Thị trường trái phiếu Việt Nam: Thêm cơ hội sinh lời cho nhà đầu tư
Thị trường trái phiếu Việt Nam từng bước trở thành kênh huy động vốn hiệu quả cho đầu tư phát triển của Chính phủ và doanh nghiệp trên thị trường tài chính. Để tiếp tục phát triển thị trường trái phiếu cả về chiều rộng và chiều sâu, Bộ Tài chính đã trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1191/QĐ-TTg ngày 14/8/2017 về lộ trình phát triển thị trường trái phiếu Việt Nam giai đoạn 2017-2020, tầm nhìn đến năm 2030.
Tăng trưởng tốt về quy mô, hoàn chỉnh về cấu trúc
Trong những năm qua, thị trường trái phiếu (TTTP) Việt Nam đã có bước phát triển đáng ghi nhận, từng bước trở thành kênh huy động vốn hiệu quả cho đầu tư phát triển của Chính phủ, doanh nghiệp (DN) trên thị trường tài chính.
Trong giai đoạn 2011 - 2016, Bộ Tài chính đã tập trung hoàn thiện khung khổ pháp lý từ cơ chế phát hành, cơ chế giao dịch, cơ chế hoạt động của các tổ chức trung gian, cung cấp dịch vụ đến cơ chế quản lý giám sát thị trường. TTTP đạt mức tăng trưởng khoảng 24%/năm, tạo được niềm tin vững chắc cho các nhà đầu tư (NĐT) tham gia thị trường. Kết quả cụ thể được thể hiện ở những nội dung sau:
Thứ nhất, TTTP duy trì được tốc độ tăng trưởng tốt, đa dạng hóa các loại hàng hóa và nâng cao chất lượng để đáp ứng nhu cầu của thị trường.
Sự tăng trưởng của dư nợ và hàng hóa trên TTTP Việt Nam trong 11 tháng năm 2017 là minh chứng sinh động cho sự phát triển của thị trường này. Cụ thể, trong 11 tháng đầu năm 2017, dư nợ TTTP tăng khoảng 9,8% so với cuối năm 2016, trong đó dự nợ trái phiếu chính phủ (TPCP) tăng 10,2% so với cuối năm 2016, ước đạt 27,13% GDP, trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) đạt tăng 18,2% GDP so với cuối năm 2016.
Điểm nhấn đáng chú ý là trên thị trường TPCP có đầy đủ các kỳ hạn trái phiếu chuẩn 3 năm, 5 năm, 7 năm, 10 năm, 15 năm, 20 năm và 30 năm. Ngoài các sản phẩm trái phiếu truyền thống trả lãi cố định còn có trái phiếu không trả lãi định kỳ, trái phiếu có kỳ trả lãi linh hoạt, thực hiện các nghiệp vụ phát hành bổ sung trái phiếu ngay sau phiên đấu thầu, hoán đổi trái phiếu để tăng thanh khoản trên thị trường. Riêng với TPDN, kỳ phát hành chủ yếu từ 3-5 năm phù hợp với chu kỳ đầu tư của DN.
Thứ hai, thanh khoản trên thị trường thứ cấp được cải thiện, các hình thức giao dịch phù hợp với nhu cầu của NĐT.
Thanh khoản trên thị trường thứ cấp được cải thiện, khối lượng giao dịch TPCP tăng dần qua các năm. Cụ thể, 11 tháng năm 2017, khối lượng giao dịch TPCP đạt 8.836 tỷ đồng/phiên, cao hơn khoảng 41% so với khối lượng giao dịch trái phiếu bình quân trong năm 2016 (6.285 tỷ đồng/phiên). Trên thị trường thứ cấp đã hình thành 2 phương thức giao dịch: Mua giao ngay và mua bán có kỳ hạn.
Các thông tin về giao dịch trái phiếu được sử dụng công khai để phục vụ việc lựa chọn trái phiếu của NĐT. Để hỗ trợ NĐT đánh giá mức độ rủi ro, tăng cường giao dịch trên thị trường thứ cấp, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ ban hành đầy đủ khung pháp lý cho việc hình thành và phát triển của thị trường dịch vụ xếp hạng tín nhiệm. Trong thời gian tới, Bộ Tài chính sẽ xem xét cấp phép cho các công ty có đủ điều kiện triển khai dịch vụ xếp hạng tín nhiệm, qua đó góp phần thúc đẩy thị trường TPDN phát triển.
Thứ ba, hệ thống NĐT đã từng bước được đa dạng hóa theo hướng tập trung phát triển NĐT dài hạn và thu hút NĐT nước ngoài.
Để phát triển các NĐT dài hạn, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ ban hành chính sách đầu tư của Bảo hiểm Xã hội theo hướng chuyên nghiệp; ban hành chính sách về Chương trình hưu trí bổ sung tự nguyện để vừa đa dạng hóa an sinh xã hội vừa thu hút nguồn vốn dài hạn đầu tư vào TPCP.
Trong công tác điều hành, Bộ Tài chính phát hành đều đặn TPCP kỳ hạn dài từ 10 năm trở lên cho các công ty bảo hiểm, trong đó riêng năm 2016 và 2017, Bộ Tài chính đã phát hành khoảng 10.000 tỷ đồng TPCP kỳ hạn 30 năm cho NĐT 100% vốn nước ngoài là DN bảo hiểm không có trụ sở tại Việt Nam.
Đối với NĐT nước ngoài, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ ban hành Nghị định số 60/2015/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Nghị định số 58/2012/NĐ-CP theo hướng không hạn chế đầu tư vào trái phiếu của NĐT nước ngoài; Đồng thời, đơn giản hóa quy trình và thủ tục đầu tư cho NĐT nước ngoài khi tham gia đầu tư trên thị trường vốn và TTTP.
Thứ tư, thị trường được tổ chức phù hợp với thông lệ quốc tế, các định chế trung gian và cung cấp dịch vụ trên TTTP ngày càng phát triển cả về số lượng và chất lượng.
Cơ sở hạ tầng thông tin về đăng ký, lưu ký, niêm yết, giao dịch và thanh toán chứng khoán đã được các Sở giao dịch chứng khoán và Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam đầu tư nhằm đảm bảo cho thị trường giao dịch an toàn và nhanh chóng, thời gian từ khi tổ chức phát hành đến khi TPCP được giao dịch trên thị trường là 2 ngày.
Hệ thống các trung gian tài chính vừa được phát triển về số lượng, đồng thời cũng đã được thực hiện tái cơ cấu nhằm tăng cường hiệu quả hoạt động cũng như tính cạnh tranh của các tổ chức này.
Cụ thể, các giải pháp tập trung vào một số nội dung trọng tâm như: (i) Tạo hành lang pháp lý cho việc thành lập tổ chức xếp hạng tín nhiệm; (ii) Sắp xếp tái cơ cấu lại các công ty chứng khoán theo hướng giảm số lượng và nâng cao năng lực tài chính, hiệu quả hoạt động; (iii) Hệ thống thành viên đấu thầu TPCP từng bước phát triển, phát huy được vai trò trên cả thị trường sơ cấp và thứ cấp, hỗ trợ tích cực cho các NĐT tham gia thị trường TPCP.
Phát triển thị trường trái phiếu Việt Nam đồng bộ, hiện đại
Nhằm tiếp tục phát triển TTTP ổn định, cấu trúc hoàn chỉnh, tăng quy mô và chất lượng hoạt động, Bộ Tài chính đã trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1191/QĐ-TTg ngày 14/8/2017 về lộ trình phát triển TTTP Việt Nam giai đoạn 2017-2020, tầm nhìn đến năm 2030.
Theo đó, Lộ trình phát triển TTTP Việt Nam giai đoạn 2017 - 2020, tầm nhìn đến năm 2030 xác định quan điểm phát triển như sau: a) Xây dựng và phát triển TTTP phù hợp với mức độ phát triển của nền kinh tế, đồng bộ với các cấu phần khác của thị trường tài chính, trong đó có thị trường cổ phiếu và thị trường tiền tệ - tín dụng ngân hàng; b) Phát triển TTTP cả về chiều rộng và chiều sâu, đảm bảo an toàn hệ thống, từng bước tiếp cận với các thông lệ, chuẩn mực quốc tế và hiện đại hóa hạ tầng thị trường, đưa thị trường trở thành một kênh huy động vốn trung và dài hạn quan trọng cho nền kinh tế với chi phí vốn hợp lý; c) Tiếp tục tập trung phát triển TTTP Chính phủ làm nền tảng cho sự phát triển của TTTP; đẩy mạnh phát triển TTTP doanh nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp huy động vốn, đặc biệt là vốn trung và dài hạn, góp phần tăng cường quản trị và công khai thông tin doanh nghiệp; d) Tăng cường tính công khai, minh bạch, bảo vệ lợi ích hợp pháp của các chủ thể tham gia thị trường.
Quyết định số 1191/QĐ-TTg cũng xác định rõ mục tiêu tổng quát là: Phát triển TTTP ổn định, cấu trúc hoàn chỉnh, đồng bộ về các yếu tố cung - cầu; mở rộng cơ sở nhà đầu tư, tăng quy mô và chất lượng hoạt động, đa dạng hóa các sản phẩm, nghiệp vụ, đảm bảo thị trường hoạt động công khai, minh bạch và hiệu quả; Chủ động hội nhập thị trường quốc tế, từng bước tiếp cận với các chuẩn mực và thông lệ quốc tế.
Các mục tiêu cụ thể trong Lộ trình phát triển TTTP Việt Nam giai đoạn 2017 - 2020, tầm nhìn đến năm 2030 gồm:
- Phấn đấu đưa dư nợ TTTP đạt khoảng 45% GDP vào năm 2020 và khoảng 65% GDP vào năm 2030, trong đó dư nợ thị trường TPCP, TPCP bảo lãnh và trái phiếu chính quyền địa phương đạt khoảng 38% GDP vào năm 2020 và khoảng 45% GDP vào năm 2030, dư nợ thị trường TPDN đạt khoảng 7% GDP vào năm 2020 và khoảng 20% GDP vào năm 2030.
- Phấn đấu kỳ hạn bình quân danh mục phát hành trái phiếu Chính phủ trong nước giai đoạn 2017 - 2020 đạt 6 - 7 năm; giai đoạn 2021 - 2030 đạt 7 - 8 năm.
- Tăng khối lượng giao dịch TPCP, trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh và trái phiếu chính quyền địa phương bình quân phiên lên mức 1% dư nợ trái phiếu niêm yết vào năm 2020 và 2% dư nợ trái phiếu niêm yết vào năm 2030.
- Tăng tỷ trọng trái phiếu Chính phủ do các công ty bảo hiểm, bảo hiểm xã hội, quỹ hưu trí, quỹ đầu tư và các tổ chức tài chính phi ngân hàng nắm giữ lên mức 50% năm 2020 và mức 60% vào năm 2030.
Để hiện thực hóa mục tiêu trên, trong thời gian tới cần tập trung triển khai các giải pháp sau:
Một là, tiếp tục tập trung phát hành trái phiếu theo phương thức đấu thầu, xây dựng và công bố công khai lịch biểu phát hành, phát triển các sản phẩm mới trên TTTP, vận hành thị trường chứng khoán phái sinh, tiếp tục tái cơ cấu để tăng tính bền vững của danh mục nợ TPCP.
Đối với TPDN, nghiên cứu sửa đổi các quy định liên quan đến phát hành TPDN nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các DN huy động vốn, đồng thời tăng cường tính công khai, minh bạch trong quá trình huy động vốn trái phiếu, bảo vệ lợi ích của NĐT.
Hai là, thiết lập hệ thống nhà tạo lập thị trường; Phát triển thị trường mua bán lại trái phiếu; Thiết lập cơ chế công bố thông tin tập trung đối với TPDN.
Ba là, cần tập trung triển khai: (i) Hình thành và phát triển Quỹ Hưu trí tự nguyện; (ii) Đổi mới cơ chế đầu tư của Bảo hiểm Xã hội theo hướng chuyên nghiệp; (iii) Rà soát, điều chỉnh chính sách đầu tư của các NĐT (ngân hàng thương mại, các quỹ đầu tư, các công ty bảo hiểm); (iv) Sửa đổi, bổ sung các cơ chế chính sách về thuế, phí, quy trình và thủ tục đầu tư tạo điều kiện thuận lợi cho các NĐT tham gia đầu tư trên TTTP.
Bốn là, tập trung tái cơ cấu các công ty chứng khoán để thiết lập hệ thống các trung gian tài chính lành mạnh; Hiện đại hóa công nghệ thông tin về hệ thống đấu thầu, đăng ký, lưu ký và niêm yết trái phiếu; Hình thành hệ thống công bố thông tin về phát hành, giao dịch đối với TPDN.
Bên cạnh các giải pháp trên, cần tăng cường phối hợp giữa chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa, tạo sự liên kết, cân đối và đồng bộ giữa thị trường tiền tệ, tín dụng và TTTP; Tăng cường quản lý, giám sát đối với thị trường vốn, TTTP để thị trường vận hành an toàn, công khai, minh bạch, bảo vệ quyền lợi của các chủ thể khi tham gia thị trường.
Với các mục tiêu, định hướng và các giải pháp cụ thể tại Quyết định số 1191/QĐ-TTg, TTTP Việt Nam dự kiến sẽ không chỉ phát triển nhanh về quy mô mà còn đảm bảo là thị trường có tính thanh khoản cao, công khai, minh bạch; là cơ hội sinh lời hấp dẫn cho NĐT trong và ngoài nước.