Thị trường xe máy khan hàng, tăng giá "chóng mặt"

Theo Hoàng Hà/vnbusiness.vn

Do nguồn chip toàn cầu khan hiếm nên xe máy sản xuất trong nước bị hạn chế nguồn cung. Hiện người tiêu dùng muốn mua phải đặt hàng, chịu chênh giá bán rất lớn.

Các dòng xe máy tay ga đang khan hàng và tăng giá mạnh.
Các dòng xe máy tay ga đang khan hàng và tăng giá mạnh.

Quan sát thị trường xe máy ở Hà Nội cho thấy, giá bán nhiều mẫu xe máy của Yamaha, Piaggio, Suzuki... vẫn khá ổn định và có tăng nhưng không đáng kể, nhiều mẫu xe tay ga “ăn khách” với khả năng tiết kiệm nhiên liệu như Honda Vision, Honda AirBlade, Honda SH Mode… đang bị “đội giá” từ 5 triệu đến hơn 20 triệu đồng với lý do là nguồn cung khan hiếm. Đồng thời đây cũng là những dòng xe tiết kiệm nhiên liệu trong bối cảnh giá xăng dầu tăng cao như hiện nay nhằm tiết kiệm chi phí cho phương tiện đi lại.

“Đội giá” đến hơn 20 triệu đồng

Theo khảo sát của VnBusiness tại một số đại lý xe máy trên địa bàn Hà Nội cho thấy, trong khoảng vài tháng nay, nhiều mẫu xe ga đã tăng giá mạnh so với mức niêm yết của hãng. Đơn cử, đối với xe ga của Honda Vision tại nhiều đại lý đã không còn xe để bán. Trong khi, mẫu xe Honda Air Blade thế hệ mới (ra mắt cách đây không lâu) cũng chỉ còn với số lượng ít, đủ nguồn cung cho khách hàng.

Mức giá được một đại lý đưa ra đối với xe ga Honda Air Blade 125 phiên bản tiêu chuẩn là 45 triệu đồng, kênh gần 3 triệu đồng so với giá bán lẻ đề xuất. Trong khi, phiên bản Air Blade 160 tiêu chuẩn có giá bán là 60 triệu đồng (giá đề xuất là 55,99 triệu đồng).

Đáng lưu ý, với mẫu xe Honda Vision có các phiên bản Tiêu chuẩn và Cao cấp, giá bán lẻ đề xuất lần lượt là 30,230 triệu và 31,899 triệu đồng, ở các đại lý có giá chào bán từ 42 triệu đến 45 triệu đồng, tăng từ gần 12 triệu đến hơn 13 triệu đồng. Đặc biệt, Honda Vision bản Cá tính có giá bán lẻ đề xuất là 35 triệu đồng, ở các đại lý đang đội giá lên từ 53 triệu đến 55 triệu đồng, tăng từ 18 triệu đến hơn 20 triệu đồng so với giá niêm yết.

Tương tự với một số mẫu xe ga thương hiệu Yamaha cũng đang bị “đội giá” lên khá cao. Đơn cử như xe ga Yamaha Janus phiên bản giới hạn hiện đang được một số đại lý rao bán lên tới 42 triệu đồng, kênh hơn 10 triệu đồng so với giá bán lẻ đề xuất của hãng…

Một nhân viên đại lý Yamaha trên địa bàn quận Hoàng Mai (Hà Nội) chia sẻ: "Hiện tại, dòng xe Janus đang rất khan hàng, cửa hàng chỉ còn lại duy nhất một xe để bán. Do phía nhà sản xuất không nhập được chip để lắp đặt cho các mẫu xe nên mới dẫn đến tình trạng này".

Bên cạnh đó, một số dòng xe khác của hãng như Grand hay Latte vốn có sự ổn định về giá cũng rơi vào tình cảnh tương tự, nhưng mức chênh ít hơn so với giá đề xuất. 

Chị Hoàng Oanh sinh sống tại Linh Đàm, Hoàng Mai có ý định sắm một chiếc xe tay ga. Tuy nhiên, gần 1 tháng tham khảo các đại lý chị vẫn chưa chốt cho mình được chiếc xe nào: "Lúc đầu tôi tính mua chiếc Honda Vision khi thấy giá bán đề xuất chỉ hơn 30 triệu đồng, nhưng hỏi nhiều đại lý đều được trả lời không có xe ngay. Hơn nữa giá bán tại đại lý chênh tới 14 – 20 triệu đồng, màu sắc cũng không đầy đủ. Có lẽ tôi phải cân nhắc lại việc mua xe của mình".

Các hãng xe đều thiếu chip

Nói với VnBusiness, quản lý một đại lý xe Honda trên địa bàn quận Hoàng Mai, Hà Nội cho biết, mặc dù giá tăng cao như vậy nhưng không phải khách cần mua là có xe giao ngay. Nguyên nhân do tình trạng thiếu chip dẫn đến nhiều mẫu xe ga của hãng rơi vào tình trạng khan hiếm hàng. Ngay cả những mẫu xe mới ra mắt như Honda Air Blade, số lượng xe tồn kho cũng không nhiều, trong khi mẫu xe Vision hiện không có xe.

Một nhân viên bán hàng của đại lý Kường Ngân ở Nguyễn Lương Bằng (Hà Nội) cho hay, với những khách có nhu cầu đặt mua, đại lý sẽ lưu số điện thoại lại khi nào có sẽ báo chứ không dám nhận cọc do không biết chính xác thời gian có xe giao.

Nói về tình trạng khan hàng, đại diện Honda Việt Nam - Nhà sản xuất xe máy chiếm đến 80% thị phần ở Việt Nam cho biết, hiện Việt Nam chưa sản xuất được chip, mà chủ yếu được nhập từ các nước Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản,... Trong khi, Trung Quốc là nguồn cung chủ yếu cho Việt Nam đang thực hiện chính sách "Zero Covid", nên nhiều nhà máy phải sản xuất cầm chừng, đóng cửa ảnh hưởng đến nguồn cung chip toàn cầu.

Đặc biệt, kể từ tháng 4 năm nay, Honda Việt Nam phải đối mặt với sự sụt giảm sản lượng sản xuất bình quân của một số mẫu xe ga sản xuất trong nước. Tình trạng này được dự báo sẽ tiếp diễn khi hiện tại sản lượng giảm khoảng hơn một nửa so với kế hoạch ban đầu.

Còn về giá bán bị các đại lý “đội” lên so với giá nhà sản xuất công bố. Các hãng xe cho rằng, các đại l‎ý cũng như các cửa hàng xe máy được ủy nhiệm là các pháp nhân độc lập. Nhà sản xuất chỉ có thể đưa ra mức giá bán lẻ đề xuất chứ không có quyền bắt buộc hay đưa ra mệnh lệnh đối với các đại lý này. Mức giá người tiêu dùng mua xe cao hơn so với giá bán lẻ đề xuất cũng có một phần nguyên nhân là mất cân đối giữa cung và cầu. Trong trường hợp cung không đủ cầu, người tiêu dùng sẽ mua xe với giá cao hơn.