Thỏa thuận RCEP sẽ mang lại lợi ích cho tất cả các bên
Các nước tham gia RCEP có các mối quan hệ kinh tế và nhân khẩu học chặt chẽ, điều này có thể mang lại kết quả tích cực cho các mục tiêu của khối kinh tế này.
Chủ tịch Ủy ban thương mại Singapore thuộc Phòng Thương mại và Công nghiệp Indonesia (KADIN) Michael Gautama đánh giá Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) là một thỏa thuận thương mại vô cùng quan trọng.
Tiến sỹ Michael đánh giá RCEP là một ý tưởng tốt và sẽ mang lại lợi ích cho người dân, cho các quốc gia và cho các ngành công nghiệp. Ông cũng bày tỏ tin tưởng rằng thỏa thuận này sẽ được ký kết vào tháng 11 tới để tạo thành một khối kinh tế rất lớn.
Trong khi đó, Chủ tịch Ủy ban Thương mại Campuchia, Lào, Myanmar, Việt Nam (CLMV) thuộc KADIN, ông Juan Gondokusumo đánh giá cao mục tiêu và tinh thần của RCEP, đồng thời tin tưởng rằng thỏa thuận đa phương này sẽ được hoàn tất vào cuối năm nay theo đúng lịch trình.
Ông Juan nhấn mạnh rằng RCEP sẽ là một thỏa thuận thương mại “có giá trị gia tăng cao” hoặc có thể được gọi là một “WTO+” đối với các quốc gia thành viên nhằm đạt được mối quan hệ đối tác kinh tế toàn diện, bao trùm nhiều vấn đề như thương mại, đầu tư, hợp tác công nghệ, quyền sở hữu trí tuệ, cạnh tranh, thương mại điện tử và giải quyết tranh chấp.
Về kỳ vọng của Indonesia vào RCEP, Chủ tịch Ủy ban CLMV của KADIN khẳng định Jakarta mong muốn thỏa thuận này sẽ giúp gia tăng xuất khẩu và đầu tư trong bối cảnh chiến tranh thương mại và đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19.
Ông Juan cho rằng các nước tham gia RCEP có các mối quan hệ kinh tế và nhân khẩu học chặt chẽ, điều này có thể mang lại kết quả tích cực cho các mục tiêu của khối kinh tế này.
Chia sẻ quan điểm này, Tiến sỹ Michael Gautama đánh giá khối kinh tế RCEP không chỉ gần gũi về mặt địa lý mà còn gần gũi về mặt văn hóa. Sự gần gũi về văn hóa đồng nghĩa với việc dễ dàng giao thương với nhau hơn.
Theo ông Michael, việc hình thành nhóm đa phương này xuất phát từ nhiều lý do và mang lại kỳ vọng rất lớn. Thứ nhất, RCEP sẽ gia tăng lợi ích kinh tế và giúp mở rộng thị trường. Thứ hai, thỏa thuận này được thúc đẩy bởi các yếu tố chính trị, nhân khẩu học, cấu trúc văn hóa và xã hội.
Chủ tịch Ủy ban Thương mại Singapore của KADIN đánh giá Việt Nam và Indonesia có nhiều điểm tương đồng, cả về lực lượng lao động, về kinh tế và về cơ cấu sản phẩm. Hiện giá trị trao đổi thương mại hai chiều chưa cao song có nhiều lĩnh vực mà hai nước có thể hợp tác cùng nhau, ví dụ nông nghiệp.
Indonesia có ngành công nghiệp cọ dầu rất tiên tiến, trong khi Việt Nam có năng suất khai thác đất cao và là quốc gia xuất khẩu gạo lớn của thế giới.
Tuy nhiên, trong tương lai, hai nước không thể dựa vào các công nghệ đã có từ 30 năm trước mà cần phát triển nông nghiệp công nghệ cao. Đây là một ngành công nghiệp lớn mà châu Âu đang bắt đầu phát triển và cũng là lĩnh vực mà Indonesia và Việt Nam có thể hợp tác.
Bên cạnh đó, còn nhiều lĩnh vực mà hai nước có thể hợp tác và gia tăng giá trị trao đổi thương mại. Ví dụ, hai nước có thể hợp tác, đầu tư công nghệ chế biến các sản phẩm từ tổ yến nhằm xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc.
Để chuẩn bị khai thác tốt nhất cũng như giảm thiểu các tác động từ RCEP, KADIN thường xuyên phổ biến thông tin về hiệp định này cho các hiệp hội thành viên. Một khi RCEP được ký kết, cơ quan này sẽ tăng cường hơn nữa các nỗ lực tuyên truyền, phổ biến về thỏa thuận.
Ngoài ra, KADIN cũng đang hợp tác chặt chẽ với phòng thương mại và công nghiệp của các nước RCEP nhằm nắm bắt và thông tin tới các thành viên của mình về các diễn biến mới nhất trong quá trình đàm phán.