“Thiên đường” chứng khoán Đông Nam Á
Thị trường chứng khoán Đông Nam Á đang trở nên hấp dẫn đối với các nhà đầu tư quốc tế trước những dự báo xấu đi của thị trường chứng khoán toàn cầu.
Sự gián đoạn nguồn cung do xung đột giữa Nga và Ukraina và các lệnh trừng phạt sau đó của phương Tây đã khiến giá hàng hóa tăng vọt, trong đó dầu thô Brent, than, dầu cọ và niken đạt mức cao nhất trong nhiều năm. Jerry Goh, nhà quản lý đầu tư cổ phiếu châu Á cho biết, giá hàng hóa hiện có thể sẽ cao hơn trong thời gian dài. Malaysia và Indonesia – hai nhà sản xuất chủ chốt - được kỳ vọng sẽ tiếp tục được hưởng thặng dư thương mại, điều này sẽ tăng cường thu nhập của chính phủ và khuyến khích chi tiêu của người tiêu dùng.
Dữ liệu của Reuters cho thấy, dòng vốn nước ngoài đổ vào chứng khoán ở Indonesia, nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á, đã tăng lên 1,2 tỷ USD trong tháng 2/2022, nhiều nhất kể từ tháng 4/2019. Dòng chảy vào chứng khoán Thái Lan trong tháng 2/2022 cũng là mức cao nhất kể từ ít nhất là năm 2008; và Philippines cũng chứng kiến dòng vốn chảy vào tương tự. Ngược lại, Ấn Độ và Đài Loan đều chứng kiến dòng tiền chảy ra vào tháng 2/2022.
Indonesia là nước xuất khẩu dầu cọ, than nhiệt và nhà sản xuất lớn nhất thế giới về niken, đồng và thiếc tinh luyện, trong khi Malaysia là nhà sản xuất và xuất khẩu cọ lớn thứ hai thế giới. Khi hoạt động kinh tế tiếp tục diễn tiến tốt tại hai thị trường này, sẽ hỗ trợ sự phục hồi thu nhập trong nước. Kenneth Tang, Giám đốc danh mục đầu tư cấp cao về chứng khoán châu Á tại Nikko Asset Management cho biết, phẩm chất “phòng thủ” trong nhóm các quốc gia ASEAN có thể phát huy trong những tháng tới khi xung đột Ukraina leo thang.
Chỉ số chứng khoán châu Á-Thái Bình Dương MSCI (không kể Nhật Bản) đã giảm 11% từ đầu năm đến nay, nhưng Indonesia, với mức tăng gần 5% từ đầu năm đến nay, là thị trường châu Á hoạt động tốt nhất sau Chỉ số tổng hợp Jakarta đạt kỷ lục vào tuần đầu tháng 3. Các nhà sản xuất than Adaro Energy và Bayan Resources đã tăng vọt lên mức cao kỷ lục. Cổ phiếu của quốc gia láng giềng Malaysia đã đạt mức cao nhất trong 10 tháng vào tuần trước, sau khi tăng 6,3% vào tháng 2.
Các nhà kinh tế Morgan Stanley cho biết, Indonesia và Malaysia đưa ra một “biện pháp phòng ngừa lạm phát đình trệ hoàn hảo” khi là hai nhà xuất khẩu hàng hóa ròng duy nhất ở châu Á (ngoài Nhật Bản). Khu vực Đông Nam Á với chi phí sản xuất thấp và có vị trí thuận lợi để thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài nhiều hơn vào việc xây dựng chuỗi cung ứng trong các lĩnh vực như xe điện và lưu trữ năng lượng.
Các nguồn tin cho biết, kết quả hoạt động mạnh mẽ tại các thị trường Indonesia có thể là dấu hiệu tốt cho việc niêm yết cổ phiếu, khi công ty công nghệ lớn nhất của họ, GoTo, sẽ khởi động một đợt IPO trong nước có thể huy động ít nhất 1 tỷ USD trong nửa đầu năm.
Năm ngoái, hoạt động gây quỹ của Indonesia thông qua IPO đã tăng lên mức cao nhất trong một thập kỷ, được thúc đẩy bởi sự quan tâm của nhà đầu tư đối với các công ty công nghệ. Dòng vốn nước ngoài đổ vào chứng khoán Đông Nam Á là một sự thay đổi mạnh mẽ so với những năm trước, khi đại dịch Covid-19 có tác động tàn khốc đến đời sống và tăng trưởng kinh tế của nhiều nước trong khu vực.
Indonesia, nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á, đã ghi nhận thặng dư ngân sách 2 tỷ USD trong tháng 1 do doanh thu từ thuế tăng vọt. Điều đó đã dẫn đến sự thay đổi trong nhận thức rằng Malaysia và Indonesia dễ bị tổn thương trong thời kỳ Fed thắt chặt chính sách, chẳng hạn như hiện nay, nhờ sự hiện diện lớn của nước ngoài trên thị trường trái phiếu của họ. Tỷ lệ sở hữu nước ngoài chiếm 28% cổ phiếu Indonesia vào tháng 1, giảm so với mức 37% vào tháng 3/2013, theo Nomura.