Nhà đầu tư cân nhắc đón sóng hạ tầng quy hoạch sông Hồng

Theo Hải Sơn/vnbusiness.vn

Dự án quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng mang tới thông tin tích cực cho thị trường bất động sản, tuy nhiên nhà đầu tư cũng cần cân nhắc các yếu tố quan trọng trước khi ra quyết định đầu tư.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Như VnBusiness đã thông tin, hồi đầu năm 2021 sau khi Hà Nội công bố Dự án quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng, lập tức đất nền, đất thổ cư tại Mê Linh, Đan Phượng, Hoài Đức, Đông Anh, Gia Lâm, Tây Hồ… nơi có các cây cầu dự kiến bắc qua sông Hồng tăng lên bất thường. Đặc biệt, các dự án đang “ngủ đông” tại Mê Linh bỗng dưng sôi động trở lại, giá tăng 5-10 triệu đồng/m2 tuỳ từng vị trí.

Sóng bất động sản theo quy hoạch

Không chỉ vậy, giá đất tại khu vực phía Đông Hà Nội như đường Cổ Linh, Bát Tràng, khu vực giáp Hưng Yên cũng không kém phần sôi động khi tăng giá từ 10-15 triệu đồng/m2 tùy vị trí.

Dữ liệu của Savills cũng cho thấy, khu vực phía Đông bao gồm Long Biên, Gia Lâm đang cung cấp khoảng 8.100 căn hộ, chiếm gần 15% tổng nguồn cung nhà ở thấp tầng trong dự án tại Hà Nội vào quý II/2021. Nguồn cung sơ cấp về nhà ở thấp tầng trong dự án hiện nay đang rất hạn chế.

Giá bán của các sản phẩm nhà ở thấp tầng ở khu vực phía Đông đang ở mức cạnh tranh so với các khu vực khác ở Hà Nội nhờ sự cải thiện mạnh mẽ về hạ tầng giao thông, hạ tầng xã hội như trung tâm thương mại, bệnh viện cao cấp, công viên, không gian xanh.

Theo bà Đỗ Thu Hằng, Giám đốc Cao cấp Bộ phận Nghiên cứu và Tư vấn, Savills Hà Nội, nguồn cung nhà ở thấp tầng trong tương lai gần ở khu vực phía Đông không nhiều, chủ yếu là các khu có quy mô nhỏ. Số lượng các dự án có quy mô lớn hạn chế và đang lập quy hoạch.

Tại hạng mục căn hộ để bán, trong 6 tháng đầu năm 2021, nguồn cung tại 4 huyện Hoài Đức, Thanh Trì, Gia Lâm, Đông Anh chiếm 23% thị phần. Trong khi đó, nguồn cung thứ cấp của Long Biên và Gia Lâm thấp, chỉ tại mức 5-6%/mỗi quận huyện.

Về tổng thể, 6 đồ án quy hoạch phân khu đô thị nội đô lịch sử có quy mô nghiên cứu trên 2.700ha với yêu cầu chính là kiểm soát dân số, giảm từ 1,2 triệu dân xuống dự kiến còn 672.000 dân. Điều này cho thấy, trong tương lai các dự án nhà ở sẽ được hưởng lợi từ việc di dân từ khu vực nội đô lịch sử tới các quận giáp ranh.

Tránh vết xe đổ

Trên thực tế, với kế hoạch đưa các huyện Đông Anh, Hoài Đức, Đan Phượng, Gia Lâm và Thanh Trì lên thành các quận trung tâm trước năm 2025, những khu vực này sẽ trở thành những điểm đầu tư đáng chú ý.

Ông Đỗ viết Chiến, nguyên Cục trưởng Cục Phát triển đô thị (Bộ Xây dựng) cho rằng, Dự án quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng, tại Quyết định 1259 thì trục kết nối đã được hình thành, cực phía Bắc đã phát triển không thể "cưỡng" lại nữa. Trục phía Đông với vành đai 3 và vành đai 4 cũng đã được hình thành.

Cực tăng trưởng lớn của khu vực phía Bắc gồm Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh cũng nằm phía Đông và phía Bắc. Do đó hướng Bắc và hướng Đông sẽ tăng trưởng mạnh thời gian tới và sẽ phát triển sớm hơn rất nhiều so với phía Tây. Đây sẽ là lợi thế lớn để phát triển BĐS.

Nhận định về quy hoạch sông Hồng, ông Matthew Powell, Giám đốc Savills Hà Nội cho biết, ý tưởng về quy hoạch sông Hồng gắn với những khu đô thị văn minh hiện đại đã được nhiều đơn vị đề cập. Việc thực hiện quy hoạch hai bên bờ sông Hồng là một việc cần phải làm đối với Hà Nội, đã đến lúc khu vực này được cải thiện, nâng cấp với kế hoạch phát triển bền vững và chất lượng cao.

Nếu nhìn sang các thủ đô khác trên thế giới như tại London (Anh Quốc), Seoul (Hàn Quốc) hay Bangkok (Thái Lan), có thể thấy các đại đô thị này cũng được phát triển dọc bên sông, lấy bờ sông là tâm điểm phát triển.

Tại Hà Nội, hiện ngoài các đô thị hiện hữu, thị trường BĐS dọc trục này và các cây cầu dự kiến bắc qua sông Hồng vẫn hút các chủ đầu tư và nhà đầu tư “săn lùng” quỹ đất, quỹ nhà.

Do vậy, ông Matthew khuyên rằng, mỗi phần đất đều có giá trị và tiềm năng riêng, mỗi cá nhân cũng có khả năng tài chính riêng. Do đó, khi đưa ra quyết định đầu tư cho bất kỳ BĐS nào, các nhà đầu tư cần nghiên cứu kỹ lưỡng về khả năng tài chính của mình. Liệu nhà đầu tư có thể nắm giữ BĐS đó hay không, thay vì đầu tư theo lối đặt cược. “Tôi cho rằng, thị trường cần chú ý và quan sát cẩn thận về tiến trình thực hiện của bản quy hoạch này để đưa ra quyết định đúng”, ông Matthew nói.

Một số chuyên gia chia sẻ, cho đến nay mức độ ảnh hưởng của thông tin về Dự án quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng chưa rõ nét, hoặc nếu có cũng tùy thuộc vào tiến độ thực hiện của dự án. Việc đón sóng đầu tư thường được các nhà đầu tư tính đến khi xuất hiện công trình hạ tầng quan trọng, nhưng việc ra quyết định vào thời điểm nào còn tùy thuộc vào kỳ vọng cũng như tiềm lực tài chính của mỗi nhà đầu tư. Vì vậy, nhà đầu tư cân nhắc kỹ trước khi đón "sóng hạ tầng", tránh mua phải khu vực nằm trong quy hoạch.