Thiết lập tầm nhìn lãnh đạo doanh nghiệp

Dương Thị Thúy Nương - Trường Đại học Thương mại

Thông điệp tầm nhìn được xem là một công cụ lãnh đạo hữu hiệu. Với một tầm nhìn đúng đắn, được mọi người trong tổ chức chia sẻ, lãnh đạo doanh nghiệp có thể thu phục được các thành viên trong doanh nghiệp cùng đồng lòng vượt qua những khó khăn, thách thức, đưa doanh nghiệp chinh phục những thành tựu đỉnh cao. Tầm nhìn được thiết lập thông qua các yếu tố: Giá trị cốt lõi, mục đích và sứ mạng của doanh nghiệp.

Ảnh minh hoạ. Nguồn: Internet
Ảnh minh hoạ. Nguồn: Internet

Đặt vấn đề

Tầm nhìn lãnh đạo doanh nghiệp thường hướng đến khai thác tiềm năng phát triển của tổ chức. Chẳng hạn “tăng trưởng đạt doanh thu gấp đôi sau 3 năm”, hay “trở thành doanh nghiệp dẫn đầu ngành về thị phần sau 3 năm”. Tầm nhìn chính là mục tiêu, là định hướng hoạt động cho tổ chức. Nội dung tầm nhìn là cơ sở để lãnh đạo doanh nghiệp dựa vào đó mà triển khai thành những chiến lược nhằm phát triển hay cải thiện hiệu quả hoạt động của tổ chức. Có thể nói, tầm nhìn là điểm giao nhau giữa những gì là tiềm năng doanh nghiệp và năng lực tối đa mà lãnh đạo có thể đạt được.

Tầm nhìn thể hiện tiềm năng phát triển của một tổ chức mà lãnh đạo doanh nghiệp có thể hình dung được. Khi lãnh đạo doanh nghiệp đưa ra một tầm nhìn đối với một tổ chức, điều đó chứng tỏ sự hiểu biết của lãnh đạo doanh nghiệp về tổ chức (hay doanh nghiệp).

Theo đó, lãnh đạo doanh nghiệp nhìn thấy những điểm thuận lợi cũng như những mặt hạn chế, yếu kém của tổ chức song với tầm nhìn được đưa ra, khi nhà lãnh đạo tin vào khả năng dẫn dắt và xử lý để dẫn dắt tổ chức có thể phát triển và hoạt động hiệu quả hơn. Tầm nhìn của lãnh đạo doanh nghiệp cũng có thể hướng đến cải thiện hiệu quả hoạt động hay nhằm tháo gỡ những hạn chế mà vì những hạn chế đó, doanh nghiệp đã nhiều năm không phát triển được.

Lợi ích của tầm nhìn

Trách nhiệm hàng đầu của một lãnh đạo doanh nghiệp là thiết lập được tầm nhìn chung rõ ràng cho toàn tổ chức và đảm bảo luôn cam kết và theo đuổi tầm nhìn một cách mạnh mẽ. Truyền dẫn tầm nhìn bền vững trong tổ chức là một nhiệm vụ đầy thử thách nhưng tầm nhìn là yếu tố thiết yếu để đạt đến tầm vóc vĩ đại cho tổ chức. Một điều chắc chắn là nếu muốn xây dựng một tổ chức phát triển bền vững thì phải có tầm nhìn.

Tầm nhìn là nền tảng cho những nỗ lực của con người

Bản chất con người luôn hướng tới các giá trị, lý tưởng, ước mơ và những thách thức thú vị. Các thành viên sẽ cố gắng để sống đúng với lý tưởng của doanh nghiệp, của nhóm, của xã hội nếu những lý tưởng đó được chia sẻ và xứng đáng được tôn trọng. Nhà lãnh đạo xây dựng tổ chức dựa trên một bộ khung các giá trị, niềm tin đúng đắn và sứ mạng thuyết phục, điều đó góp phần đặt nền móng cho nỗ lực phi thường của con người. Đa số mọi người đều muốn làm được nhiều hơn là chỉ làm để nhận lương. Họ muốn có công việc mà họ tin yêu và có ý nghĩa.

Người nhân viên sẽ tự có động lực khi làm một việc mà họ đặt hoàn toàn niềm tin vào đó. Động lực lệ thuộc rất lớn vào mức độ mà các cá nhân có thể đặt công việc của mình vào một mục đích chung lớn hơn. Điều này cũng áp dụng cho cả những công việc mang tính nhàm chán lặp lại. Một mục đích định hướng chung, khi được diễn đạt rõ ràng, có sức mạnh rất lớn đến mức có thể trở thành xương sống tạo động lực cho cả tổ chức.

Tầm nhìn là bối cảnh cho chiến lược và các quyết định chiến thuật

Tầm nhìn doanh nghiệp là bối cảnh cho tất cả mọi thành viên tại mọi cấp độ có thể đưa ra quyết định. Tầm nhìn chung cũng giống như cầm trong tay một chiếc la bàn và đích đến ở phía xa. Nếu lãnh đạo doanh nghiệp trao cho một nhóm người chiếc la bàn và chỉ cho họ đích đến, song với hướng đi từ chiếc la bàn, đích đến rõ ràng, và niềm tin hướng đến một đích đến xứng đáng, thế nào rồi họ cũng đạt mục tiêu.

Ngược lại, những tổ chức không có một mục đích khái quát chung thì không có một bối cảnh, và nhân viên sẽ bị thiếu định hướng để đi đến đích. Những tổ chức như vậy chỉ có thể phản ứng khi khủng hoảng và cơ hội kinh doanh xuất hiện, không thể chủ động đưa ra quyết định nhất quán với những gì tổ chức đang cố gắng hướng đến.

Không thể có chiến lược nếu chưa thiết lập tầm nhìn. Chiến lược là phương án được doanh nghiệp dự kiến thực hiện để đạt mục đích cuối cùng. Nó là phương tiện dẫn đến đích. Do đó, không thể có chiến lược hiệu quả nếu lãnh đạo doanh nghiệp còn chưa rõ về đích đến. Chiến lược là con đường đạt đến tầm nhìn của tổ chức bởi sẽ không thể biết cách đến đích nếu như lãnh đạo doanh nghiệp chưa thể diễn đạt đích ở nơi đâu. Hầu hết tổ chức còn thiếu một tầm nhìn rõ ràng và bị lôi kéo đưa đẩy bởi khủng hoảng, cạnh tranh, và các quyết định chiến thuật khác. Tầm nhìn nên tạo ra chiến lược, và từ chiến lược tạo ra chiến thuật, chứ không phải ngược lại. Trong hầu như tất cả mọi doanh nghiệp đang gặp vấn đề nghiêm trọng về công tác tổ chức, thì một trong những nguyên nhân gốc rễ là do thiếu tầm nhìn rõ ràng.

Tầm nhìn chung tạo ra sự thống nhất

Nếu không có tầm nhìn chung, bất cứ doanh nghiệp nào cũng dễ dàng bị phân mảnh. Những bất đồng trong kế hoạch, xây dựng thế lực riêng, và hiềm khích chính trị trở nên phổ biến; những mâu thuẫn nội bộ hút mất nguồn năng lượng của nhân viên, thay vì hướng đến mục đích chung và đóng góp thêm mạnh mẽ cho toàn thể tổ chức. Theo đó, lãnh đạo doanh nghiệp sẽ khó khăn trong duy trì tinh thần tập thể mạnh mẽ và tích cực. Tổ chức khi thành lập thường có mục đích rõ ràng và sống động. Tuy nhiên, tổ chức khi tăng trưởng thường phải đối diện với việc tăng cường thể chế và những mâu thuẫn làm dập tắt đi ngọn lửa và tinh thần, lý tưởng ban đầu của doanh nghiệp.

Khi doanh nghiệp bắt đầu xuất hiện từng đợt đấu đá nội bộ gây hại, kèm theo những phe phái bí mật giữa những người chủ chốt để đối đầu lẫu nhau, doanh nghiệp có thể đối mặt với việc bị bán đi với mức giá thấp cho một tập đoàn lớn. Một khi nhân viên đánh mất mục đích chung, họ chỉ dùng nguồn năng lượng sáng tạo cho những trận chiến nội bộ, thay vì tập trung chiến thắng trên thị trường.

Ngược lại, cũng từng có những tổ chức đang đứng bên bờ phá sản đã đoàn kết bằng một mục đích chung và vượt qua được các trở ngại. Vấn đề là làm thế nào khơi dậy được sức sáng tạo cá nhân và đồng thời, đưa tất cả mọi người đi theo cùng một hướng thống nhất. Tầm nhìn chính là sợi dây kết nối đó. Nếu tất cả mọi người trong tổ chức đều có chung một ngôi sao dẫn đường - tầm nhìn chung, họ có thể tách nhau ra trên hàng trăm chiếc thuyền con, dù độc lập nhưng vẫn chèo về cùng một hướng.

Tầm nhìn là nền tảng cho tổ chức phát triển

Trong những giai đoạn đầu của một doanh nghiệp, tầm nhìn xuất phát trực tiếp từ những lãnh đạo doanh nghiệp đầu tiên (nó gần như là tầm nhìn cá nhân của các lãnh đạo). Tuy nhiên, để thành công và phát triển bền vững, tổ chức phải phát triển vượt qua sự lệ thuộc quá mức vào một hay vài cá nhân chủ chốt. Tầm nhìn phải được chia sẻ như một cộng đồng chứ không chỉ kết nối với một vài cá nhân nhất định đang điều hành tổ chức.

Xây dựng một tổ chức có tầm nhìn (thay vì một tổ chức có một lãnh đạo có tầm nhìn là bệ đỡ cho mọi việc) là điều khó khăn với nhiều lãnh đạo doanh nghiệp. Lãnh đạo doanh nghiệp có tầm nhìn thật sự là người đưa tầm nhìn trở thành tài sản của toàn thể doanh nghiệp và lan tỏa nó theo một cách khiến nó vẫn vững vàng và nguyên vẹn dù lãnh đạo doanh nghiệp đã từ lâu không còn tham gia vào các hoạt động hằng ngày.

Thiết lập tầm nhìn cho doanh nghiệp

Tầm nhìn gợi lên nhiều hình ảnh khác nhau như: những thành tựu vượt bậc, những giá trị và niềm tin bền vững kết nối mọi người trong xã hội, mục tiêu táo bạo, hấp dẫn có thể khích lệ các thành viên, lý do cho sự tồn tại của tổ chức hay một điều gì đó có sức lôi kéo lớn. Tầm nhìn mang theo nó một cảm giác tốt đẹp và có ý nghĩa. Do đó, tầm nhìn là yếu tố thiết yếu để tổ chức đi đến thành công bền vững.

Bảng 1: Xây dựng các yếu tố tầm nhìn

Giá trị cốt lõi

Mục đích

Sứ mạng

Hệ thống các nguyên tắc, chuẩn mực, triết lý kinh doanh

Lý do tồn tại của tổ chức

Đặt ra mục tiêu quyết liệt, mạnh mẽ

Kiên định với các nguyên tắc

Phát triển từ giá trị cốt lõi

Xác định khung thời gian hoàn thành

Mở rộng về giá trị cốt lõi

Tiếp tục định hướng chiến lược trong thời gian dài

Xây dựng sứ mạng mới

Nguồn: Tác giả tổng hợp

Yếu tố giá trị cốt lõi

Giá trị cốt lõi và niềm tin là khởi đầu của tầm nhìn. Giá trị cốt lõi và niềm tin có tác dụng lan tỏa – bao trùm lấy các quyết định, chính sách, và hoạt động – trong mọi giai đoạn phát triển của doanh nghiệp. Một số doanh nghiệp gọi đây là triết lý định hướng phát triển.

Giá trị cốt lõi và niềm tin hình thành một hệ thống các nguyên tắc, cách tiến hành các hoạt động kinh doanh, quan điểm về nhân loại, vai trò trong xã hội, cách thế giới vận hành, điều gì cần được giữ không thể xâm phạm. Giá trị cốt lõi và niềm tin lúc nào cũng có vai trò như một thế lực định hình cho định hướng phát triển của doanh nghiệp.

Yếu tố mục đích

Mục đích, thành phần cơ bản thứ hai của tầm nhìn là sự phát triển từ giá trị cốt lõi và niềm tin của tổ chức. Mục đích là nguyên nhân căn bản lý giải sự tồn tại của tổ chức. Mục đích của tổ chức phải khớp với mục đích cá nhân mà lãnh đạo và các thành viên khác trong tổ chức đang cảm nhận tận trong sâu thẳm, và do đó mang lại ý nghĩa cho công việc.

Một khía cạnh quan trọng của mục đích là sự dốc sức vận động tiến tới, nhưng không bao giờ hoàn toàn đạt đến, cũng giống như khi con người theo đuổi đường chân trời hay dõi theo ngôi sao dẫn đường.

Mục đích đối với một tổ chức cũng có vai trò tạo động lực tương tự. Mục đích của tổ chức cần được diễn đạt một cách gãy gọn, chỉ trong vòng một đến hai câu. Đó gọi là “Tuyên ngôn về mục đích”. Tuyên ngôn về mục đích cần truyền tải nhanh gọn và rõ ràng lý do tồn tại của tổ chức và cách thức đáp ứng nhu cầu căn bản của các thành viên. Một tuyên ngôn về mục đích hay thường khoáng đạt, cơ bản, truyền cảm hứng, và mang giá trị bền vững; đồng thời có khả năng định hướng cho tổ chức trong khoảng vài chục năm.

Khi diễn đạt về mục đích, không nên phạm sai lầm là chỉ đơn giản viết ra một lời miêu tả cụ thể về dòng sản phẩm hay phân khúc khách hàng hiện tại. Chẳng hạn, “Chúng tôi có mặt để làm ra máy tính cho nhân viên văn phòng” không phải là một câu tuyên ngôn mục đích hay. Nó không đủ sức thuyết phục, cũng không đủ linh hoạt để duy trì suốt một thời gian dài. Nó chỉ đơn giản là lời miêu tả hoạt động cụ thể của doanh nghiệp trong hiện tại.

Quá trình đặt ra nhiều lớp câu hỏi “tại sao” rất hữu ích để đi đến mục đích. Một câu hỏi “tại sao” có ý nghĩa to lớn là: “Tại sao chúng ta tiếp tục tồn tại?” Một cách tiếp cận mạnh mẽ khác là bắt đầu bằng tuyên bố. “Chúng tôi làm ra sản phẩm X” và sau đó đặt câu hỏi “tại sao” 5 lần. Sau khi trả lời được 5 lý do tại sao, lãnh đạo doanh nghiệp sẽ thấy thấu hiểu được mục đích căn cơ của doanh nghiệp. Và khi đã được làm rõ mục đích, nó trở thành câu hỏi cho mọi quyết định: đây có phải là hành động nhất quán với mục đích của doanh nghiệp?

Mục đích là yếu tố tạo động lực, không phải là yếu tố tạo khác biệt. Hai tổ chức hoàn toàn có khả năng có cùng mục đích. Mục đích không cần phải độc nhất. Ngược lại, sứ mạng của doanh nghiệp chắc chắn sẽ tạo cho doanh nghiệp sự khác biệt.

Yếu tố sứ mạng

Sứ mạng, phần chủ đạo thứ ba trong một tầm nhìn doanh nghiệp hiệu quả, là mục tiêu chung rõ ràng và thuyết phục làm trọng tâm cho mọi nỗ lực. Khác với mục đích là không bao giờ chạm tới được, sứ mạng phải nắm trong tầm tay. Nó diễn giải các giá trị và mục đích thành các mục tiêu tập trung. Khi sứ mạng đã hoàn thành, tổ chức cần quay lại mục đích để đặt ra một sứ mạng mới.

Mục đích là ngôi sao dẫn đường, có thể không bao giờ đạt đến nhưng lúc nào cũng kéo tổ chức hướng về phía trước. Sứ mạng là ngọn núi cụ thể mà tổ chức đang đứng trên đó tại một thời điểm. Một sứ mạng hợp lý phải có điểm kết thúc và phải thỏa mãn được một tiêu chí bao trùm – đó là phải thuyết phục. Một sứ mạng tốt nên khó đạt được và cũng có thể là rủi ro. Sẽ có rủi ro rằng tổ chức gặp nhiều thách thức và thất bại, đi kèm theo niềm tin đối nghịch là dù thế nào lãnh đạo doanh nghiệp vẫn tiếp tục theo đuổi. Chính điều này giúp nó trở thành sứ mạng thật sự.

Nếu lãnh đạo doanh nghiệp trình bày một sứ mạng tốt nhưng lại không phản ánh trung thực mục tiêu thật sự của tổ chức, điều này không bao giờ hiệu quả, nếu không muốn nói là phản tác dụng. Cần nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc có bộ khung thời gian định rõ trong sứ mạng. Một cách tiếp cận khác là đặt ra mục tiêu đưa tổ chức đạt một tầm cao hoàn toàn mới về uy tín, thành công thống lĩnh hay vị thế trong ngành.

Mục tiêu ở đây không chỉ là một chỉ tiêu chính xác, mà là tạo ra một chỉ tiêu tạo được sự hào hứng cho các thành viên trong tổ chức.Vậy sứ mạng nên hướng tới tương lai bao xa? Nên chăng đó là việc có thể hoàn tất trong vòng 6 tháng? Một năm? Ba năm? Mười năm? Không có câu trả lời cụ thể. Có những sứ mạng mất 30 năm mới hoàn tất. Có những sứ mạng chỉ cần dưới 1 năm. Một quy luật chung là 10 - 25 năm, hay lâu hơn nữa nếu sứ mạng là một việc cực kỳ thách thức. Cho dù đặt sứ mạng trong khung thời gian nào, lãnh đạo doanh nghiệp cũng cần nhận ra khi nó đã được hoàn tất, và quan trọng nhất, cần đặt ra một sứ mạng mới.

Để hiệu quả, tầm nhìn phải thỏa mãn 2 tiêu chí chính: nó phải rõ ràng (được thấu hiểu) và thống nhất bởi tất cả mọi nhân vật chủ chốt trong tổ chức. Như vậy, tầm nhìn nên được chỉ đạo từ trên xuống hay nên đúc kết sau một quá trình thảo luận tập thể. Điểm bất lợi của một tầm nhìn được chỉ đạo từ trên xuống, mặc dù nó thường rõ ràng, nó lại không thường được thống nhất rộng rãi. Ngược lại, một tầm nhìn đúc kết qua quá trình thảo luận tập thể có thể bị biến tướng, thiếu sự rõ ràng và nhiệt huyết. Mỗi tổ chức, trong bối cảnh với những cách làm và ứng xử khác nhau, cần tự mình đưa ra kết luận phù hợp. Không có một câu trả lời nào đúng hết cho mọi trường hợp.

Điều quan trọng là lãnh đạo doanh nghiệp cần thiết lập một tầm nhìn rõ ràng và thống nhất cho tổ chức và đảm bảo luôn cam kết theo đuổi quyết liệt tầm nhìn đó. Có như vậy, lãnh đạo doanh nghiệp mới làm tốt chức năng của mình.

Kết luận

Một trong những chức năng chính của tầm nhìn tổ chức là tạo ra ý nghĩa, nó là nguồn động lực thúc đẩy nỗ lực phi thường của nhân viên. Một tầm nhìn rõ ràng và thuyết phục là thiết yếu để người ta nhìn ra tầm quan trọng của công việc. Lãnh đạo doanh nghiệp cần lưu ý rằng, một trong những thành tố của tầm nhìn tốt là bộ giá trị cốt lõi và niềm tin, bộ nguyên tắc dẫn dắt và huấn luyện. Bộ giá trị cốt lõi làm nền tảng cho tầm nhìn có vai trò cơ bản trong việc định hướng hành vi hàng ngày và tiêu chuẩn cho các thành viên trong mọi doanh nghiệp.

Tài liệu tham khảo:

  1. A. Lashinsky, “How Apple Works: Inside the World’s Biggest Startup,” http://fortune; .com/2011/05/09/inside-apple/, May 9, 2011;
  2. J. G. Hunt, K. B. Boal, and G. E. Dodge, “The Effects of Visionary and Crisis-Responsive Charisma on Followers: An Experimental Examination,” Leadership Quarterly, Fall 1999, 423–48;
  3. J. Nocera, “What Makes Steve Jobs Great,” New York Times Online, August 26, 2011;
  4. This definition is based on M.Sashkin, “The Visionary Leader,” in Conger and Kanungo et al., Charismatic Leadership, 124–25; B. Nanus, Visionary Leadership (New York: Free Press, 1992), 8; N. H. Snyder and M. Graves, “Leadership and Vision,” Business Horizons, January–February 1994, 1; and J. R. Lucas, “Anatomy of a Vision Statement,” Management Review, February 1998, 22–26;
  5. M. Thompson and B. Tracy, “Building a Great Organization,” Leader to Leader, Fall 2010, 45–49;
  6. SmartPulse, “Which of These Characteristics Is the Most Dangerous Leadership Trait?” www .smartbrief.com/leadership, July 1, 2014;
  7. W. Isaacson, “The Real Leadership Lessons of Steve Jobs,” https://hbr.org/2012/04/the-realleadership-lessons-of-steve-jobs, April 2012.