Thị trường tài chính Việt Nam và cơ hội từ AEC
(Taichinh) - Việc thành lập Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) sẽ đánh dấu một cột mốc quan trọng trong quá trình hội nhập ASEAN. Với việc tự do hóa luồng hàng hóa dịch vụ, tự do hóa dòng chu chuyển đầu tư và tự do hóa dòng vốn, AEC được kỳ vọng sẽ đem lại cơ hội cho sự phát triển thị trường tài chính, cho nền kinh tế của các nước AEC nói chung và cho Việt Nam nói riêng.
Khung khổ hội nhập tài chính AEC
Để đảm bảo vận hành thông suốt thị trường chung, các nước AEC đã xây dựng lộ trình hội nhập tài chính gồm: tự do hóa dịch vụ tài chính, tự do hóa tài khoản vốn và phát triển thị trường vốn, xây dựng hệ thống thanh toán chung. Nhiều sáng kiến đã được thực hiện nhằm thúc đẩy hợp tác xuyên biên giới giữa các thị trường tài chính trong khu vực ASEAN. Hiện nay, tự do hóa dịch vụ tài chính đang thực hiện đàm phán Gói cam kết thứ 6 bao gồm bảo hiểm và các dịch vụ liên quan đến bảo hiểm, ngân hàng và dịch vụ tài chính khác. Mặc dù chưa đạt được nhiều tiến bộ đối với tự do hóa ngân hàng nhưng các nước ASEAN vẫn đang nỗ lực để tìm ra khuôn khổ chung cho phép các ngân hàng ASEAN đạt tiêu chuẩn mở rộng hoạt động ở các nước thành viên.
Đối với tự do hóa tài khoản vốn: Cùng với việc tự do hóa khu vực tài chính, dịch vụ tài chính thì tự do hóa tài khoản vốn cũng là yêu cầu đặt ra nhằm phát triển hơn nữa của các nước trong cộng đồng AEC. Trong năm 2015, để thúc đẩy tự do hóa tài khoản vốn sẽ tiếp tục tự do hóa, loại bỏ hạn chế và kiểm soát vốn để thuận lợi hóa lưu chuyển vốn, bao gồm loại bỏ các hạn chế về giao dịch tài khoản vãng lai, FDI và luồng vốn đầu tư gián tiếp. Mặc dù vậy, do có sự khác biệt về trình độ phát triển giữa các nước ASEAN trong lĩnh vực tài chính, mức độ mở cửa tài khoản vốn cũng như những bất ổn mà nền kinh tế có thể gặp phải khi tự do hóa tài khoản vốn nên lộ trình AEC đã xác định, việc tự do hóa tài khoản vốn phải đảm bảo thống nhất với lộ trình của từng quốc gia cũng như sự sẵn sàng của nền kinh tế; Phải thực hiện các giám sát về khả năng mất ổn định kinh tế vĩ mô tiềm tàng cũng như những rủi ro hệ thống có thể xuất hiện trong quá trình tự do hóa; Đảm bảo việc chia sẻ lợi ích từ tự do hóa tài khoản vốn giữa các nước ASEAN.
Đối với phát triển thị trường vốn: Một trong những mục tiêu chính của hội nhập tài chính khu vực là nhằm tăng cường trung gian tài chính, nâng cao năng lực và quản lý rủi ro để hỗ trợ tăng trưởng của quốc gia và khu vực, cũng như để giảm tính dễ bị tổn thương đối với những cú sốc từ bên ngoài và biến động thị trường. Để xây dựng và phát triển thị trường vốn chung, các nước AEC tập trung vào tự hóa các dịch vụ tài chính, nỗ lực để hài hòa các tiêu chuẩn về thị trường vốn trong khu vực, công nhận lẫn nhau về bằng cấp, đào tạo và kinh nghiệm của các chuyên gia thị trường…
Đối với việc xây dựng hệ thống thanh quyết toán: Với việc hình thành cộng đồng kinh tế AEC, hệ thống thanh toán, quyết toán là yêu cầu tất yếu nhằm hỗ trợ các hoạt động kinh tế. Do vậy, AEC sẽ phát triển hệ thống thanh toán thông qua việc áp dụng các tiêu chuẩn chung nhằm tạo điều kiện tài chính xuyên biên giới hiệu quả, cải thiện cơ sở hạ tầng về thanh toán hiện nay. ASEAN thừa nhận thị trường tài chính phát triển không đồng đều giữa các nước thành viên, do vậy đã xây dựng lộ trình hội nhập AEC, tự do hóa thị trường tài chính theo công thức “ASEAN - X” cho phép các nước thành viên đã sẵn sàng hội nhập ngay, trong khi một số nước khác sẽ tham gia sau. Quyết định chia lộ trình tự do hóa thành các giai đoạn nhằm đảm bảo các nước thành viên có được sự chuẩn bị tốt nhất khi chính thức thành lập cộng đồng AEC vào năm 2015. Theo đó, hội nhập tài chính AEC giai đoạn I được hoàn thành vào năm 2010, thành lập khuôn khổ đối với các Ngân hàng ASEAN đạt tiêu chuẩn (QABs) và thừa nhận sự phát triển của thị trường trái phiếu ASEAN.
Lộ trình hội nhập tài chính AEC cũng đã được vạch ra cho các giai đoạn 2015-2020. Về cơ bản, đến năm 2015 sẽ loại bỏ hạn chế đối với lĩnh vực bảo hiểm, ngân hàng và thị trường vốn phân ngành, tự do hóa dòng chảy của vốn đầu tư gián tiếp, tự do hóa dịch vụ môi giới và các sản phẩm tài chính; Hài hòa hóa tiêu chuẩn thị trường vốn tại ASEAN đối với các lĩnh vực có quy định về chứng khoán nợ, yêu cầu công bố thông tin và các quy tắc phân bổ…. Nhằm tăng cường phát triển thị trường tài chính khu vực để hướng tới mục tiêu thành lập AEC, tại Hội nghị Bộ trưởng tài chính ASEAN lần thứ 19 và hội nghị chung giữa Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc ngân hàng Trung ương ASEAN lần thứ nhất ngày 21/3/2015, các nhà lãnh đạo tài chính và ngân hàng trung ương ASEAN đã đạt được nhất trí cao trong việc tăng cường phát triển thị trường tài chính khu vực, đồng thời quyết tâm phối hợp chặt chẽ và thúc đẩy quá trình hội nhập tài chính, tiền tệ khu
Cơ hội cho thị trường tài chính Việt Nam từ AEC
Theo lộ trình đã cam kết, đến năm 2015, Việt Nam sẽ phải mở cửa, xóa bỏ các hạn chế trong các ngành ngân hàng, bảo hiểm và các thị trường vốn. Điều này bao hàm tự do hóa 4 phương thức cung cấp thương mại dịch vụ qua biên giới như được định nghĩa trong WTO là:
(i) cung cấp thương mại dịch vụ qua biên giới (phương thức 1);
(ii) Tiêu dùng (sử dụng dịch vụ) ở nước ngoài (phương thức 2);
(iii) Hiện diện thương mại (phương thức 3) và
(iv) Tự do dịch chuyển cá nhân (phương thức 4).
Với việc thực hiện lộ trình các cam kết từ AEC trong lĩnh vực tài chính, thị trường tài chính Việt Nam sẽ trở nên liên thông với thị trường các nước AEC, sẽ đem đến nhiều cơ hội song cũng đặt ra không ít thách thức đối với thị trường tài chính trong nước. Về cơ hội, việc xóa bỏ rào cản và sự khác biệt giữa các quốc gia trong khối là để tạo ra thị trường bình đẳng cho các công ty trong nước với các công ty nước ngoài. Hiện nay, đối với lĩnh vực ngân hàng giới hạn tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài tối đa là 30%, đối với lĩnh vực bảo hiểm và chứng khoán là 49%. Tuy nhiên, theo cam kết về tự do hóa dịch vụ, đến năm 2015 các nước sẽ phải mở cửa tất cả các ngành dịch vụ với mức quy định tối thiểu có 70% vốn nước ngoài tham gia. Như vậy, các nhà đầu tư từ các nước thành viên AEC có thể tham gia sâu hơn vào thị trường bảo hiểm, ngân hàng, chứng khoán của Việt Nam và ngược lại. Đây là cơ hội mở ra cho thị trường tài chính Việt Nam trên một số góc độ sau:
Thứ nhất, mở rộng cơ hội đa dạng hóa và nâng cao chất lượng sản phẩm dịch vụ tài chính, đáp ứng tốt hơn các nhu cầu vốn. Để đón đầu AEC tại Việt Nam, nhiều ngân hàng thương mại tại các nước ASEAN như Kasikorn của Thái Lan, Ngân hàng phát triển Singapore, Maybank của Malaysia… đã bắt đầu thành lập văn phòng đại diện ở Việt Nam. Tuy nhiên, dự kiến không chỉ các ngân hàng, mà các tập đoàn, công ty bảo hiểm chứng khoán cũng sẽ mở rộng hoạt động ở Việt Nam khi AEC đi vào hoạt động. Sự hiện diện của các nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam mang lại cơ hội cho người tiêu dùng có sự lựa chọn đa dạng hóa hơn đối với các sản phẩm tài chính, chất lượng sản phẩm cũng được nâng cao do các DN phải cạnh tranh khốc liệt hơn, không chỉ với các đối thủ trong nước mà cả các đối thủ trong các nước AEC. Bên cạnh việc phục nhu cầu tài chính cho các hoạt động đầu tư của các DN nước ngoài, các DN hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ tài chính (ngân hàng, bảo hiểm, chứng khoán) còn có thể thu hút khách hàng Việt Nam dựa trên uy tín thương hiệu trên thị trường cũng như sức mạnh tài chính dồi dào và sản phẩm đa dạng, chất lượng. Ngoài ra, AEC có thể sẽ giúp tăng cường phạm vi che phủ và mức độ phục vụ ngành dịch vụ tài chính ở những vùng, những ngành mà mức độ thâm nhập và phục vụ của các dịch vụ tài chính vẫn còn thấp.
Thứ hai, hội nhập tài chính AEC sẽ giúp các DN trong lĩnh vực ngân hàng, bảo hiểm, chứng khoán của Việt Nam mở rộng thị phần và tiếp cận các công nghệ quản trị tiên tiến.
Quy mô GDP của các nước ASEAN đạt trên 2,3 nghìn tỷ USD và tốc độ tăng trưởng trên 5% mỗi năm, lượng dân số khoảng trên 625 triệu người, cơ cấu dân số trẻ, mức thu nhập bình quân đầu người khoảng gần 4.000 USD/người/năm, AEC với việc tự do hóa dịch chuyển hàng hóa, dịch vụ trong khu vực ASEAN sẽ khuyến khích các hoạt động kinh doanh và đầu tư lớn hơn ở khu vực. Ngành bảo hiểm trong khu vực sẽ được hưởng lợi đáng kể từ dòng chảy lao động và dịch vụ logistics giữa các nước thành viên ASEAN, giữa ASEAN và 2 nước Trung Quốc, Ấn Độ. Ngoài ra, vận tải đường biển, đường bộ và đường hàng không sẽ đòi hỏi phát triển thêm các sản phẩm bảo hiểm mới dành cho thị trường ASEAN/Trung Quốc. AEC 2015 cũng sẽ mở rộng số lượng các loại bảo hiểm bắt buộc ở các ngành công nghiệp khác, chẳng hạn như sản xuất.
Đầu tư nước ngoài trực tiếp gia tăng và hoạt động kinh tế ở khu vực đương nhiên sẽ mang lại việc gia tăng nhu cầu về các dịch vụ bảo hiểm, ngân hàng, chứng khoán ở Đông Nam Á. Các DN Việt Nam sẽ đầu tư hoạt động sản xuất kinh doanh, dịch vụ nhiều hơn ở các nước khác trong khu vực ASEAN… Đây là cơ hội tốt để các DN Việt Nam nắm bắt thời cơ mở rộng thị trường. Trên thực tế, một số ngân hàng Việt Nam cũng đã có mặt ở thị trường các nước ASEAN, nỗ lực mở rộng cơ hội đầu tư ra ngoài lãnh thổ. Xu hướng này sẽ tiếp tục tăng lên khi ACE chính thức đi vào hoạt động. Tuy nhiên, việc mở rộng thị phần của các ngân hàng Việt Nam nói riêng và ngành dịch vụ tài chính nói cung cũng chịu áp lực cạnh tranh không nhỏ từ các nước lớn trong ASEAN.
Thứ ba, tự do hóa đầu tư, tự do hóa dòng vốn sẽ tạo thuận lợi để phát triển thị trường tài chính sâu hơn. Sự tự do luân chuyển các dòng vốn đầu tư của AEC sẽ có tác động tích cực đến phát triển hệ thống tài chính của Việt Nam không chỉ theo chiều rộng và còn theo cả chiều sâu. Đối với thị trường chứng khoán, sự có mặt của các nhà đầu tư nước ngoài, các quỹ đầu tư chứng khoán, các tập đoàn tài chính lớn sẽ góp phần làm chuyên nghiệp hóa thị trường chứng khoán Việt Nam, từ đó tăng cường kinh nghiệm và nâng cao tiêu chuẩn về quản trị công ty, khả năng phân tích, đầu tư cho các DN trong nước. Sự luân chuyển tự do của các dòng vốn cũng khiến cho quy mô của thị trường tài chính nói chung và thị trường chứng khoán nói riêng tăng lên đáng kể và trở thành kênh huy động vốn của DN, đáp ứng các nhu cầu về vốn của nền kinh tế.
Thách thức cho thị trường tài chính Việt Nam
Tham gia cộng đồng AEC là cơ hội để thị trường tài chính Việt Nam phát triển và hoàn thiện, tuy nhiên AEC cũng đem lại không ít thách thức:
Thứ nhất, khi AEC đi vào hoạt động, việc thực hiện cam kết AEC sẽ đặt ra không ít thách thức thị trường tài chính Việt Nam. Sự tham gia của các định chế tài chính, các tập đoàn tài chính lớn vào thị trường sẽ làm gia tăng áp lực cạnh tranh cho thị trường tài chính trong nước. Tự do hóa thị trường tài chính trong điều kiện chuẩn mực quản lý còn yếu kém, làm cho vấn đề bất đối xứng về thông tin (rủi ro đạo đức) trên thị trường tài chính trở nên trầm trọng hơn, làm tăng khả năng tổn thương của hệ thống tài chính. Theo một số khảo sát gần đây, chỉ 30% DN Việt Nam hiểu biết đủ về AEC để lên kế hoạch kinh doanh. Đặc biệt, các DN nhỏ và vừa hầu như không biết gì về AEC. Đây là thách thức không nhỏ đối với hệ thống tài chính cũng như nền kinh tế Việt Nam do khả năng chống đỡ các cú sốc của DN Việt rất kém, thiếu chiến lược dài hạn.
Thứ hai, tự do hóa dịch vụ tài chính, tự do hóa tài khoán vốn có thể làm gia tăng bất ổn cho thị trường và hệ thống tài chính. Sự gia tăng dòng vốn, đặc biệt từ nước ngoài vào cũng làm gia tăng mối lo về bong bóng giá tài sản và cũng như việc điều hành chính sách tiền tệ độc lập. Bên cạnh đó, dòng vốn được tự do luân chuyển sẽ làm tăng nguy cơ đảo chiều rút vốn đột ngột, đặc biệt với quy mô lớn sẽ là nguyên nhân mất ổn định đối với thị trường tài chính.
Thứ ba, những thách thức đối với năng lực của hệ thống giám sát: Với một thị trường chung cho toàn khu vực ASEAN, việc nhận diện và giám sát rủi ro hệ thống tài chính là yêu cầu thiết yếu ở mọi quốc gia, nhất là các nước mới phát triển thể chế tài chính thị trường. Tại Việt Nam, giám sát dựa trên rủi ro còn chưa được chú trọng, công cụ phục vụ giám sát vẫn còn chưa đầy đủ. Bản thân các cơ quan thanh tra giám sát tài chính cũng còn nhiều bất cập về nhân lực, phương tiện kỹ thuật và công nghệ thu thập, xử lý thông tin; các mô hình phân tích định lượng, cảnh báo, kiểm định rủi ro cho cả hệ thống tài chính và cho từng định chế tài chính còn ít được ứng dụng phục vụ cho hoạt động giám sát từ xa… Do vậy, giám sát thị trường tài chính và hệ thống tài chính trong bối cảnh hội nhập sẽ là thách thức không nhỏ đối với hệ thống giám sát của Việt Nam.