Thiết lập “phòng tuyến chống rửa tiền”
(Tài chính) Dự kiến trong tháng 8/2014, Tổng cục Hải quan sẽ phối hợp với Cơ quan phòng chống ma túy và tội phạm của Liên Hợp Quốc (UNODC) tổ chức 4 khóa đào tạo về kỹ năng phòng chống rửa tiền cho cán bộ, công chức trong toàn hệ thống, tiến thêm một bước trong mục tiêu hình thành mạng lưới “phòng tuyến chống rửa tiền”.
Khẳng định điều này, ông Ngô Ngọc Khuê, Phó Phòng Xử lý vi phạm, Cục Điều tra chống buôn lậu (Tổng cục Hải quan) cho hay, trong 6 tháng đầu năm 2014, đơn vị chuyên trách của Cục Điều tra chống buôn lậu đã có nhiều nỗ lực trong hợp tác với các tổ chức trong và ngoài nước nhằm đẩy mạnh công tác phòng, chống rửa tiền, chống tài trợ khủng bố. Đến nay, đơn vị đã hoàn thành việc tập hợp báo cáo công tác phòng, chống rửa tiền năm 2013 của các cục hải quan tỉnh, thành phố và trên cơ sở đó đã đề xuất giải pháp, giải quyết những tồn đọng cũng như phương hướng hoạt động trong thời gian tới.
Đồng thời, Cục cũng đã tiến hành triển khai nhiều cuộc gặp gỡ, làm việc với các cơ quan chuyên trách của Ngân hàng Nhà nước (NHNN); Góp ý đề án Chiến lược quốc gia về phòng chống rửa tiền do NHNN xây dựng; Hợp tác với Cơ quan UNODC trong việc trao đổi và xác minh thông tin liên quan đến hoạt động rửa tiền qua biên giới Việt Nam; Phối hợp với Đại sứ quán Hoa Kỳ tổ chức lớp tập huấn nhận diện USD giả cho các cán bộ chuyên trách hải quan…
Đặc biệt, Hải quan Việt Nam đã chủ động kết nối, làm việc với các chuyên gia của lực lượng Đặc nhiệm tài chính (FATF), đánh giá tổng thể kết quả thực hiện dự án VNM/S65-Tăng cường năng lực của các cơ quan thực thi pháp luật trong công tác rửa tiền tại Việt Nam. Đồng thời, phối hợp với Văn phòng Hỗ trợ kỹ thuật, Bộ Tài chính Hoa Kỳ xây dựng và từng bước hoàn thiện Giáo trình phòng, chống rửa tiền cho Hải quan Việt Nam. Dự kiến giáo trình này sẽ được đưa vào chương trình đào tạo nghiệp vụ cho cán bộ, công chức trong toàn hệ thống Hải quan.
Không chỉ vậy, Cục Điều tra chống buôn lậu còn chủ động tham mưu cho lãnh đạo Tổng cục Hải quan phối hợp với các bộ, ngành trong công tác phòng, chống rửa tiền. Nhất là hợp lực cùng với Cục phòng, chống rửa tiền – Cơ quan Thanh tra Giám sát ngân hàng (NHNN) trong xây dựng quy chế phối hợp trao đổi cung cấp thông tin về phòng, chống rửa tiền giữa hai cơ quan Tổng cục Hải quan và Cơ quan Thanh tra Giám sát ngân hàng. Đến nay, bước đầu đã tạo lập được mạng lưới liên kết và cơ bản có sự trao đổi thông tin thường xuyên giữa hai cơ quan. Ngành Hải quan cũng đã cung cấp cho Cục Phòng, chống rửa tiền danh sách các cá nhân nhập cảnh vào Việt Nam mang theo số lượng ngoại tệ lớn; Cung cấp số liệu liên quan đến cá nhân tổ chức có hoạt động xuất nhập khẩu, vận chuyển tiền qua biên giới…
Triển khai kế hoạch hành động
Ngành Hải quan đã và đang xây dựng và triển khai kế hoạch tuyên truyền phòng, chống rửa tiền, chống tài trợ khủng bố, đồng thời thiết kế cho in tờ rơi, poster cảnh báo về hành vi rửa tiền, tội rửa tiền. Đến nay, cơ bản đã hình thành mạng lưới kết nối, trao đổi thông tin giữa Cục Điều tra chống buôn lậu với các cục/chi cục hải quan tỉnh/thành phố trong việc tăng cường các biện pháp nghiệp vụ điều tra, xác định các đầu mối nghi vấn buôn bán, vận chuyển tiền qua biên giới để chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng liên quan có kế hoạch phòng, chống và xử lý. Một số cục hải quan tỉnh, thành phố cũng đã thành lập đội kiểm sát phòng, chống ma túy và đã bắt giữ được nhiều vụ ma túy lớn, phòng, chống rửa tiền, tài trợ khủng bố, khủng bố…
Theo đó, tại các cảng biển, cửa khẩu đường bộ, đường sắt liên vận quốc tế, các đơn vị tập trung nắm bắt tình hình, tăng cường kiểm tra kiểm soát đối với hàng hóa xuất nhập khẩu, quá cảnh, tạm nhập tái xuất; Hành khách xuất cảnh, nhập cảnh là người nước ngoài thường xuyên qua lại biên giới và các đối tượng khác có dấu hiệu nghi vấn mang theo tiền với số lượng lớn nhằm mục đích rửa tiền, tài trợ cho khủng bố; hoặc vận chuyển trái phép qua biên giới.
Tại cửa khẩu hàng không, lực lượng hải quan cũng đã đẩy mạnh công tác hoạt động kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ đối với các hành khách nhập cảnh là người nước ngoài, Việt kiều hồi hương và các đối tượng khả nghi; Đề phòng các đối tượng mang theo vũ khí, sách báo tài liệu phản động…; Tổ chức theo dõi các đối tượng có dấu hiệu lợi dụng xuất nhập khẩu hàng hóa để thực hiện hành vi gian lận thương mại, kê khai sai mã hàng hóa, khai sai số lượng, trọng lượng nhằm mục đích rửa tiền hoặc lợi dụng đầu tư, gia công liên doanh để rửa tiền.
Các đơn vị nghiệp vụ trực thuộc các cục hải quan tỉnh/thành phố cũng tăng cường công tác thu thập, xử lý thông tin nghiệp vụ hải quan, quản lý rủi ro đối với các hoạt động của doanh nghiệp kinh doanh hàng hóa xuất nhập khẩu; Chú ý đến các mặt hàng có giá trị cao và sử dụng ngoại tệ trong giao dịch; Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài thường xuyên nhập khẩu hàng hóa tạo tài sản cố định; Tổng hợp thông tin về hành khách nhập cảnh mang theo số ngoại tệ lớn trên 100.000 USD.
Tính đến cuối năm 2013, toàn ngành Hải quan đã bắt giữ, xử lý 10 vụ mang ngoại tệ, vàng vượt định mức không khai báo với số tiền vi phạm là 57.020 USD và 105,33 lượng vàng… Ra quyết định khởi tố vụ án hình sự đối với 1 vụ, xử phạt vi phạm hành chính với tổng số tiền phạt 204,5 triệu đồng. Trong đó, chỉ riêng Chi cục Hải quan sân bay quốc tế Đà Nẵng (Hải quan Đà Nẵng) đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính với tổng số tiền 85 triệu đồng đối với 2 trường hợp hành khách xuất cảnh, quốc tịch Trung Quốc mang ngoại tệ vượt định mức không khai báo tổng cộng 289.000 đô la Hồng Kông. Cục Hải quan An Giang phát hiện, bắt giữ 6 vụ, trong đó có 3 vụ vận chuyển trái phép tiền Việt Nam và USD bao gồm 226 triệu đồng, 15.150 USD, phạt vi phạm hành chính 60 triệu đồng và tịch thu tang vật vi phạm; Chuyển hồ sơ cho công an tỉnh An Giang tiếp tục điều tra 1 vụ xuất lậu 105,33 lượng vàng nữ trang hàm lượng 60%...
Ông Ngô Ngọc Khuê cho biết, nối tiếp kết quả trên, trong những tháng cuối năm 2014, Cục Điều tra chống buôn lậu sẽ tiếp tục đôn đốc các cục/chi cục hải quan tỉnh/thành phố tập trung nguồn lực thực hiện Kế hoạch hành động quốc gia về phòng, chống rửa tiền và chống tài trợ khủng bố theo Quyết định số 1560/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và Kế hoạch phòng, chống rửa tiền giai đoạn 2012- 2015 đạt hiệu quả.
Bên cạnh đó, tăng cường phối hợp với các cơ quan liên quan (NHNN, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Công Thương…) trao đổi thông tin, phối hợp điều tra, bắt giữ và xử lý các vụ việc liên quan đến công tác phòng, chống rửa tiền và tội phạm rửa tiền. Đặc biệt, nâng cao hơn nữa công tác phối hợp với UNDOC, Đại sứ quán Hoa Kỳ trong việc tổ chức các khóa tập huấn nghiệp vụ phòng, chống rửa tiền và chống tài trợ khủng bố cho các cán bộ hải quan ở các tỉnh/ thành phố, cửa khẩu trọng điểm. Dự kiến trong tháng 8/2014, đơn vị sẽ phối hợp với UNDOC tổ chức 4 khóa đào tạo về nghiệp vụ phòng, chống rửa tiền qua biên giới cho lực lượng hải quan tại Lào Cai, Quảng Ninh, Thừa Thiên Huế và Cần Thơ… nhằm đẩy mạnh hơn nữa công tác phòng chống rửa tiền, chống tài trợ khủng bố trong toàn hệ thống.
Bài đăng trên Tài chính & Đầu tư số 7 - 2014