Thị trường trái phiếu Chính phủ - tiếp tục phát triển về chiều sâu

Theo Tạp chí Chứng khoán

Thị trường trái phiếu chính phủ (TPCP) Việt Nam chính thức được khai trương tại Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) từ năm 2009. Trải qua 9 năm hoạt động, thị trường TPCP đã khẳng định vai trò là kênh huy động vốn trung và dài hạn hữu hiệu cho nền kinh tế với tổng khối lượng vốn huy động qua kênh đấu thầu đạt hơn 1,6 triệu tỷ đồng, giá trị giao dịch bình quân phiên hiện đạt hơn 9 nghìn tỷ đồng/phiên, quy mô thị trường đạt tương đương 20% GDP của năm 2017. Bên cạnh sự tăng trưởng mạnh về quy mô và thanh khoản, thị trường TPCP đã xây dựng được hệ thống hạ tầng hoàn chỉnh, hệ thống thông tin, hệ thống chỉ báo trái phiếu theo thông lệ quốc tế.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Kết quả hoạt động thị trường TPCP năm 2018

Thị trường sơ cấp: trái phiếu kỳ hạn 10 năm, 15 năm chiếm ưu thế

Tính đến ngày 30/11/2018, HNX đã tổ chức 244 phiên đấu thầu, huy động được tổng cộng 147.017 tỷ đồng, giảm 24,3% so với năm 2017, tương ứng với mức thành công đạt 50%, giảm 23% so với năm 2017.

Trong đó, Kho bạc Nhà nước (KBNN) huy động được 137.347 tỷ đồng, giảm 14% so với năm 2017; đạt 78,4% kế hoạch năm. Ngân hàng Chính sách Xã hội huy động được 9.670 tỷ đồng, tăng 4,5% so với năm 2017, đạt 100% kế hoạch năm. Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) không thực hiện gọi thầu trong năm.

Ngày 01/10/2018, KBNN thông báo điều chỉnh kế hoạch phát hành năm 2018 từ 200.000 tỷ đồng xuống 175.000 tỷ đồng. Theo kế hoạch phát hành mới, trong năm 2018, KBNN sẽ không phát hành kỳ hạn 3 năm, đồng thời giảm khối lượng phát hành của các kỳ hạn 7 năm, 20 năm và 30 năm. Thay vào đó, tăng khối lượng phát hành của kỳ hạn 10 năm (từ 37.000 tỷ đồng lên 64.000 tỷ đồng) và 15 năm (từ 32.000 tỷ đồng lên 51.000 tỷ đồng).

Kỳ hạn phát hành trong năm tập trung chủ yếu tại các kỳ hạn 10 năm và 15 năm, tương ứng với khối lượng phát hành là 60.476 tỷ đồng và 48.033 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 41,1% và 32,6% trên tổng khối lượng phát hành toàn thị trường. Các kỳ hạn 3 năm, 5 năm, 7 năm, 20 năm và 30 năm có khối lượng phát hành là 38.508 tỷ đồng, tương ứng 26,3% tổng khối lượng phát hành. Trong năm 2018 (tính đến ngày 30/11/2018), KBNN không thực hiện phát hành các kỳ hạn dưới 5 năm. Kỳ hạn 3 năm chỉ có Ngân hàng Chính sách Xã hội phát hành với khối lượng huy động được là 2.800 tỷ đồng.

Lãi suất trúng thầu các kỳ hạn 5 năm, 7 năm và 20 năm giảm từ 32 - 98 điểm cơ bản so với cuối năm 2017. Riêng kỳ hạn 30 năm có lãi suất trúng thầu không thay đổi từ cuối tháng 3/2018, vẫn giữ ở mức 5,42%, giảm 68 điểm so với cuối năm 2017. Lãi suất huy động các kỳ hạn 10 năm, 15 năm giảm tương ứng 32 và 45 điểm cơ bản so với cuối năm 2017.

* Thị trường giao dịch thứ cấp: giao dịch Repos chiếm ưu thế

Trên thị trường thứ cấp, tính đến ngày 30/11/2018, giá trị vốn hóa thị trường đạt 1.060 nghìn tỷ đồng, tương đương 20% GDP của năm 2017, tăng 6,2% so với năm 2017.

Giá trị giao dịch TPCP bình quân năm 2018 (tính đến 30/11/2018) đạt gần 8.779 tỷ đồng/phiên, giảm 2,5% so với năm 2017. Điểm sáng trên thị trường TPCP là tỷ trọng giao dịch Repos tiếp tục tăng lên đáng kể, chiếm tới 54% tổng giá trị giao dịch toàn thị trường. Điều này cho thấy thị trường TPCP đang tiếp tục phát triển về chiều sâu, ngày càng chuyên nghiệp và phù hợp với xu hướng của các thị trường phát triển trên thế giới.

Tính đến ngày 30/11/2018, nhà đầu tư nước ngoài (ĐTNN) bán ròng 1,49 nghìn tỷ đồng. Tổng giá trị giao dịch của nhà ĐTNN đạt 85,54 nghìn tỷ đồng, giảm 35,7% so với năm 2017, chiếm tỷ trọng 2,34% trên tổng giá trị giao dịch toàn thị trường.

* Bảo hiểm tăng đầu tư vào TPCP

Năm 2018 , các công ty bảo hiểm nhân thọ tăng tỷ lệ đầu tư vào trái phiếu trong bối cảnh thị trường bảo hiểm nhân thọ phát triển, tổng tài sản của doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ tăng 28,6% so với năm 2017. Bên cạnh đó, Bảo hiểm xã hội cũng đã tích cực tham gia mua TPCP dưới hình thức đấu thầu. Khối ngân hàng thương mại tham gia ít hơn trên cả thị trường sơ cấp và thị trường thứ cấp trong các tháng giữa năm 2018, khi lãi suất có xu hướng tăng trở lại. Theo đó, tỷ trọng tham gia mua trái phiếu trên thị trường sơ cấp của các khối nhà đầu tư có sự dịch chuyển tích cực với tỷ trọng tham gia của Bảo hiểm xã hội chiếm 52,3%, tiếp đến là ngân hàng thương mại 38,2%, công ty bảo hiểm khác 9,25% và công ty chứng khoán là 0,2%.

Tháng 6/2018, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 95/2018/NĐ-CP về phát hành, đăng ký, lưu ký, niêm yết và giao dịch công cụ nợ của Chính phủ trên thị trường chứng khoán. Trên cơ sở đó, năm 2019, HNX đặt kế hoạch phát triển hệ thống đấu thầu mua lại, hoán đổi trái phiếu; thực hiện bổ sung chức năng hỗ trợ nhà tạo lập thị trường trên hệ thống trái phiếu để sẵn sàng đưa vào áp dụng khi các cơ sở pháp lý được hoàn tất. Việc triển khai Nghị định 95/2018/NĐ-CP kỳ vọng sẽ đem lại bước đột phá cho thị trường TPCP, tăng thanh khoản của thị trường và mang lại các cơ hội đầu tư mới cho nhà đầu tư.