Thị trường trái phiếu Chính phủ: Năm 2015 có gì mới?
(Tài chính) Năm 2015, thị trường trái phiếu vẫn là kênh huy động vốn quan trọng cho nền kinh tế. Nhiều chính sách và sản phẩm mới đang được các cơ quan quản lý thực hiện để thị trường phát triển bền vững và hiệu quả hơn. Tài chính & Đầu tư phân tích những “điểm nhấn” của thị trường trong năm mới.
Tập trung phát hành kỳ hạn dài
Cuối năm 2014, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết về dự toán ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2015, trong đó nêu rõ: “Từ năm 2015, phát hành trái phiếu Chính phủ (TPCP) kỳ hạn 5 năm trở lên. Không thực hiện các khoản vay có kỳ hạn ngắn cho bù đắp bội chi, giảm mức vay đảo nợ”. Quy định này xuất phát từ đề xuất của các cấp quản lý trước tình hình kinh tế vĩ mô ổn định, tạo cơ hội cho phát hành TPCP các kỳ hạn dài nhằm đảm bảo an toàn cho nợ công Việt Nam. Trên thực tế, từ tháng 10/2014, Kho bạc Nhà nước (KBNN) đã hạn chế phát hành TPCP kỳ hạn dưới 5 năm và chắc chắn sẽ triển khai hiệu quả trong năm 2015.
Không phủ nhận việc phát hành TPCP kỳ hạn dài là một thách thức khi chắc chắn lượng phát hành không giảm, tuy nhiên kinh tế vĩ mô ổn định là cơ sở để Chính phủ và Bộ Tài chính nỗ lực thực hiện mục tiêu này.
Sẽ có thêm sản phẩm mới
2014 là năm đánh dấu việc Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) đưa ra hàng loạt sản phẩm mới được thị trường đánh giá cao: Kết nối hệ thống giao dịch TPCP với Hãng thông tin tài chính Bloomberg, triển khai đồng loạt Cổng thông tin giao dịch trực tuyến trên nền Internet (E.BTS) tới các thành viên, hoàn thành xây dựng Chỉ số trái phiếu (Bond-index).
Sau những sản phẩm trên, trong năm 2015, các cơ quan thuộc Bộ Tài chính như Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN), KBNN, HNX, Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSD) đang nghiên cứu đưa ra thị trường các sản phẩm mới. Hiện một loạt sản phẩm mới như Zero coupon bond, Strip Bond, Bond index, bộ sản phẩm Repo, phái sinh TPCP đang được các cơ quan nói trên phối hợp với các nhà đầu tư triển khai các bước đi cần thiết để dần đưa vào ứng dụng. Với những động thái trên, chắc chắn thị trường TPCP sẽ hấp dẫn cộng đồng nhà đầu tư trong nước và quốc tế hơn nữa.
Đa dạng hóa các loại hình trái phiếu
Năm 2015, nhiệm vụ huy động vốn của hệ thống KBNN qua thị trường TPCP chắc chắn sẽ nặng nề hơn. Theo dự báo, khi nguồn thu NSNN bị ảnh hưởng do biến động của giá dầu thô, rất có thể kênh phát hành trái phiếu phải tăng sức huy động vốn để đảm bảo các khoản chi cho NSNN. Mặt khác, năm 2015 có nhiều bất lợi tác động từ thay đổi chính sách của hệ thống ngân hàng sẽ ảnh hưởng tới công tác huy động vốn thông qua phát hành TPCP kỳ hạn 5 năm.
Trước bối cảnh trên, KBNN đã đề nghị Bộ Tài chính nghiên cứu, triển khai các đề án nhằm cải tiến công tác phát hành TPCP như: Thí điểm phát hành trái phiếu không thanh toán lãi định kỳ để đa dạng các sản phẩm trên thị trường; Hoán đổi kéo dài kỳ hạn trái phiếu để tái cấu trúc danh mục nợ TPCP nhằm giãn áp lực trả nợ cho NSNN trong những năm tới; Phát hành trái phiếu long - short coupon (trái phiếu có kỳ trả lãi đầu tiên ngắn hơn hoặc dài hơn so với kỳ trả lãi chuẩn) nhằm lựa chọn thời điểm thanh toán gốc phù hợp với dòng tiền của NSNN. Tiếp tục triển khai Đề án tái cơ cấu hàng hóa trên thị trường TPCP (đến năm 2015, về cơ bản không còn mã trái phiếu nhỏ lẻ có quy mô niêm yết nhỏ hơn 2.000 tỷ đồng).
Ngân hàng vẫn là “khách hàng” lớn
Sau những thành công của thị trường TPCP năm 2014 với sự tham gia tích cực của khối các ngân hàng thương mại (NHTM), một số ý kiến quan ngại, việc các NHTM đang đầu tư quá nhiều vào TPCP sẽ gây khó cho thanh khoản của tín dụng. Câu hỏi đạt ra là: xu hướng của các NHTM mua TPCP trong thời gian tới sẽ như thế nào, đặc biệt là trong bối cảnh khoản trái phiếu đáo hạn TPCP của khối ngân hàng này vào 2015 rất lớn?
Chia sẻ về băn khoăn này, ông Đỗ Ngọc Quỳnh, Tổng thư ký Hiệp hội Thị trường Trái phiếu cho rằng, tổng lượng TPCP mà các ngân hàng hiện đang nắm giữ chỉ tương đương khoảng 7% tổng tài sản toàn hệ thống. Do vậy, dư địa vốn để các ngân hàng đầu tư vào TPCP trong thời gian tới vẫn còn khá lớn. Ông Trịnh Hoài Giang, Phó Tổng giám đốc Công ty Chứng khoán HSC cũng cho rằng, lo ngại về việc các NHTM mua nhiều TPCP sẽ dẫn tới việc thiếu vốn đề đầu tư cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp là không có cơ sở. Bởi vì đầu tư vào TPCP chỉ là quản lý thứ cấp, về thanh khoản, NHTM luôn ưu tiên vốn cho doanh nghiệp. “Với bối cảnh kinh tế hiện tại, kỳ vọng tổng phát hành TPCP năm 2015 sẽ cao. Các NHTM vẫn phải đầu tư vào TPCP nếu muốn an toàn tài chính, và điều này hy vọng lãi suất trái phiếu vẫn giữ được như hiện nay”, ông Giang chia sẻ thêm.
Nền tảng cho trái phiếu “xanh”
Trái phiếu “xanh” đang được xem như một kênh thu hút vốn mới và hiệu quả cho các giải pháp nhằm thích nghi và giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu tại nhiều quốc gia trên thế giới. Việt Nam là nước chịu ảnh hưởng rõ rệt nhất do biến đổi khí hậu trong những năm gần đây. Nghiên cứu của các tổ chức quốc tế cũng cho rằng biến đổi khí hậu có thể sẽ làm Việt Nam tổn thất 15 tỷ USD/ năm, tương đương 5% GDP.
Trước ảnh hưởng trên, năm 2013, Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược sử dụng công nghệ sạch giai đoạn đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 với mục tiêu tổng quát là thúc đẩy tăng trưởng “xanh”, mở ra tiềm năng cho việc thúc đẩy thị trường trái phiếu “xanh” tại Việt Nam. Tháng 11/2014, đại diện tổ chức GIZ (Đức) đã giới thiệu về chương trình “Cải cách kinh tế vĩ mô hỗ trợ tăng trưởng xanh của Việt Nam” - một chương trình lớn dành cho thị trường vốn Việt Nam 2015-2017, trong đó có nội dung hỗ trợ phát triển thị trường trái phiếu “xanh”. Như vậy, rất có thể 2015 sẽ là năm đặt những bước đi đầu tiên cho loại hình trái phiếu nhiều ưu việt này.
Bài đăng trên Tạp chí Tài chính và Đầu tư số 1+2-2015