Ông Tô Quốc Bảo, Trưởng nhóm Chiến lược thị trường Công ty Chứng khoán Dầu khí (PSI):

"Thị trường vẫn sẽ tiếp tục giao dịch giằng co trong biên độ hẹp"

Trích ý kiến của ông Tô Quốc Bảo, Trưởng nhóm Chiến lược thị trường Công ty Chứng khoán Dầu khí (PSI) trong bài "Tâm điểm chứng khoán: Giằng co trong biên độ hẹp, một trong yếu tố lo ngại là thị trường thế giới đang xấu" - Bảo Vy/nhipsongdoanhnghiep.laodongcongdoan.vn

Ông Tô Quốc Bảo, Trưởng nhóm Chiến lược thị trường Công ty Chứng khoán Dầu khí (PSI)
Ông Tô Quốc Bảo, Trưởng nhóm Chiến lược thị trường Công ty Chứng khoán Dầu khí (PSI)

Sau khi giảm xuống mức thấp nhất trong tháng Năm (1.156,54 điểm trong phiên ngày 17/5), chỉ số VN - Index đã ngay lập tức có những nhịp hồi phục ấn tượng theo hình chữ V trong những phiên sau đó. Tuy nhiên, áp lực liên tục gia tăng khi chỉ số thị trường áp sát các ngưỡng kháng cự quan trọng. Tuần vừa qua là tuần giao dịch thứ 2 liên tục khi chỉ số thất bại trong việc chinh phục mốc điểm 1.300.

Nhìn chung, thị trường vẫn sẽ tiếp tục giao dịch giằng co trong biên độ hẹp 1.250 – 1.320 điểm khi tâm lý các nhà đầu tư vẫn tỏ ra thận trọng trong bối cảnh hiện tại. Do đó, tuần này nhiều khả năng vẫn sẽ là một tuần giao dịch giằng co giữa 2 bên mua và bán khi mà trong ngắn hạn vẫn chưa thể khẳng định được sóng hồi đã kết thúc hay chưa vì trong những nhịp hồi phục sẽ luôn là những phiên tăng giảm đan xen nhằm giúp thị trường hấp thụ bớt lượng cổ phiếu bắt đáy lướt sóng T+ và kiểm nghiệm lại lực cung cầu.

Đáng lưu ý, tuần tới sẽ diễn ra 2 sự kiện quan trọng đó là ngày đáo hạn hợp đồng tương lai tháng 6 và là tuần 2 quỹ ETF ngoại FTSE và MVIS sẽ hoàn thành cơ cấu danh mục. Nhiều khả năng thị trường sẽ có những biến động mạnh tại 2 phiên giao dịch cuối cùng của tuần.

Nếu như chỉ vài năm trước đây khi quy mô thanh khoản thị trường còn thấp, sự kiện cơ cấu danh mục của các quỹ ETF, đặc biệt với các quỹ ngoại quy mô lớn sẽ là điều mà các nhà đầu tư quan tâm do sẽ gây nên những biến động lớn đối với các mã nằm trong danh sách thay đổi.

Tuy nhiên, chúng ta có thể thấy, trong vòng 3 năm nay quy mô thị trường đã thay đổi rất nhiều với việc nền thanh khoản đã có những giai đoạn tăng lên hơn 20.000 tỷ đồng, gấp hơn 10 lần so với trước đó đã làm cho tác động của các quỹ ETF ngày một suy giảm. Những mã cổ phiếu nằm trong danh mục cơ cấu đều có lực cung cầu cân vào khá tốt tới từ các nhà đầu tư cá nhân hay tổ chức trong nước.

Ngoài ra, trước đây hoạt động mua bán của các quỹ chỉ diễn ra vào đúng ngày cơ cấu và chủ yếu là tại phiên xác định giá đóng cửa (phiên ATC) dẫn đến những biến động mạnh về giá các cổ phiếu được mua bán trong kỳ thì đến nay, đã chuyển sang giao dịch rải rác từ đầu tháng của kỳ tái cơ cấu.

Theo thống kê khối ngoại mua ròng trong tháng 4 khoảng 3.500 tỷ đồng, tháng 5 là vào khoảng 1.100 tỷ đồng, điều này cho thấy đã có sự quay trở lại tham gia của dòng tiền nước ngoài tuy nhiên giá trị giao dịch không nhiều. Đây cũng có thể nói là tín hiệu tích cực khi xu hướng mua ròng đang là xu hướng chính của khối ngoại trên thị trường chứng khoán Việt Nam với bối cảnh định giá thị trường đang tương đối rẻ so với các nước trong khu vực như hiện nay.