Hai mặt đất đấu giá

Theo Lê Sáng/batdongsan.enternews.vn

Mặc dù chịu ảnh hưởng không nhỏ của dịch bệnh nhưng theo các chuyên gia dòng tiền vẫn đang chảy vào bất động sản và những mảnh đất đấu giá được xem như hàng “hot” đối với nhà đầu tư.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Qua các cuộc đấu giá gần đây cho thấy đất đấu giá đang ngày càng “nóng” khi tăng cả về giá khởi điểm cũng như giá đấu nhưng vẫn hút nhà đầu tư.

Sốt xình xịch đất đấu giá

Cụ thể, vào đầu tháng 10/2021, Trung tâm Phát triển Quỹ đất huyện Quốc Oai và Công ty đấu giá hợp danh Đấu giá Việt Nam đã phát đi thông báo mời tham gia đấu giá Quyền sử dụng 32 thửa đất tại lô S2, khu ĐG/06/2019 tại thôn Phú Mỹ, xã Ngọc Mỹ với mức giá khởi điểm cho các thửa từ S2-01 đến S2-16 là 47,7 triệu đồng/m2, đặt trước 550 triệu đồng. Hiện có hàng trăm người đăng ký tham gia.

Hay trong phiên đấu giá đất khu vực xã Hồng Dương (Thanh Oai, Hà Nội) giữa tháng 10, đại diện Trung tâm phát triển quỹ đất huyện Thanh Oai cho biết, phiên đấu giá có 57 lô đất, nhưng ban tổ chức nhận hơn 2.000 bộ hồ sơ tham gia, tạo ra sự cạnh tranh gay gắt. Mặc dù nhiều người đã bỏ thầu với mức cao hơn gấp 2 – 3 lần giá khởi điểm, nhưng vẫn phải trắng tay ra về.

Đất ở nông thôn tại huyện Quốc Oai (Hà Nội) có mức giá khởi điểm lên đến gần 50 triệu đồng/m2
Đất ở nông thôn tại huyện Quốc Oai (Hà Nội) có mức giá khởi điểm lên đến gần 50 triệu đồng/m2

Bên cạnh đó, thông tin về nhiều phiên đấu giá đất sắp diễn ra tại các huyện ngoại thành Hà Nội khác như Mỹ Đức, Chương Mỹ, Mê Linh,… cũng đang khiến thị trường sốt xình xịch mỗi khi mức giá khởi điểm được đưa ra cũng như số tiền đặt cọc cao hơn các đợt trước đó.

Sức nóng của các phiên đấu giá đất thậm chí còn “bỏng tay” hơn tại các quận nội thành. Mới đây nhất, phiên đấu giá tại quận Cầu Giấy (Hà Nội) với giá trúng lên đến gần 400 triệu đồng/m2, được cho cao gấp đôi giá thị trường cũng khiến cho dư luận “rúng động”. Mặc dù chỉ có 25 ô đất được mang ra đấu giá nhưng phiên “chợ đất” có khoảng 800 - 900 hồ sơ nộp tham dự. Nhiều nhà đầu tư nộp từ 5 - 10 bộ hồ sơ nhưng vẫn ra về trắng tay.

Không chỉ nóng tại Hà Nội, làn sóng sốt nóng đấu giá đất cũng xuất hiện tại nhiều địa phương như Bắc Ninh, Bắc Giang, Thanh Hóa,…trong đó có cả những nơi mà cơn bão sốt nóng giá đất nền đã quét qua hồi đầu năm. Tại Bắc Giang, các phiên đấu giá đều thu chênh hàng chục tỷ đồng. Đáng chú ý có những lô ghi nhận giá trúng chênh tới hàng tỷ đồng so với giá khởi điểm.

Theo Luật sư Trịnh Hữu Đức – Văn phòng luật Hàm Rồng, sở dĩ đất đấu giá đang rất hấp dẫn giới đầu cơ nhỏ lẻ, do tài sản này đã đảm bảo về tính pháp lý và đầu tư hạ tầng cơ bản hoàn chỉnh. Bên cạnh đó, mức giá niêm yết để thực hiện đấu giá tính theo bảng giá đất, thường sẽ thấp hơn giá thị trường nên nhà đầu tư mới đổ xô vào tham gia để tìm kiếm cơ hội.

Hai mặt của làn sóng đấu giá đất

Dự kiến, từ nay đến hết năm 2021, các địa phương trong cả nước sẽ đẩy nhanh tiến độ đấu giá đất nhằm gia tăng nguồn ngân sách. Trước làn sóng gia tăng cả về tần suất cũng như sức nóng của nhiều đợt đấu giá đất vừa qua, các chuyên gia cảnh báo sẽ có 2 mặt của làn sóng.

Ở mặt tích cực, theo các chuyên gia, việc đẩy mạnh đấu giá đất cùng với việc giá khởi điểm và giá trúng đấu giá tăng cao sẽ góp phần gia tăng nguồn thu cho ngân sách. Tuy nhiên các chuyên gia cũng chỉ ra một số vấn đề cần chú ý.

Thứ nhất, dưới góc độ quản lý, các chuyên gia cho rằng cần siết chặt hơn nữa quy trình tổ chức các phiên đấu giá đất tại các địa phương để tránh việc trục lợi, “quân xanh, quan đỏ, chân gỗ” vốn được xem là “lỗ hổng” cần sớm được khắc phục. Điển hình mới đây, cơ quan điều tra đã khởi tố, bắt giam bà Nguyễn Thị Loan - Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Tập đoàn Vimedimex về tội Vi phạm quy định về hoạt động bán đấu giá tài sản tiếp tục cho thấy sự bức thiết của công tác này.

Thứ hai, đối với các nhà đầu tư cần tham gia một cách tỉnh táo để tránh bị “đu đỉnh”. Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP. Hồ Chí Minh cho rằng, khi tham gia các phiên đấu giá đất với tâm lý “ganh đua” rất dễ bị “say đòn” trả giá cao hơn nhiều mức mục tiêu để rồi bị đu đỉnh.

Ông Nguyễn Văn Đính - Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản chỉ rõ, kinh doanh bất động sản theo hình thức đấu giá quyền sử dụng đất tiềm ẩn nhiều rủi ro. Khi tham gia đấu giá, nhà đầu tư cần phải tìm hiểu kỹ thông tin thị trường tại khu vực đó, nếu bỏ giá cao hơn thực tế khi thanh khoản sẽ rất khó khăn; bên cạnh đó nhà đầu tư cũng cần phải biết “liệu cơm mà gắp mắm”, cân nhắc tiềm lực tài chính sẵn có khi tham gia đấu giá, tránh trường hợp lợi nhuận đâu chưa thấy lại mất cả chì lẫn chài.

"Bài học nhà đầu tư “bỏ của chạy lấy người” sau khi tham gia đấu giá quyền sử dụng đất ở Thanh Hóa, Bắc Giang... thời gian gần đây là lời cảnh tỉnh cho những người muốn kinh doanh theo kiểu lướt sóng” - ông Đính cảnh báo.

Để ngăn chặn tình trạng sốt “ảo” đất đấu giá và ngăn chặn chiêu đầu cơ “lướt sóng” rồi bỏ cọc như thời gian qua, theo khuyến cáo của các chuyên gia pháp lý, cơ quan quản lý Nhà nước cần bám sát tình hình thực tế, có các biện pháp như hoàn thiện hơn nữa khung pháp lý, nội quy đấu giá, thậm chí nâng giá trị phần trăm đặt cọc và rút ngắn thời gian nộp tiền.

Dưới góc độ dài hạn, theo GS. Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, việc đấu giá đất ồ ạt đôi khi chỉ thỏa mãn việc tăng ngân sách địa phương trong giai đoạn trước mắt, tương lai sẽ không còn chỗ để thu nữa. "Theo đó, nhất thiết hoạt động đấu giá đất phải được căn cứ vào quy hoạch phát triển địa phương" - GS. Võ khuyến cáo.