Ngân hàng “lấn sân” chứng khoán: Tăng trưởng lợi nhuận và những cảnh báo rủi ro

Trâm Anh

Xu hướng các ngân hàng thương mại (NHTM) tư nhân đẩy mạnh đầu tư vào công ty chứng khoán (CTCK) đang thúc đẩy quá trình mở rộng hệ sinh thái tài chính tích hợp. Theo VIS Ratings, đây là cơ hội để nâng cao lợi nhuận ngoài lãi, nhưng cũng đặt ra rủi ro tín dụng hợp nhất và nguy cơ tập trung dòng vốn vào một số khách hàng lớn – yếu tố cần được kiểm soát chặt chẽ.

Liên kết giữa ngân hàng và CTCK còn giúp tối ưu hóa hoạt động bán chéo, nâng cao khả năng giữ chân khách hàng
Liên kết giữa ngân hàng và CTCK còn giúp tối ưu hóa hoạt động bán chéo, nâng cao khả năng giữ chân khách hàng

Thu nhập chi phí gia tăng - động lực từ hệ sinh thái tài chính tích hợp

Trước áp lực cạnh tranh gay gắt và biên lợi nhuận ngày càng thu hẹp trong hoạt động tín dụng truyền thống, nhiều ngân hàng đang tìm kiếm hướng đi mới để duy trì tăng trưởng. Theo Báo cáo về "Ngành ngân hàng lợi nhuận và rủi ro: Mở rộng chứng khoán thúc đẩy tăng trưởng lợi nhuận và tập trung tín dụng” do VIS Ratings vừa ban hành, quý I/2025, biên lãi thuần (NIM) toàn ngành đã giảm 35 điểm cơ bản, xuống còn 2,9%. Trong bối cảnh đó, việc mở rộng sang lĩnh vực chứng khoán – vốn có biên lợi nhuận cao hơn – đang trở thành lựa chọn chiến lược của nhiều ngân hàng.

Dù khoản đầu tư vào CTCK bị khấu trừ vào vốn cấp 1 theo Thông tư số 41/2016/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước ngày 30/12/2016 quy định về tỷ lệ an toàn vốn đối với ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam, song nhiều ngân hàng vẫn đặt cược vào hiệu quả hợp nhất trong dài hạn. Thực tế cho thấy, năm 2024, một số CTCK trực thuộc ngân hàng đã đóng góp gần 20% lợi nhuận trước thuế hợp nhất – minh chứng rõ ràng cho sức hút của mô hình tích hợp ngân hàng – chứng khoán.

Bên cạnh yếu tố lợi nhuận, mối liên kết giữa ngân hàng và CTCK còn giúp tối ưu hóa hoạt động bán chéo, nâng cao khả năng giữ chân khách hàng và mở rộng tệp người dùng cao cấp – những người có nhu cầu sử dụng dịch vụ tài chính trọn gói, từ tiết kiệm, đầu tư đến tư vấn quản lý tài sản.

Hiệu quả và rủi ro từ mô hình công ty chứng khoán liên kết ngân hàng

Báo cáo của VIS Ratings cho thấy, trong vòng ba năm qua, nhóm CTCK liên kết với ngân hàng đã có bước tăng trưởng mạnh mẽ về quy mô lẫn hiệu quả hoạt động. Thị phần cho vay ký quỹ của nhóm này tăng vọt từ 19% năm 2022 lên 30% năm 2024. Tỷ suất sinh lời trên tài sản (ROAA) đạt bình quân 5,5%, cao hơn đáng kể so với mức 3,5% của các CTCK độc lập.

Với lợi thế từ nguồn vốn giá rẻ, cơ sở dữ liệu khách hàng lớn và khả năng phân phối nội bộ, các công ty này không chỉ chiếm lĩnh thị phần môi giới mà còn vươn lên dẫn đầu trong mảng tư vấn phát hành trái phiếu doanh nghiệp. Thực tế cho thấy, mô hình ngân hàng – chứng khoán đang tạo ra những cụm tăng trưởng tích hợp, giúp tối ưu hóa lợi nhuận ở cấp độ tập đoàn tài chính.

Tuy nhiên, VIS Ratings cũng cảnh báo rằng đi kèm với lợi nhuận là những rủi ro tiềm tàng cần được kiểm soát chặt chẽ. Việc ngân hàng và CTCK cùng phục vụ một khách hàng doanh nghiệp lớn – thông qua cho vay tín dụng, phân phối trái phiếu và cấp margin – có thể tạo ra mức độ tập trung tín dụng cao bất thường.

Điều này đặc biệt rủi ro trong bối cảnh một số doanh nghiệp, nhất là trong lĩnh vực bất động sản và năng lượng, đang gặp khó khăn trong trả nợ, hoặc vướng tranh chấp pháp lý liên quan đến dự án. Một số CTCK còn cam kết mua lại trái phiếu đã phân phối cho nhà đầu tư cá nhân, càng làm tăng áp lực thanh khoản nếu có sự cố thị trường.

“Rủi ro tín dụng không còn dừng lại ở cấp độ từng đơn vị, mà đã trở thành rủi ro tập đoàn tài chính nếu không có các giới hạn kiểm soát hợp nhất,” báo cáo của VIS Ratings nhấn mạnh. Việc rút tiền đồng loạt hay phản ứng dây chuyền từ nhà đầu tư cá nhân cũng là kịch bản không thể loại trừ.

Định hướng kiểm soát: Thiết lập bộ lọc rủi ro tập trung

Trước bối cảnh đó, VIS Ratings đề xuất các ngân hàng cần thiết lập cơ chế kiểm soát tín dụng hợp nhất, bao gồm: chia sẻ dữ liệu tín dụng, phối hợp tiêu chí xét duyệt khách hàng và tăng cường quản lý tài sản đảm bảo giữa các đơn vị thành viên. Bên cạnh đó, giới hạn nội bộ về mức độ cho vay, đầu tư hoặc phân phối trái phiếu cho một khách hàng cũng cần được định lượng rõ ràng.

Một mô hình ngân hàng – chứng khoán tích hợp chỉ có thể vận hành bền vững khi được hỗ trợ bởi hệ thống kiểm soát rủi ro liên thông, đánh giá định kỳ mức độ lệ thuộc tín dụng và xây dựng kịch bản ứng phó với các rủi ro lan truyền.

Về dài hạn, VIS Ratings cho rằng sự thành công của mô hình tích hợp này sẽ phụ thuộc vào khả năng duy trì kỷ luật vốn, minh bạch hóa danh mục tài sản và thiết lập vùng đệm thanh khoản đủ lớn để hấp thụ các cú sốc thị trường.

Mở rộng sang lĩnh vực chứng khoán mang lại cơ hội tăng trưởng lợi nhuận rõ rệt cho hệ thống ngân hàng. Tuy nhiên, như lời cảnh báo từ VIS Ratings, đây không phải là “bữa tiệc miễn phí”. Sự cộng hưởng giữa ngân hàng và CTCK cần được giám sát chặt chẽ nhằm tránh rủi ro tích tụ và lan truyền. Trong môi trường tài chính ngày càng phức tạp, chỉ những tổ chức kiểm soát tốt rủi ro hệ thống và giữ vững nền tảng quản trị mới có thể tận dụng tối đa lợi ích từ mô hình tích hợp tài chính toàn diện.