức dự kiến ở mức 18%.

Không chỉ các doanh nghiệp lớn, những doanh nghiệp nhỏ cũng đưa ra những con số về kết quả kinh doanh khả quan trong 3 tháng đầu năm 2019, thậm chí tăng trưởng vượt trội so với cùng kỳ.

Điển hình là CTCP Đầu tư LDG (mã: LDG) vừa công bố doanh thu thuần trong quý đạt hơn 313 tỷ đồng, gấp 4 lần cùng kỳ, trong khi giá vốn hàng bán chỉ tăng thêm chưa đến 3 lần nên lợi nhuận gộp đạt hơn 182 tỷ đồng tăng mạnh so với con số 38 tỷ đồng trong quý I/2018.

Ngoài ra, doanh thu từ hoạt động tài chính cũng tăng mạnh, lên 2,3 tỷ đồng (cùng kỳ 77 triệu đồng), chi phí được tiết giảm ở mức thấp nhất, kéo lợi nhuận sau thuế của LDG đạt 121 tỷ đồng, gấp hơn 25 lần quý I/2018 (4,8 tỷ đồng).

Tính đến hết quý I/2019, doanh thu của CTCP Nhựa Bình Minh (mã: BMP) đạt 932 tỷ đồng, tăng 40,6%; lợi nhuận trước thuế đạt 114 tỷ đồng, tăng 8,6% so với cùng kỳ.

Thị trường dửng dưng

Nhìn chung, kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp được công bố đều có xu hướng tích cực, tuy nhiên, thị trường chứng khoán lại đang có diễn biến ngược lại.

Tính đến thời điểm hiện tại, chỉ số Vn-Index đã ghi nhận tuần giảm điểm thứ hai liên tiếp, đối diện với lực bán áp đảo lực mua khiến cho chỉ số đã có lúc rơi về sát mốc 960 điểm.

Nhóm cổ phiếu dẫn dắt thị trường là VIC (Vingroup), VHM (Vinhomes), VRE (Vincom Reatail) đều đang có xu hướng giảm mạnh. Bên cạnh đó là nhóm ngân hàng và dầu khí cũng chịu áp lực chốt lời mạnh và không hỗ trợ nâng đỡ VN-Index được nhiều.

Trong cả tuần giao dịch trước (15-19/4), thanh khoản khớp lệnh chỉ đạt khoảng 512 triệu cổ phiếu và suy giảm khá mạnh so với tuần trước (8- 12/4). Chính vì dòng tiền vào thị trường yếu như vậy nên các chỉ số chính ở trong tình trạng đi ngang và giảm dần đều.

Theo một chuyên gia chứng khoán, khó có thể kỳ vọng vào sóng BCTC quý I do tâm lý nhà đầu tư đang tỏ ra chán nản, thể hiện bởi sự sụt giảm về thanh khoản, nhiều doanh nghiệp dù công bố kết quả kinh doanh khả quan nhưng vẫn phải chịu áp lực bán khủng khiếp, đến mức giảm mạnh hoặc thậm chí nằm "đo sàn".

Có thể kể đến như cổ phiếu NTC của CTCP Khu công nghiệp Nam Tân Uyên, đã giảm gần 11% chỉ trong 4 phiên giao dịch ngay sau khi thông tin doanh nghiệp công bố lợi nhuận sau thuế quý I/2019 đạt 70 tỷ đồng, tăng gần gấp đôi so với con số 32,5 tỷ đồng của cùng kỳ.

Cũng theo vị chuyên gia này, dù hiệu ứng tích cực của "mùa" BCTC quý I vẫn hiện hữu nhưng sẽ chỉ mang tính lẻ tẻ tại một số cổ phiếu và khó có thể tạo ảnh hưởng chung trong bối cảnh tâm lý "tin ra là bán" đang lan tỏa.

Theo ông Trần Xuân Bách, Bộ phận Chiến lược thị trường, CTCK Bảo Việt, kết quả kinh doanh quý I cũng như các thông tin trong mùa ĐHĐCĐ của các doanh nghiệp đã được phản ánh tương đối vào diễn biến giá cổ phiếu của các doanh nghiệp trong thời gian vừa qua. Tác động tiếp theo (nếu có) cũng sẽ không còn nhiều và chủ yếu chỉ tạo ra sự phân hóa theo kết quả của từng doanh nghiệp cụ thể.

Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng xu hướng giảm của thị trường chỉ trong ngắn hạn do tâm lý các nhà đầu tư vẫn đang tỏ ra bi quan một phần bởi kết quả kinh doanh quý I/2019 chưa thật sự nổi bật và tăng trưởng tín dụng còn kém.