Loạt ông lớn bất động sản đổ bộ vào Quảng Nam

Theo Thành Vân/nhadautu.vn

Từ một vùng đất cát trắng khô cằn, giờ đây dải đất ven biển tỉnh Quảng Nam đã hình thành nên những khu đô thị sầm uất. Đặc biệt, thời gian gần đây, nhiều tập đoàn bất động sản lớn đã và đang đổ bộ vào tỉnh để đầu tư, đề xuất loạt dự án có quy mô lớn.

 Nhiều tập đoàn bất động sản lớn đã và đang đổ bộ vào tỉnh để đầu tư, đề xuất loạt dự án có quy mô lớn. Ảnh: Thành Vân.
Nhiều tập đoàn bất động sản lớn đã và đang đổ bộ vào tỉnh để đầu tư, đề xuất loạt dự án có quy mô lớn. Ảnh: Thành Vân.

Trong giai đoạn 2015 - 2020, mạng lưới đô thị vùng Đông tỉnh Quảng Nam từng bước hình thành rõ nét. Giữa đô thị và nông thôn giữ được mối liên kết hỗ trợ nhau, đảm bảo cho sự phát triển chung. Từ đó, hình thành chuỗi đô thị ven biển giữ vai trò chủ đạo trong việc tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội, gồm: đô thị mới Điện Nam - Điện Ngọc (Điện Bàn), TP.Hội An, vệt du lịch cao cấp ven biển Hội An - Điện Ngọc, đô thị Nam Hội An, Tam Kỳ, Chu Lai - Núi Thành.

Đặc biệt, từ khi tuyến đường ven biển (đường Võ Chí Công) hoàn thành đã đóng vai trò quan trọng trong định hướng phát triển du lịch của tỉnh cũng như phát triển các ngành công nghiệp. Hơn hết, tuyến đường này trở thành trục xương sống hình thành các khu đô thị lớn, từ đó tạo cảnh quan đô thị ven biển, làm tiền đề thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội, công nghiệp, du lịch và dịch vụ tỉnh Quảng Nam.

Trong thời gian qua, đã có hàng loạt dự án đầu tư đô thị, thương mại, dịch vụ, du lịch, vui chơi giải trí được cấp phép đầu tư và đã đi vào hoạt động tại vùng phía Đông của tỉnh Quảng Nam. Cụ thể, Tập đoàn Vingroup đầu tư Khu phức hợp du lịch nghỉ dưỡng Vinpearl Nam Hội An diện tích khoảng 200 ha với vốn đầu tư khoảng 5.000 tỷ đồng ở huyện Thăng Bình; Công ty TNHH Phát triển Nam Hội An (thuộc Tập đoàn VinaCapital) đầu tư Khu nghỉ dưỡng Nam Hội An có diện tích 985 ha với vốn đầu tư 4 tỷ USD ở huyện Duy Xuyên và huyện Thăng Bình…

Bên cạnh những dự án đã đi vào hoạt động, nhiều nhà đầu tư lớn trên địa bàn tỉnh Quảng Nam cũng đang khẩn trương hoàn thành dự án, đưa vào hoạt động. Nổi bật như: Dự án Khu phố chợ Trường Xuân (Tam Ky Central City) do Công ty Cổ phần Vietgroup Capital làm chủ đầu tư; dự án khu đô thị sinh thái Vịnh An Hòa do Công ty cổ phần Chu Lai Hội An (thuộc Tập đoàn FVG) làm chủ đầu tư…

Ngoài ra, thời gian gần đây, nhiều tập đoàn lớn đã chọn tỉnh Quảng Nam là nơi đặt chân, những ông lớn này muốn đầu tư, nghiên cứu đề xuất những dự án quy mô lớn. Cụ thể, Công ty TNHH MTV Panko E&D (thuộc Tập đoàn Panko) mới đây đề xuất với UBND tỉnh Quảng Nam cho nghiên cứu đầu tư Khu công nghiệp Nam Thăng Bình, khu đô thị thông minh và resort, sân golf trên địa bàn TP. Tam Kỳ.

Hay trước đó, một tập đoàn bất động sản lớn đã đề xuất với UBND tỉnh Quảng Nam nghiên cứu đầu tư Khu đô thị và cảnh quan hai bên đường Điện Biên Phủ TP. Tam Kỳ, đoạn từ sông Kỳ Phú đến quảng trường biển Tam Thanh và Khu đô thị ven sông Vĩnh Điện, thị xã Điện Bàn.

Trao đổi với Nhadautu.vn về tình hình phát triển bất động sản trên địa bàn tỉnh Quảng Nam, ông Hồ Quang Bửu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho biết, hiện nay thị trường bất động sản ở Quảng Nam mặc dù ảnh hưởng bởi dịch nhưng vẫn diễn ra sôi động. Về phía chính quyền địa phương rất hỗ trợ cho các doanh nghiệp phát triển, cụ thể là hiện nay Quảng Nam có chủ trương quy hoạch bài bản các khu chức năng nhằm đem lại tiện ích cho người sử dụng.

“Tỉnh Quảng Nam tăng cường cải cách thủ tục hành chính riêng về đất đai, từ đó các doanh nghiệp khi đầu tư vào Quảng Nam sẽ được chào đón và các thủ tục sẽ được triển khai nhanh chóng, hiệu quả cho nhà đầu tư. Đặc biệt, tỉnh đang tăng cường cơ sở dữ liệu cơ sở đất đai, khi cơ sở dữ liệu này hoàn thành sẽ giúp cho bất động sản minh bạch”, ông Bửu cho hay.

Nói về định hướng phát triển bất động sản, đô thị trên địa bàn tỉnh Quảng Nam, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh khẳng định, trong thời gian tới tỉnh sẽ không giao thành các dự án nhỏ, manh mún mà trên cơ sở quy hoạch tỉnh sẽ tập trung phát triển các dự án đô thị quy mô lớn, đô thị nhà ở, đô thị du lịch, lấy trục ven biển, ven sông.

“Tỉnh Quảng Nam muốn các dự án trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là ở vùng Đông phải có đột phá về mặt quy hoạch kiến trúc và thu hút các loại hình dự án. Trong đó, dự án đô thị phải có tổ chức không gian mang điểm nhấn kiến trúc, tạo bức phá về quy hoạch kiến trúc thì mới có sự hấp dẫn đô thị sau này”, Chủ tịch Quảng Nam nhấn mạnh.