Nhà đầu tư ngoại "khoái" loại dự án bất động sản nào?

Theo baohaiquan.vn

(Tài chính) Bất động sản (BĐS) tồn kho lớn, doanh nghiệp trong nước kẻ phá sản, người kẹt vốn làm ăn. Từ đó mở ra nhiều cơ hội cho các nhà đầu tư ngoại vào Việt Nam, điều này sẽ thu hút một lượng lớn nguồn tiền nước ngoài đổ vào thị trường BĐS, giúp giải quyết lượng hàng tồn kho và vực dậy thị trường BĐS.

Bất động sản Việt Nam đang chờ đón dòng vốn mới từ các nhà đầu tư nước ngoài. Nguồn: baohaiquan.vn
Bất động sản Việt Nam đang chờ đón dòng vốn mới từ các nhà đầu tư nước ngoài. Nguồn: baohaiquan.vn
Niềm tin của nhà đầu tư ngoại

Bất chấp khủng hoảng kéo dài và sự thoái vốn của nhiều dự án FDI, nhiều doanh nghiệp nước ngoài vẫn đầu tư vào thị trường địa ốc Việt Nam và tin tưởng vào kịch bản phục hồi. Đặc biệt, theo đánh giá của nhiều nhà đầu tư nước ngoài, thị trường BĐS Việt Nam còn nhiều tiềm năng thu hút nhà đầu tư ngoại. Bởi vì, thị trường BĐS Việt Nam sở hữu những ưu thế nhất định so với các nước khác trong khu vực như nhu cầu nhà ở hiện nay của người dân còn rất lớn, dân số trẻ, kinh tế tăng trưởng ổn định, tốc độ đô thị hóa hiện còn chậm...

Bên cạnh đó, Chính phủ cũng đang nỗ lực thúc đẩy nền kinh tế với những chính sách và gói hỗ trợ doanh nghiệp như: hạ trần lãi suất huy động vốn ngắn hạn, áp dụng việc giảm 50% thuế VAT cho các giao dịch căn hộ thương mại với diện tích sàn dưới 70m2 và giá bán dưới 15 triệu /m2, cùng với gói hỗ trợ 30.000 tỷ đồng… Vì vậy, đây chính là cơ hội cho các nhà đầu tư có tiềm lực về tài chính và tầm nhìn phát triển lâu dài.

Gần đây nhất, Tập đoàn Deawoo E&C và ngân hàng KDB đã cam kết sẽ tiếp tục “rót” 200 triệu USD cho “siêu dự án” Tây Hồ Tây với tên gọi là Starlake. 200 triệu USD được cho là bước tiến quan trọng của dự án Starlake nhưng đặt trong bối cảnh thị trường BĐS Việt Nam đang rất khó khăn hiện nay việc các nhà đầu tư Hàn Quốc tiếp tục thúc đẩy đầu tư vào dự án Starlake còn có ý nghĩa đặc biệt. Trong bức tranh xám màu của thị trường trong suốt gần 3 năm qua điều đó cho thấy tầm nhìn chiến lược và hơn cả đó là niềm tin của các nhà đầu tư nước ngoài với thị trường BĐS Việt Nam.

Ông Adam Burry - Phó giám đốc Bộ phận thị trường vốn CBRE Vietnam cho rằng, nhiều nhà đầu tư lớn đang tìm đến thị trường BĐS Việt Nam để nắm bắt những cơ hội trở lại. Nguyên nhân là bởi BĐS Việt Nam có đặc thù là khi thị trường xấu, tài sản bị đánh giá thấp nhưng tốc độ chuyển hóa tài sản khi thị trường khởi sắc lại cao hơn gấp nhiều lần so với tốc độ sụt giảm. Lỗ một đồng thời khủng hoảng nhưng khi bối cảnh tươi sáng hơn có thể lời 5-7 đồng. Đây là sức hấp dẫn rất lớn đối với tất cả các nhà đầu tư có tiềm lực tài chính mạnh. Tất nhiên, lúc này các doanh nghiệp phải chấp nhận nếm mật nằm gai. Nhưng nếu vượt qua khó khăn, cơ hội của BĐS Việt Nam trong dài hạn là rất lớn. Vì vậy, trong những tháng cuối năm 2013, dự báo thị trường BĐS Việt Nam sẽ đón nhận lượng lớn nhà đầu tư mới.

Vẫn còn nhiều rào cản

Theo Cục Đầu tư Nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), tính đến hết tháng 10-2013, các doanh nghiệp nước ngoài đã đăng ký đầu tư mới vào 16 dự án BĐS tại Việt Nam, với tổng số vốn 588 triệu USD (chiếm 3,1% tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam).

Chỉ tính riêng tháng 9 nhà đầu tư nước ngoài đã tăng thêm là 588,11 triệu USD vào thị trường BĐS Việt Nam, chiếm 4,7% tổng vốn đầu tư đăng ký. Điều này được xem là một bất ngờ nếu so với tình hình thị trường BĐS trong nước vẫn chưa có nhiều khởi sắc.

Xu hướng của các nhà đầu tư FDI không phải là đầu tư mới, mà mua lại các dự án đang xây dựng dở. Bởi điều này sẽ giúp các nhà đầu tư tiết kiệm được thời gian và giảm bớt được rủi ro trong khâu thủ tục xin giấy phép đầu tư. Hơn nữa, hiện nay các dự án đang thi công đã giảm giá khá nhiều vì vậy việc mua lại sẽ dễ dàng hơn đối với các nhà đầu tư.

Ông Neil MacGregor, Giám đốc điều hành Savills Việt Nam cho biết, hiện họ đã nhận được một số đề nghị giúp làm cầu nối với nhà đầu tư trong nước của các nhà đầu tư Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore…

Tuy nhiên, Savills Việt Nam cũng cảnh báo, Việt Nam còn nhiều rào cản với nhà đầu tư ngoại, như: Khoản thuế 2% giá trị hợp đồng nếu chuyển giao; thủ tục hành chính phiền hà (điều làm nhà đầu tư sợ nhất); thu tiền sử dụng đất một lần với số tiền lớn; tính minh bạch thị trường chưa cao... Đặc biệt là giấy tờ chứng minh tài sản trong dự án chưa đầy đủ và không nghiêm túc đang “cản chân” các nhà đầu tư nước ngoài.

Không chỉ vậy, quyền được bán của nhà đầu tư trong nước cũng đang gặp vấn đề. Hầu hết dự án đều đã thế chấp ngân hàng hoặc một phần dự án đã bán cho khách hàng… muốn bán phải được họ đồng ý. Do đó, tới nay mới chỉ một dự án ở TP. Hồ Chí Minh được chính thức chuyển nhượng cho nhà đầu tư ngoại, còn lại vẫn đang âm thầm đàm phán với đối tác trong nước.

Nhận định về những rào cản đối với các nhà đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực BĐS, thứ trưởng Bộ Xây dựng, Nguyễn Trần Nam cho biết, rào cản lớn nhất đối với dòng vốn ngoại chính là tính minh bạch của thị trường BĐS Việt Nam còn thấp và nếu các vấn đề khác của thị trường như thẩm định giá, cơ cấu hợp tác đầu tư... không được giải quyết, thì giới BĐS Việt Nam sẽ để tuột mất cơ hội đầu tư từ các nhà đầu tư nước ngoài.