Thị trường trái phiếu chính phủ tiếp tục diễn biến sôi động
Thị trường trái phiếu chính phủ (TPCP) tại Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) tiếp tục có diễn biến sôi động trong tháng 9/2021 trên cả thị trường sơ cấp lẫn thứ cấp. Trên thị trường sơ cấp, lũy kế 9 tháng đầu năm 2021, HNX đã huy động được 248.738 tỷ đồng trong khi trên thị trường sơ cấp, tính đến hết tháng 9/2021, tổng giá trị giao dịch trên TPCP năm 2021 đã đạt 2.021.486 tỷ đồng, giá trị giao dịch bình quân phiên đạt 10.986 tỷ đồng/phiên, tăng 6,97% so với năm 2020.
Theo số liệu của HNX, trên thị trường sơ cấp, thông qua 20 đợt đấu thầu trái phiếu được tổ chức tại HNX trong tháng 9/2021, Kho bạc Nhà nước (KBNN) đã huy động được 38.458 tỷ đồng trái phiếu, tăng 29,5% so với tháng trước; kỳ hạn 15 năm chiếm tỷ trọng phát hành lớn nhất, đạt 40,6%, tương ứng với khối lượng phát hành 15.624 tỷ đồng.
So với cuối tháng 8/2021, lãi suất huy động TPCP của KBNN giảm tại các kỳ hạn 5, 7 và 20 năm với mức giảm từ 0,02-0,08%/năm, tăng tại kỳ hạn 10 và 15 năm với mức tăng 0,07-0,09%/năm, giữ nguyên tại kỳ hạn 30 năm.
Như vậy, lũy kế 9 tháng đầu năm 2021, HNX đã tổ chức 145 đợt đấu thầu, huy động được 248.738 tỷ đồng, trong đó KBNN huy động được 237.714 tỷ đồng, đạt 67,91% kế hoạch năm 2021; Ngân hàng Chính sách Xã hội huy động được 11.024 tỷ đồng, đạt 100% kế hoạch năm 2021.
Trên thị trường giao dịch thứ cấp, tính đến hết 30/9/2021, thị trường TPCP tại HNX có tổng dư nợ đạt 1,43 triệu tỷ đồng, tăng 5,9% so với cuối năm 2020. Tổng giá trị giao dịch TPCP tháng 9 đạt 242.474 tỷ đồng, giá trị giao dịch bình quân phiên đạt 12.123 tỷ đồng/phiên, tăng 46,9% so với tháng 8/2021. Giá trị giao dịch Repos chiếm 27,73% tổng giá trị giao dịch toàn thị trường.
Đáng chú ý, tỷ trọng giá trị giao dịch của nhà đầu tư nước ngoài tháng 9 chiếm 1% tổng giá trị giao dịch toàn thị trường, giá trị bán ròng đạt 691 tỷ đồng.
Tính đến hết tháng 9/2021, tổng giá trị giao dịch trên TPCP năm 2021 tại HNX đạt 2.021.486 tỷ đồng, giá trị giao dịch bình quân phiên đạt 10.986 tỷ đồng/phiên, tăng 6,97% so với năm 2020.
Trong thời gian tới, trên thị trường sơ cấp, HNX sẽ tiếp tục đa dạng hóa các sản phẩm trái phiếu mới phù hợp với sự phát triển của thị trường và nhu cầu của NĐT như trái phiếu xanh, trái phiếu có lãi suất thả nổi, trái phiếu có gốc, lãi được giao dịch tách biệt (strip bond), trái phiếu gắn với chỉ số lạm phát...
Bên cạnh đó, tăng quy mô các mã trái phiếu và công bố các mã trái phiếu chuẩn trên thị trường; Đa dạng hóa các kỳ hạn phát hành, tập trung phát hành trái phiếu có kỳ hạn dài trên 5 năm, đồng thời linh hoạt phát hành các kỳ hạn ngắn (tín phiếu, TPCP kỳ hạn 1-3 năm) nhằm tạo đường cong lãi suất tham chiếu trên thị trường với đầy đủ các kỳ hạn.
Chủ động nghiệp vụ hoán đổi, mua lại để tái cơ cấu danh mục nợ TPCP nhằm kéo dài kỳ hạn còn lại và giảm đỉnh nợ, giãn áp lực trả nợ cho ngân sách nhà nước.
Đối với thị trường giao dịch thứ cấp, HNX nghiên cứu tăng cường vai trò của nhà tạo lập thị trường TPCP trên cả thị trường sơ cấp và thứ cấp, đồng thời đẩy mạnh phát triển cơ sở NĐT dài hạn như quỹ hưu trí tự nguyện, quỹ bảo hiểm liên kết, thu hút sự tham gia của NĐT nước ngoài, các định chế đầu tư chuyên nghiệp trên thế giới tham gia đầu tư vào TPCP Việt Nam nói chung, TPCP xanh nói riêng...
Theo các chuyên gia tài chính, thị trường TPCP của Việt Nam hiện đã trở thành kênh huy động vốn trung và dài hạn quan trọng cho ngân sách nhà nước, gắn công tác phát hành TPCP với tái cơ cấu nợ Chính phủ thông qua việc tập trung phát hành các kỳ hạn dài và đa dạng hóa cơ sở nhà đầu tư.