Thoái vốn mới đạt 30% về số lượng, 8% về giá trị so với kế hoạch đề ra


Theo Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính), công tác triển khai thoái vốn nhà nước theo kế hoạch giai đoạn 2016-2020 đến nay rất chậm, mới đạt 30% về số lượng và 8% về giá trị so với kế hoạch được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Mới đạt 30% về số lượng và 8% về giá trị thoái vốn so với kế hoạch

Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 908/QĐ-TTg ngày 29/6/2020 phê duyệt danh mục có vốn nhà nước thực hiện thoái vốn đến hết năm 2020. Theo đó, cơ quan đại diện chủ sở hữu sẽ thực hiện thoái vốn tại 120 doanh nghiệp; Bộ Xây dựng thoái vốn tại 04 tổng công ty đến trước ngày 30/11/2020, nếu không hoàn thành sẽ chuyển giao sang SCIC để thực hiện thoái vốn; Chuyển giao 14 doanh nghiệp về Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) để thực hiện thoái vốn (đã hoàn thành chuyển giao 07 doanh nghiệp trong tháng 9/2020, còn lại 07 doanh nghiệp); 18 doanh nghiệp thực hiện thoái vốn theo chỉ đạo riêng của Thủ tướng Chính phủ.

Theo Cục Tài chính doanh nghiệp, đến nay đã hoàn thành chuyển giao phần vốn nhà nước tại 07 tổng công ty với tổng giá trị phần vốn nhà nước chuyển giao là là 8.305,8 tỷ đồng về SCIC để thực hiện thoái vốn theo Quyết định số 908/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Trong tháng 11/2020, Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam thoái vốn tại 01 doanh nghiệp với giá trị 1,6 tỷ đồng, thu về 2,9 tỷ đồng. SCIC thoái vốn tại CTCP Chăn nuôi Tiền Giang với giá trị 49,8 tỷ đồng, thu về 105,3 tỷ đồng; thoái vốn nhà nước tại Công ty CP Công trình đô thị Nam Định với giá trị 2,7 tỷ đồng, thu về 4,4 tỷ đồng. Lũy kế trong 11 tháng đầu năm 2020, cả nước đã thoái được 979 tỷ đồng, thu về 2.031 tỷ đồng.

Cục Tài chính doanh nghiệp cho biết, lũy kế tổng số thoái vốn từ năm 2016 – tháng 11/2020 là 25.749 tỷ đồng, thu về 173.103 tỷ đồng. Trong đó, thoái vốn nhà nước tại 103 đơn vị thuộc Quyết định số 1232/QĐ-TTg ngày 17/8/2017 của Thủ tướng Chính phủ với giá trị 4.966 tỷ đồng, thu về 9.647 tỷ đồng (đạt 30% về số lượng và 8% về giá trị so với kế hoạch được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt).

Thoái vốn nhà nước tại các doanh nghiệp ngoài danh mục theo Quyết định số 1232/QĐ-TTg đạt 3.785 tỷ đồng vốn nhà nước, thu về 110.392 tỷ đồng (bao gồm khoản thoái 3.436 tỷ đồng, thu về 109.965 tỷ đồng tại Sabeco); các tập đoàn, tổng công ty nhà nước thực hiện thoái 16.996 tỷ đồng, thu về 53.063 tỷ đồng.

Như vậy, tình hình thoái vốn trong giai đoạn 2016-2019 và 11 tháng đầu năm 2020 là chậm, do đó việc triển khai thực hiện thoái vốn đối với các doanh nghiệp theo kế hoạch trong tháng 12/2020 là khó khả thi. 

Gắn trách nhiệm của người đứng đầu trong thực hiện 

Một trong những nguyên nhân chậm thoái vốn được chỉ ra đó là nhiều doanh nghiệp nhà nước không muốn thoái vốn khỏi những ngành, lĩnh vực phát triển mạnh, có tỷ suất sinh lời cao làm cho tiến độ thoái vốn chậm lại. Thêm vào đó, một số đơn vị thuộc diện thoái vốn đang bị cơ quan bảo vệ pháp luật thực hiện thanh tra, kiểm tra, điều tra vì vi phạm các quy định về quản lý sử dụng vốn nhà nước theo quy định hiện hành cũng làm ảnh hướng đến tiến độ thoái vốn nhà nước.

Công tác thoái vốn, cổ phần hoá thời gian qua được lãnh đạo Chính phủ hết sức quan tâm. Lãnh đạo Chính phủ từng chỉ rõ, vẫn có tình trạng các bộ, ngành, địa phương còn gặp vướng mắc trong triển khai thực hiện một số nội dung về sắp xếp, phê duyệt phương án sử dụng đất, xác định giá trị doanh nghiệp, phần vốn để cổ phần hoá, thoái vốn tại các quy định.

Đặc biệt, vẫn còn hiện tượng không dám làm, không dám chịu trách nhiệm, viện dẫn vào các khó khăn vướng mắc để chậm hoặc không thực hiện, chưa xem xét đúng trách nhiệm của người đứng đầu các doanh nghiệp thực hiện chậm cổ phần hoá, chuyển giao về SCIC, thoái vốn, niêm yết trên sàn chứng khoán…

Để đẩy nhanh công tác thoái vốn nhà nước, Bộ Tài chính kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại các doanh nghiệp có vốn nhà nước phải thực hiện thoái vốn trong năm 2020 triển khai công tác thoái vốn theo quy định, kịp thời báo cáo cơ quan có thẩm quyền để tổng hợp, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quy định đối với các trường hợp thoái vốn gặp khó khăn, vướng mắc để điều chỉnh cho phù hợp.

Theo Bộ Tài chính, cần lựa chọn thời điểm phù hợp để thực hiện bán cổ phần lần đầu (đối với các doanh nghiệp cổ phần hóa) và thoái vốn, không thực hiện bán cổ phần, thoái vốn bằng mọi giá để đảm bảo quyền lợi của Nhà nước, trong trường hợp cần thiết, cần phải giảm chi đầu tư từ nguồn cổ phần hóa, thoái vốn doanh nghiệp để đảm bảo cân đối ngân sách nhà nước.

Người đứng đầu các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương cần chỉ đạo quyết liệt trong việc triển khai công tác cổ phần hóa, thoái vốn, cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước theo kế hoạch đã đề ra.

Đồng thời, gắn trách nhiệm người đứng đầu với kết quả triển khai công tác cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước, chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ khi không hoàn thành nhiệm vụ theo kế hoạch được Thủ tướng Chính phủ đã giao. Thường xuyên đôn đốc, giám sát, kịp thời tháo gỡ hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai công tác cổ phần hóa, thoái vốn.