Bất động sản 2016: Vừa “minh” vừa “chuyên”

Theo thoibaokinhdoanh.vn

Nhiều ý kiến tích cực về xu hướng vận động của thị trường bất động sản (BĐS) năm 2016 đã được phát đi tại hội thảo “Dự báo xu hướng thị trường BĐS 2016” mới diễn ra tại Hà Nội. Đại diện giới lãnh đạo, quản lý cao cấp và chuyên gia đầu ngành (BĐS, tín dụng) đều dự cảm về tương lai tiếp tục chuyển biến khả quan của địa ốc.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet


Lần lượt, các thông số về dư nợ, cán cân cung - cầu, yếu tố ngoại cảnh (hiệp định, giá trị ngoại tệ…) lẫn chính sách điều hành vĩ mô, sở tại được trình bày nhằm minh chứng cho bức tranh BĐS tương lai vừa chuyên nghiệp vừa minh bạch.

Nội sinh tươi tắn

Về thực trạng thị trường, GS., TS. Đặng Hùng Võ cho rằng năm 2016, thị trường vẫn chuyển biến theo hướng tích cực. Dấu hiệu phát triển tích cực của thị trường nhà ở thể hiện ở các điểm: tổng dư nợ tín dụng BĐS năm 2015 lên đến 342.000 tỷ đồng, trong đó phân khúc nhà ở chiếm đến 39%; lượng tồn kho giảm mạnh trên từng phân khúc, đặc biệt tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh.

Tuy nhiên, để khắc phục các nhược điểm của thị trường BĐS, vẫn cần có sự nỗ lực của cơ quan nhà nước, như đa dạng hóa sản phẩm, bổ sung nguồn vốn trung và dài hạn cho thị trường BĐS; giảm lãi suất, “cởi trói” cho các dự án BĐS thế chấp ở ngân hàng nước ngoài để vay vốn.

Điểm lại những mặt “được” và “chưa được” của BĐS Việt Nam giai đoạn 2008 - 2012, ông Đặng Hùng Võ khẳng định thị trường BĐS mang đặc trưng của các nước có nền kinh tế chuyển đổi, tác động vào địa ốc rất mạnh. Cụ thể, do cơ chế bao cấp giá trị đất đai không có và chuyển sang cơ chế thị trường nên giá đất không phụ thuộc vào chính sách.

Hệ quả là gặp “bỡ ngỡ” về giá đất, giá BĐS. Đã có lúc, giá BĐS Việt Nam ngang ngửa giá tại Băng Cốc (Thái Lan) hay Manila (Philippin). Tuy nhiên, theo Nguyên Thứ trưởng Bộ TN&MT, đầu năm 2013, khi nhà quản lý bàn soạn triển khai các gói cứu trợ thị trường BĐS, ít người nghĩ năm 2015 đã đạt được những kết quả tốt như hiện nay.

Năm 2015 ghi nhận rất nhiều biểu hiện tích cực về chỉ số giao dịch: Mỗi tháng trung bình 1.500 giao dịch ở Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh. Tổng tồn kho BĐS 2015 đã được giải quyết đối với từng phân khúc, trong đó, địa bàn TP. Hồ Chí Minh giảm nhiều hơn; gói 30.000 tỷ đồng chứng kiến giải ngân thực gần một nửa…

Đáng chú ý, ông Võ cho rằng chưa có cơ sở để nói bong bóng có thể xảy ra vì thị trường BĐS vốn có quán tính rất lớn, đòi hỏi đất đai, vốn đầu tư lớn, nên không dễ chuyển từ trạng thái này sang trạng thái khác.

Ngoại cảnh thuận lợi

Cùng quan điểm về hiệu quả chính sách quản lý của ông Nguyễn Mạnh Hà, Nguyên Cục trưởng Cục quản lý Nhà và thị trường BĐS, xuất hiện ý kiến cho rằng việc giải tỏa tồn kho BĐS năm 2016 sẽ cao hơn, khi quy hoạch được quan tâm nhiều hơn, tạo điều kiện sống tốt, tăng cơ hội giải quyết BĐS tồn đọng.

Dưới góc độ tài chính ngân hàng, Ts. Nguyễn Trí Hiếu và Ts. Cấn Văn Lực nhìn nhận: Chuyển biến của kinh tế thế giới và xu hướng hợp tác quốc tế có sẽ có những tác động quan trọng tới thị trường BĐS Việt Nam, gồm cả yếu tố tích cực và tiêu cực, nhưng yếu tố tích cực sẽ chiếm ưu thế.

Gần đây, đồng Nhân dân tệ (Trung Quốc) được công nhận vào rổ tiền tệ IMF, việc Việt Nam điều chỉnh tỷ giá tiền đồng, giảm lãi suất tiền gửi USD, cấm găm giữ ngoại tệ, cùng với sự tăng trưởng kinh tế, giảm lạm phát… Do đó, người dân và DN sẽ lấy tiền đồng đầu tư vào BĐS, vì đây là kênh đầu tư hấp dẫn hiện nay, nếu nắm bắt được cơ hội và xây dựng được chiến lược kinh doanh phù hợp.

Về cơ hội cho vốn ngoại, năm 2015, kiều hối tăng trưởng 4%, năm 2016, kiều hối khu vực châu Á - Thái Bình Dương dự báo tăng trưởng 5%, kéo theo đà tăng trưởng kinh tế thế giới khá hơn. Việt Nam thuộc top 15 quốc gia nhận kiều hối của thế giới (12,5 tỷ USD). Đặc biệt, 4 hiệp định thế hệ mới bao gồm AEC, Việt Nam - EU, TPP và RCEP cũng sẽ có tác động tích cực tới thị trường BĐS.

Chia sẻ về cơ hội của BĐS 2016, ông Jeff Foo, Chủ tịch Hiệp hội Môi giới BĐS Singapore, cho biết khi Việt Nam mở cửa cho các dòng vốn đầu tư nước ngoài, Việt Nam đã thu hút được nhiều loại hình nhà đầu tư đến Việt Nam, trong đó có các nhà đầu tư Singapore. Hiện trong tổng số 10 DN lớn của Singapore đầu tư vào Việt Nam, có đến 5 DN đầu tư vào lĩnh vực BĐS như: Mapletree, Captial Land, Keppel Land, Vietnam Singapore Industrial Park, Sembcrop.