Thị trường trái phiếu doanh nghiệp: Nguy cơ “bom nợ”

PV.

Trái phiếu doanh nghiệp luôn là kênh huy động vốn ưa thích của doanh nghiệp bởi huy động nhanh và ít thủ tục. Nhà đầu tư cũng thích tìm kiếm lợi nhuận từ lãi suất trái phiếu doanh nghiệp cao. Do đó, càng trong điều kiện kinh tế khó khăn thì thị trường trái phiếu doanh nghiệp càng sôi động hơn. Lợi nhuận cao luôn đi kèm với rủi ro lớn.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Huy động vốn qua kênh trái phiếu dễ và nhanh hơn vay ngân hàng

Theo SSI Research, trong 9 tháng năm 2021, tổng lượng trái phiếu doanh nghiệp phát hành là 443,1 nghìn tỷ đồng, tăng 18,6% so với cùng kỳ 2020. Quán quân phát hành vẫn là các doanh nghiệp Bất động sản với 201,9 nghìn tỷ đồng, chiếm 45,5% tổng giá trị phát hành toàn thị trường. Tiếp sau là các ngân hàng, phát hành trái phiếu với giá trị 136,4 nghìn tỷ đồng, chiếm 30,8%.

Các ngành khác cũng tăng cường huy động vốn qua kênh trái phiếu như năng lượng và khoáng sản (21,9 nghìn tỷ - chiếm 5,0%), định chế tài chính phi ngân hàng (20,9 nghìn tỷ đồng - chiếm 4,7%), phát triển hạ tầng (17,5 nghìn tỷ đồng - chiếm 3,9%)...

Mặt bằng lãi suất thấp là động lực chính cho các doanh nghiệp tích cực đẩy mạnh phát hành trái phiếu doanh nghiệp. Từ đó, doanh nghiệp để có thể huy động vốn được nhanh chóng và giảm áp lực lên chi phí tài chính, khi mặt bằng lãi suất cho vay từ ngân hàng không có mức giảm tương ứng.

Lãi suất phát hành bình quân của các trái phiếu doanh nghiệp (loại trừ trái phiếu ngân hàng) trong quý III/2021 là 9,3%, giảm 1,1% so với cuối năm 2020. Trong khi đó, mặt bằng lãi suất cho vay chỉ giảm khoảng 0,6 - 0,7% trong cùng giai đoạn.

Việc huy động vốn thông qua kênh trái phiếu cũng giúp các doanh nghiệp chủ động hơn cho nguồn vốn vay trung và dài hạn với khối lượng lớn. So với phương thức truyền thống là tín dụng từ ngân hàng thương mại, phát hành trái phiếu mang lại cho doanh nghiệp nhiều ưu điểm như không cần thế chấp tài sản và được chủ động trong việc sử dụng số tiền huy động mà không có sự giám sát của ngân hàng.

Thống kê của SSI Research cho biết, có đến 17,1% tổng số trái phiếu doanh nghiệp được phát hành trong 9 tháng qua không có tài sản đảm bảo (không tính trái phiếu ngân hàng và định chế tài chính khác). Chỉ có khoảng 9,5% được đảm bảo bằng tài sản. Còn lại các trái phiếu doanh nghiệp được phát hành được đảm bảo bằng một phần tài sản và một phần là cổ phiếu, cổ phần.

Trong nhóm trái phiếu Bất động sản, tài sản đảm bảo chủ yếu là các dự án đầu tư, tài sản hình thành trong tương lai hoặc cổ phiếu/cổ phần của chính doanh nghiệp phát hành.

Cụ thể, trong tổng lượng trái phiếu bất động sản phát hành 9 tháng năm 2021, có khoảng 140 nghìn tỷ đồng trái phiếu được đảm bảo một phần cổ phiếu, chiếm tỷ trọng 67%. Số lượng doanh nghiệp phát hành trái phiếu không có tài sản đảm bảo cũng tương đối cao, chiếm 15,8% tổng lượng phát hành. Đáng chú ý, có một số lớn doanh nghiệp không niêm yết nên khả năng tiếp cận thông tin tài chính của doanh nghiệp bị hạn chế.

Nguy cơ “bom nợ” - bài học từ Evergrande

Trái phiếu doanh nghiệp vẫn luôn hấp dẫn các nhà đầu tư cá nhân, bởi chênh lệch giữa lãi suất phát hành trái phiếu doanh nghiệp và lãi suất tiền gửi giữ ở mức cao. Khoảng cách giữa lãi suất trái phiếu doanh nghiệp (loại trừ ngân hàng) với lãi suất tiền gửi ngân hàng bình quân lên tới 4%/năm, cho thấy dư địa dòng tiền cá nhân tìm đến những tài sản đầu tư tài chính như trái phiếu doanh nghiệp vẫn còn rất lớn.

Tuy nhiên, “miếng pho-mát miễn phí chỉ có trong bẫy chuột”. Lãi suất càng cao thì rủi ro càng lớn. Nếu như dòng tiền của các donh nghiệp bất động sản phát hành trái phiếu bị hao cạn do gặp khó trong kinh doanh, khi đó khả năng thanh khoản sẽ mất, doanh nghiệp không có khả năng thanh toán nợ gốc, lãi trái phiếu cho nhà đầu tư.

Với những trái phiếu không có tài sản đảm bảo, hoặc đảm bảo một phần, hoặc được bảo đảm bằng cổ phiếu, cổ phần, nhà đầu tư có thể mất vốn, thậm chí trắng tay.

Theo SSI Research, việc đảm bảo nghĩa vụ thanh toán nợ gốc lãi trái phiếu bằng cổ phiếu không có nhiều ý nghĩa vì khi sự kiện vi phạm xảy ra, doanh nghiệp mất khả năng thanh toán thì giá trị cổ phiếu dùng làm tài sản đảm bảo (thường là của tổ chức phát hành hoặc liên quan đến tổ chức phát hành) cũng sẽ sụt giảm nghiêm trọng.

Trong ngắn hạn, rủi ro vỡ nợ đến từ một số doanh nghiệp Bất động sản là chưa nhiều khi thời điểm đáo hạn sẽ rơi nhiều vào năm 2023 - 2024. Tuy nhiên, dịch bệnh diễn biến phức tạp như hiện tại sẽ khiến doanh nghiệp mất kiểm soát dòng tiền, khiến dòng tiền bị mất cân đối. Doanh nghiệp dễ rơi vào thua lỗ, phá sản.

Câu chuyện về “bom nợ Evergrande” của nước láng giềng Trung Quốc đã khiến nhiều nhà đầu tư “giật mình”, bắt đầu để ý hơn tới tài sản đảm bảo cho trái phiếu doanh nghiệp, đặc biệt trái phiếu bất động sản.

Mới đây, Bộ Tài chính đã thực hiện một số biện pháp kiểm tra mạnh tay hơn nhằm giám sát thị trường trái phiếu doanh nghiệp. Cụ thể, Bộ Tài chính đã chỉ đạo kiểm tra 10 công ty chứng khoán về tình hình cung cấp dịch vụ về trái phiếu doanh nghiệp, trong bối cảnh thị trường thời gian gần đây xuất hiện hiện tượng các nhà đầu tư “lách” các quy định của pháp luật để trở thành nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp với mục đích mua trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ thông qua phân phối của công ty chứng khoán, ngân hàng thương mại.

Bên cạnh đó, Bộ Tài chính hiện đang xây dựng Dự thảo Thông tư về hướng dẫn hoạt động tổ chức giao dịch trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ, nhằm kiểm soát chặt chẽ hơn hoạt động phát hành trái phiếu doanh nghiệp. Trong đó, có quy định công ty không phải công ty đại chúng phát hành trái phiếu doanh nghiệp phải có tài sản đảm bảo hoặc bảo đảm thanh toán toàn bộ gốc, lãi khi đến hạn. Theo các chuyên gia tài chính, với các biện pháp này của Bộ Tài chính, nguy cơ vỡ nợ trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp sẽ được giảm thiểu tối đa.