Thị trường trái phiếu Chính phủ chuyên biệt từng bước tiếp cận với các chuẩn mực và thông lệ quốc tế
Sau 12 năm hoạt động và phát triển, đến nay, thị trường trái phiếu chính phủ (TPCP) chuyên biệt cơ bản phát triển ổn định, mở rộng cơ sở nhà đầu tư, tăng quy mô và chất lượng hoạt động, đa dạng hóa các sản phẩm, đảm bảo thị trường hoạt động công khai, minh bạch và hiệu quả, từng bước tiếp cận với các chuẩn mực và thông lệ quốc tế.
Ngày 24/9/2009, thị trường TPCP chuyên biệt chính thức khai trương và đi vào hoạt động tại Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX). Đến nay, thị trường TPCP đã trở thành kênh huy động vốn trung và dài hạn quan trọng cho ngân sách nhà nước (NSNN), gắn công tác phát hành TPCP với tái cơ cấu nợ Chính phủ thông qua việc tập trung phát hành các kỳ hạn dài và đa dạng hóa cơ sở nhà đầu tư.
Về phương thức phát hành, Kho bạc Nhà nước (KBNN) tập trung phát hành theo phương thức đấu thầu để tăng tính cạnh tranh và công khai minh bạch trong tổ chức phát hành trái phiếu và sắp tới đây, phương thức đấu thầu đa giá sẽ được triển khai chính thức nhằm tạo thêm tính linh hoạt trong việc xác định kết quả đấu thầu.
Đặc biệt, công tác phát hành TPCP đã khẳng định được vai trò là công cụ tái cơ cấu nợ công, giúp nợ công giảm tỷ trọng vay nước ngoài từ 73,6% năm 2010 xuống mức 63,4% năm 2015 và 34,8% năm 2021. Lãi suất bình quân huy động giảm từ khoảng 10% năm 2009 xuống khoảng 2% năm 2021, kỳ hạn phát hành bình quân kéo dài từ 2-3 năm năm 2009 lên 12,2 năm năm 2021, thông qua đó góp phần tái cơ cấu nợ công theo hướng an toàn, bền vững và tái cơ cấu giảm các đỉnh nợ rơi vào một số năm trở nên đồng đều hơn.
Về đa dạng hóa sản phẩm và kỳ hạn phát hành, trên thị trường sơ cấp, ngoài sản phẩm cơ bản là trái phiếu trả lãi định kỳ (standard/long/short coupon), còn có các sản phẩm trái phiếu không trả lãi định kỳ. Việc đa dạng hóa các kỳ hạn phát hành từ 3 tháng đến 3 năm, 5 năm, 7 năm, 10 năm, 15 năm, 20 năm và 30 năm đã góp phần nâng cao khả năng huy động vốn cho NSNN, tái cơ cấu danh mục TPCP theo hướng bền vững, và hình thành đường cong lãi suất chuẩn trên thị trường trái phiếu.
Trên thị trường thứ cấp, ngoài hai sản phẩm cơ bản là Outright và Repos, trước xu thế phát triển mạnh của giao dịch Repos, vào cuối năm 2018, đã có thêm 2 sản phẩm Repos gồm Vay trái phiếu, Bán kết hợp mua lại được giới thiệu ra thị trường. Sản phẩm phái sinh hợp đồng tương lai TPCP 5 năm bắt đầu hoạt động từ tháng 7/2019 và mới đây là hợp đồng tương lai TPCP 10 năm ra mắt vào tháng 6/2021 đã bổ sung thêm công cụ phòng vệ rủi ro cho nhà đầu tư.
Tháng 7/2021, sản phẩm mua lại có kỳ hạn TPCP từ nguồn NSNN tạm thời nhàn rỗi của KBNN đã được triển khai chính thức, tạo thêm một kênh mới, giúp các chủ sở hữu có thể bán lại TPCP cho KBNN, lần đầu tiên mở ra cơ chế cho phép KBNN trở thành nhà đầu tư có thể mua lại trái phiếu Chính phủ trên thị trường thứ cấp do chính tổ chức này phát hành.
Về cơ sở nhà đầu tư trên thị trường TPCP đã được cải thiện theo hướng giảm tỷ lệ nắm giữ của các ngân hàng thương mại, tăng tỷ lệ nắm giữ của các tổ chức bảo hiểm và các tổ chức khác.
Về hệ thống chỉ báo thị trường, HNX đã ra mắt đường cong lợi suất vào tháng 3/2013 và bộ chỉ số trái phiếu với nhiều kỳ hạn khác nhau vào tháng 01/2015. Đến nay, 2 hệ thống chỉ báo này đều phát huy vai trò tích cực trong việc định lãi suất tham chiếu và định giá trái phiếu, giúp cho NĐT và thành viên thị trường thuận lợi hơn trong việc giao dịch trên thị trường.
Bên cạnh đó, tính đến hiện tại, hạ tầng hệ thống công nghệ thông tin phục vụ công tác tổ chức vận hành thị trường TPCP đã hoàn thiện, điện tử hóa toàn bộ các nghiệp vụ trên nhiều nền tảng wan, internet, giúp cho thành viên thị trường, nhà đầu tư tham gia giao dịch an toàn, ổn định, thông suốt, đồng thời cũng giúp cho cơ quan quản lý theo dõi, giám sát và điều hành thị trường hiệu quả.
Trong quá trình xây dựng và phát triển thị trường không ngừng nghiên cứu, áp dụng các giải pháp nâng cao hiệu quả vận hành thị trường.
Trên thị trường sơ cấp, các kỹ thuật phát hành như phát hành bổ sung, hoán đổi TPCP đã được áp dụng nhằm giảm số lượng mã trái phiếu niêm yết, tăng quy mô của một mã trái phiếu, tăng thanh khoản của thị trường, góp phần thiết lập đường cong lãi suất chuẩn cho các sản phẩm tài chính từ ngắn hạn đến dài hạn.
Trên thị trường thứ cấp, thông qua cải tiến mô hình tổ chức thị trường và hệ thống giao dịch phù hợp với tính chất giao dịch thỏa thuận, đã bảo đảm chế độ báo cáo kịp thời, chính xác để xây dựng đường cong lãi suất chuẩn, Trong thời gian tới, các nhà tạo lập thị trường sẽ được quy định thực hiện nghĩa vụ chào giá hai chiều nhằm tạo thanh khoản, tăng cường trách nhiệm của thành viên thị trường thứ cấp.
HNX đã nỗ lực trong công tác đầu tư, nâng cấp Hệ thống giao dịch theo hướng bám sát nhu cầu và hỗ trợ tốt cho các hoạt động đa dạng của thị trường trên một nền tảng công nghệ hiện đại. HNX đã lần lượt cho ra mắt Hệ thống đấu thầu trái phiếu điện tử trực tuyến (E.ABS), hệ thống giao dịch trực tuyến TPCP (E-BTS) trên nền Internet.
Trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp, HNX đã triển khai vận hành Chuyên trang thông tin về trái phiếu doanh nghiệp nhằm đáp ứng nhu cầu tìm kiếm các thông tin tập trung của nhà đầu tư và thực hiện các nghĩa vụ báo cáo, công bố thông tin của các chủ thể liên quan theo quy định.
Hệ thống giao dịch thứ cấp trái phiếu doanh nghiệp cũng đang được tiến hành nhằm nâng cao tính minh bạch, gắn với công tác công bố thông tin, bổ sung quy định chỉ có nhà đầu tư chuyên nghiệp được phép đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ; yêu cầu trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ phải thực hiện đăng ký, lưu ký tập trung.
Như vậy, có thể khẳng định, đến nay, sau 12 năm hoạt động và phát triển, thị trường cơ bản đã đáp ứng được các mục tiêu của Lộ trình phát triển thị trường trái phiếu giai đoạn 2017 - 2020, tầm nhìn đến năm 2030, đó là phát triển thị trường trái phiếu ổn định, mở rộng cơ sở nhà đầu tư, tăng quy mô và chất lượng hoạt động, đa dạng hóa các sản phẩm, đảm bảo thị trường hoạt động công khai, minh bạch và hiệu quả, từng bước tiếp cận với các chuẩn mực và thông lệ quốc tế.