Thích ứng an toàn, đưa chuỗi hoạt động khai thác thuỷ sản trở lại trạng thái bình thường mới
Tại Hội nghị trực tuyến về Tổ chức khai thác thích ứng an toàn, phòng chống dịch bệnh COVID-19 với 28 tỉnh, thành phố có biển trong cả nước, được tổ chức sáng 22/10, ông Phùng Đức Tiến, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhấn mạnh: “Ngành khai thác thuỷ sản phải thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 để đảm bảo an toàn tối đa cho người lao động và ngư dân, đưa chuỗi hoạt động khai thác thuỷ sản ở các địa phương trở lại trạng thái bình thường mới”.
Từ đầu năm đến nay, dịch bệnh COVID-19 đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến ngành nông nghiệp về vốn, lao động, trong đó chuỗi cung ứng, khai thác thuỷ sản bị đứt gãy, gián đoạn vận chuyển, tiêu thụ khó khăn; giá thuỷ sản giảm. Đồng thời, cảnh báo “Thẻ vàng” của Uỷ ban Châu Âu tiếp tục gây khó khăn cho hoạt động xuất khẩu thuỷ sản của nước ta vào thị trường EU...
Theo báo cáo của Tổng cục Thuỷ sản, cả nước hiện có 94.572 tàu cá, trong đó số tàu làm nghề lưới kéo chiếm 18,1%; nghề lưới vây chiếm 7,6%; Nghề lưới rê chiếm 35,5%; nghề câu chiếm 17%; nàu dịch vụ hậu cần chiếm 3,3%.
Khai thác thuỷ sản đã góp phấn giải quyết việc làm trực tiếp khoảng 1 triệu lao động. Tổng sản lượng khai thác thuỷ sản biển ước đạt 2,917 triệu tấn, tăng 0,8% so với cùng kỳ năm 2020.
Do tác động của việc áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19, nhiều tàu cá phải ngừng sản xuất, nằm bờ. Theo thống kê của các tỉnh, số lượng tàu cá ngừng không đi khai thác chỉ tính cho 3 tháng là 43.200 lượt tàu, tương đương 4,6 % cường lực khai thác; làm giảm sản lượng khai thác khoảng 186.000 tấn.
Các tỉnh, thành phố có số lượng tàu nằm bờ nhiều như: Đà Nẵng 1.680/1.830 chiếc (chiếm 91,8%); Bà Rịa - Vũng Tàu 3.252/5.025 chiếc (chiếm 64,72%); Khánh Hoà 3.269/5.580 chiếc (chiếm 58,58%); Trà Vinh 540 chiếc/1.196 chiếc (chiếm 45,15%).
Dịch bệnh còn tác động sâu đến chuỗi tiêu thụ thuỷ sản, doanh nghiệp không tiêu thụ được làm cho giá bán sản phẩm giảm 15-20 % so với cùng kỳ năm 2020...
Vùng biển Cà Mau là một trong bốn ngư trường trọng điểm của cả nước. Tính đến ngày 30/9/2021, toàn tỉnh có tổng số 4.582 tàu cá (trong đó, có 1.517 tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 15 m trở lên). Sản lượng khai thác đến hết tháng 9/2021 đạt 180.718 tấn, bằng 101.74 % so cùng kỳ đạt 78.57 % kế hoạch. Tàu cá đã lắp đặt thiết bị VMS đạt 99,27%.
Phát biểu tại hội nghị, ông Lê Văn Sử - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau cho biết, trước tác động của dịch bệnh, tỉnh đã tổ chức kiểm soát 100% tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 15m trở lên tại 2 cảng cá được chỉ định. Đa số các tàu cá của tỉnh hoạt động khai thác bình thường, hiệu quả khai thác trung bình. Giá cả các mặt hàng thuỷ sản có giảm nhưng chưa biến động lớn.
Theo đó, tỉnh đã ban hành nhiều hướng dẫn tạm thời quản lý, kiểm soát người, phương tiện hoạt động trên biển và bốc dỡ sản phẩm thuỷ sản, hàng hoá tại cảng cá, bến cá trong điều kiện thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh Cà Mau.
Tuy nhiên, dịch bệnh đã tác động mạnh mẽ đến nền kinh tế của tỉnh Cà Mau, ảnh hưởng đáng kể đến sự lưu thông hàng hoá. Việc kiểm soát di chuyển của người lao động đi trên tàu cá, người vận chuyển hàng hoá thuỷ sản, chi phí xét nghiệm đã làm tăng chi phí sản xuất nhưng giá thu mua sản phẩm giảm, dẫn đến một số tàu cá ngưng hoạt động trong những tháng gần đây.
Để tổ chức khai thác thuỷ sản án toàn, thích ứng phòng chống dịch bệnh những tháng còn lại của năm 2021, tỉnh Cà Mau tiếp tục kiểm soát tàu cá ra vào cảng, đảm bảo các quy định phòng, chống dịch.
Theo ông Lê Văn Sử, qua đại dịch nổi lên nhiều hạn chế trong hạ tầng phục khai thác từ cảng cá, khu neo đậu, hệ thống khó lạnh, vì thế cần có cơ chế, chính sách để thu hút doanh nghiệp đầu tư hạ tầng phục vụ hạ tầng khai thác. Ngoài ra cần tiến hành hỗ trợ và sắp xếp lại lao động. “Đối với Cà Mau, trên lĩnh vực thuỷ sản, hoàn toàn có thể hoàn thành các mục tiêu và nhiệm vụ đề ra của năm 2021”, ông Lê Văn Sử khẳng định.
Phát biểu tại hội nghị, ông Phùng Đức Tiến - Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho rằng, để lĩnh vực khai thác đảm bảo nhiệm vụ kép, vừa chống dịch vừa duy trì sản xuất, ổn định chuỗi sản xuất, cung ứng thuỷ sản khai thác; đồng thời, phòng chống khai thác bất hợp pháp, tháo gỡ thẻ vàng được thực hiện đồng bộ ở các cấp, ngành, đúng hướng..., các địa phương cần triển khai kịp thời các chính sách trong lĩnh vực khai thác thuỷ sản, hỗ trợ phục hồi sản xuất sau dịch bệnh COVID-19.
Áp dụng linh hoạt các giải pháp phòng chống dịch bệnh để đảm bảo chuỗi cung ứng khai thác thuỷ sản an toàn, hiệu quả, đặc biệt đảm bảo an toàn dịch bệnh tối đa để các cảng cá và các cơ sở sơ chế, chế biến xuất khẩu thuỷ sản hoạt động bình thường. Kiểm soát chặt chẽ thiết bị giám sát hành trình trên các tàu cá, đảm bảo hoạt động thông tin giữa tàu và bờ để cơ quan quản lý thường xuyên…