Tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp phát hành trong tháng 9 giảm 75% so với tháng 8

PV.

Theo số liệu từ Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX), tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ trong tháng 9 chỉ đạt 10.905 tỷ đồng, giảm 75% so với tháng 8/2020 với 27 đợt phát hành của 14 doanh nghiệp. Kỳ hạn phát hành từ 2 năm đến 15 năm với kỳ hạn phát hành bình quân là 5,8 năm.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Tính riêng trong tháng 9/2020, tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ chỉ đạt 10.905 tỷ đồng, giảm 75% so với tháng 8/2020 với 27 đợt phát hành của 14 doanh nghiệp. Kỳ hạn phát hành từ 2 năm đến 15 năm với kỳ hạn phát hành bình quân là 5,8 năm. Trái phiếu kỳ hạn 3 năm có giá trị phát hành lớn nhất, đạt 7.425 tỉ đồng, chiếm 68,1% tổng giá trị phát hành. 

Trong đó, tổng giá trị phát hành của các tổ chức tín dụng vẫn đứng đầu, đạt 8.490 tỷ đồng, chiếm 77,85% tổng giá trị phát hành trái phiếu, song con số này đã giảm tới 42% so với tháng 8; đứng thứ hai là các công ty bất động sản phát hành trái phiếu với tổng giá trị phát hành đạt mức 1.929,5 tỷ đồng, chiếm 17,69%. 

Như vậy, lũy kế 9 tháng đầu năm 2020, thị trường trái phiếu Việt Nam có 1.089 đợt phát hành của 175 doanh nghiệp với giá trị phát hành đạt 290.308 tỷ đồng với kỳ hạn phát hành bình quân là 4,0 năm. Trong đó, các tổ chức tín dụng đứng đầu nhóm phát hành với 78.486 tỷ đồng sau 9 tháng năm 2020.

Lý giải về sự sụt giảm mạnh của giá trị trái phiếu doanh nghiệp trong tháng 9, chỉ bằng ¼ so với tháng 8, theo các chuyên gia đây là điều đã được dự báo từ trước khi các quy định mới về siết chặt hoạt động phát hành trái phiếu được quy định tại Nghị định số 81/2020/NĐ-CP có hiệu lực từ 01/9/2020.

Từ 01/01/2021, khi Luật Chứng khoán 2019 có hiệu lực, các đợt phát hành riêng lẻ sẽ chỉ được phân phối đến nhà đầu tư chuyên nghiệp.

Theo Nghị định, điều kiện phát hành trái phiếu và việc công bố thông tin phát hành như dư nợ phát hành riêng lẻ tại thời điểm phát hành (gồm cả khối lượng dự kiến phát hành) không vượt quá 5 lần vốn chủ sở hữu tại quý gần nhất; các đợt phát hành phải cách nhau tối thiểu 6 tháng, mỗi đợt phải hoàn thành trong vòng 90 ngày kể từ ngày công bố thông tin; cập nhật thông tin và kiểm soát chặt chẽ hơn cả thị trường sơ cấp và thứ cấp…

Bên cạnh đó, các yêu cầu đối với tổ chức phát hành và các đơn vị trung gian khi thực hiện phát hành riêng lẻ đã nâng cao tiêu chuẩn, giới hạn về phát hành trái phiếu riêng lẻ nhằm hạn chế hoạt động phát hành quá mức cho nhà đầu tư cá nhân, đồng thời đưa ra yêu cầu cao hơn về trách nhiệm của các bên tham gia vào quá trình phát hành trái phiếu. Ngoài ra, một lý do khiến các doanh nghiệp giảm phát hành trái phiếu đó là từ ngày 01/01/2021, khi Luật Chứng khoán 2019 có hiệu lực, các đợt phát hành riêng lẻ sẽ chỉ được phân phối đến nhà đầu tư chuyên nghiệp.

Trước đó, Công ty cổ phần Chứng khoán SSI đã đưa ra dự báo, từ thời điểm 01/9/2020, các đợt phát hành riêng lẻ sẽ giảm mạnh, các doanh nghiệp có nhu cầu phát hành phần lớn sẽ phải chuyển qua phát hành ra công chúng. Cùng với việc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) giãn lộ trình giảm tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn, kênh tín dụng của các ngân hàng thương mại sẽ trở lại thành kênh tài trợ vốn chính cho các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp bất động sản.

Tuy nhiên, theo phân tích của Công ty chứng khoán VCSC, về cơ bản trái phiếu bất động sản khá rủi ro đối với người mua. Điều đáng lo ngại đó là nhìn chung những doanh nghiệp phát hành trái phiếu đều hoạt động ở phân khúc bất động sản nghỉ dưỡng và du lịch. Đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng tiêu cực tới việc tiêu thụ sản phẩm của phân khúc này, do vậy rủi ro khi đầu tư vào thị trường này là tương đối lớn. 

Tại buổi họp báo thông tin kết quả hoạt động ngân hàng quý III/2020, NHNN cho biết, với trái phiếu doanh nghiệp, các giải pháp điều hành của NHNN vẫn đang tính tổ chức tín dụng mua trái phiếu doanh nghiệp tính vào chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng của các tổ chức tín dụng này, như vậy cũng là một biện pháp kiểm soát.

Bên cạnh đó, các đơn vị chức năng, đặc biệt là cơ quan thanh tra giám sát của NHNN phối hợp với Vụ Chính sách tiền tệ, Vụ Tín dụng các ngành kinh tế thường xuyên theo dõi, báo cáo về các tổ chức tín dụng. Nếu các tổ chức tín dụng có tỉ lệ tín dụng tập trung cao vào các lĩnh vực có rủi ro như bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp..., cơ quan thanh tra giám sát NHNN sẽ có văn bản cảnh báo để các tổ chức tín dụng này kiểm soát, không được chủ quan khi cấp tín dụng đối với các lĩnh vực này.