Thị trường trái phiếu chính phủ: Những bước tiến dài
Sau 8 năm hoạt động, thị trường trái phiếu Chính phủ chuyên biệt đã có những bước phát triển dài, từng bước khẳng định là kênh huy động vốn hiệu quả cho nền kinh tế.
Thị trường trái phiếu Chính phủ chuyên biệt chính thức khai trương hoạt động trong năm 2009. Sau 8 năm hoạt động, thị trường trái phiếu chính phủ đã có những bước phát triển vượt bậc đi vào chiều sâu.
Theo đó, hàng hoá được tăng cường với kỳ hạn phát hành từ ngắn đến dài, siêu dài. Thanh khoản của thị trường không ngừng được cải thiện, cơ sở nhà đầu tư đã được mở rộng, thông tin minh bạch, thị trường đã khẳng định là kênh huy động vốn hiệu quả cho nền kinh tế.
Bà Nguyễn Thị Hoàng Lan, Phó Tổng giám đốc phụ trách HNX cho biết, sau 10 năm tập trung hoạt động đấu thầu trái phiếu Chính phủ tại HNX (2006-2016), tổng khối lượng vốn huy động cho nền kinh tế thông qua đấu thầu đạt xấp xỉ 1,4 triệu tỷ đồng.
Bên cạnh đó, khối lượng vốn huy động được năm 2016 gấp 74 lần so với năm 2006, chiếm xấp xỉ 18% so với tổng mức đầu tư toàn xã hội, tính chung giai đoạn 2010-2016, thị trường sơ cấp có mức tăng trưởng trong huy động vốn bình quân đạt 67,5%/năm.
Về kỳ hạn, các trái phiếu có kỳ hạn dài đã được các tổ chức phát hành phát hành nhiều hơn trong những năm gần đây, đặc biệt là các trái phiếu có kỳ hạn siêu dài, lên tới 20, 30 năm. Tính tới tháng 6/2017, kỳ hạn phát hành bình quân trái phiếu Chính phủ đạt 13,8 năm, tăng 5,53 năm so với năm 2016 (kỳ hạn phát hành bình quân năm 2016 là 8,27 năm).
Thông tin thị trường ngày càng minh bạch với sự tham gia tích cực của các tổ chức phát hành trong việc công bố kế hoạch và lịch biểu phát hành, công bố thông tin về tình hình tài chính và hoạt động.
Trên thị trường thứ cấp, tính đến 20/6/2017, quy mô niêm yết đạt 979 nghìn tỷ đồng, tương đương 18% GDP của năm 2016. Tổng giá trị giao dịch trái phiếu Chính phủ đạt 861 nghìn tỷ đồng, tương đương giá trị giao dịch bình quân phiên khoảng 7.689 tỷ đồng, gấp 1,2 lần so với năm 2016, gấp 20,9 lần so với năm 2009.
Giá trị giao dịch trái phiếu Chính phủ 2009-2017
Năm 2016 vừa qua, thị trường trái phiếu Chính phủ đã ghi nhận một bước tiến mới khi giá trị giao dịch repo đã vượt lên gần ngang với giao dịch outright, đạt mức gần 40% trên tổng giá trị giao dịch toàn thị trường. Điều này cho thấy thị trường trái phiếu Chính phủ Việt Nam đã đi vào giai đoạn phát triển về chiều sâu.
Đến năm 2017, xu hướng này vẫn tiếp tục được khẳng định khi 6 tháng đầu năm 2017, giá trị giao dịch repo đã xấp xỉ giao dịch outright, chiếm tỷ trọng 47,91% so với tổng giá trị giao dịch toàn thị trường.
Cơ cấu nhà đầu tư đã có sự chuyển dịch rõ rệt, nếu các năm trước, tỷ lệ ngân hàng thương mại tham gia thị trường trái phiếu Chính phủ chiếm 80%, thì năm nay tỷ lệ này đã giảm xuống chỉ còn 55,4%.
Tỷ lệ tham gia của các quỹ bảo hiểm và các quỹ đầu tư đã tăng lên đạt 44,6%. Trong đó, các ngân hàng thương mại hiện đang nắm giữ khoảng 74% trái phiếu lưu hành và các quỹ bảo hiểm nắm giữ khoảng 20%.