Thời của “tăng trưởng xanh”

Minh Lê

TCTC Online - Cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu gây ra không ít bi kịch xã hội nhưng cũng thúc đẩy hai xu thế: hình thành trật tự chính trị - kinh tế thế giới mới và sự tăng tốc của cuộc cách mạng “tăng trưởng xanh". Khi cơn bão khủng hoảng tài chính toàn cầu đang dần lắng dịu, một số quốc gia đã xác định đầu tư khắc phục khủng hoảng là đầu tư cho nền kinh tế xanh, đầu tư cho tương lai.

Đi theo “tăng trưởng xanh”

"Kinh tế xanh" tiếng Anh gọi là "green economy" nói đến những hoạt động kinh tế, đặc biệt là sản xuất và năng lượng, nói chung đó là những hoạt động kinh tế nhắm hai mục đích: Một là giảm bớt những độc hại của nền kinh tế cũ, hai là tạo ra những hoạt động mới trong đó không gây hại thêm cho nước và không khí trên trái đất. Đức là một trong những quốc gia đang có những bước đột phá mới nhằm trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới có nền kinh tế “năng lượng xanh”. Mục tiêu mà cường quốc này đặt ra là đến năm 2050, nước này sẽ sử dụng 100% “năng lượng xanh” tái tạo.

Vì sao Đức có thể  thực hiện được “mục tiêu xanh”? Tổ chức Đầu tư và Thương mại Đức cho rằng Đức có thể thực hiện được vì có nguồn năng lượng về kỹ thuật để chuyển đổi sang nền kinh tế “năng lượng xanh”, đi cùng với một yếu tố quan trọng là ý chí chính trị và pháp lý. Và bên cạnh đó, chi phí cho chiến lược này cũng có thể chấp nhận được. Bộ Môi trường Đức đã công bố bản phác thảo lộ trình thực hiện các kế hoạch hướng đến nền kinh tế “năng lượng xanh”, trong đó có biện pháp xây dựng mạng lưới “điện thông minh”, giảm tiêu thụ điện năng khoảng 28% trong vòng 20 năm tới.

Cũng theo lộ trình này thì đến năm 2020 ở Đức sẽ có 30% năng lượng điện tiêu thụ có nguồn gốc từ năng lượng tái tạo. Trong đó năng lượng sức gió đóng góp nhiều nhất, tới 15%; năng lượng sinh học 8%; thủy năng 4%. Ước tính đến năm 2030 Đức có tới 50% năng lượng điện tiêu thụ lấy từ nguồn năng lượng tái tạo, và có khoảng từ 800.000 - 900.000 việc làm mới trong ngành công nghệ sạch.

Nước Mỹ cũng là một cường quốc đi tiên phong trong thực hiện chính sách “kinh tế xanh”. Kể từ khi lên nhậm chức, Tổng thống Obama phải vất vả đối phó với tình hình kinh tế xuống dốc, và từ "kinh tế xanh" được nói đến như một trong những giải pháp có thể góp phần vào việc giải quyết một số khó khăn kinh tế. Tổng thống Obama đã thực hiện các chính sách mới nhằm chấn hưng nền kinh tế như phát triển năng lượng, phát triển "kinh tế xanh", thực hiện chính sách tiết kiệm năng lượng, giảm bớt ô nhiễm môi trường và thực hiện tái tạo năng lượng.

Ngoài ra, Mỹ cũng tung ra các chính sách phát triển thể chế “kinh tế xanh” với 80 tỉ USD được dùng để thực hiện các dự án xanh, trong đó có 20 tỉ USD chi cho năng lượng tái sinh, 22 tỉ USD cho việc sử dụng hiệu quả hơn tài nguyên thiên nhiên và năng lượng, đầu tư hàng chục dự án mới để phát triển các công nghệ tích trữ điện năng và hệ thống thông minh được số hóa.

Chính quyền Washington còn dành 15 tỉ USD mỗi năm, từ năm 2012, phát triển công nghệ năng lượng sạch như gió và mặt trời, tăng gấp đôi nguồn cung năng lượng tái sinh. Người Mỹ sẽ nhận khoảng 63 tỉ USD tiền cắt giảm thuế và sự hỗ trợ khác để chuyển sang sử dụng công nghệ năng lượng sạch. Ở châu Á, Hàn Quốc là nước đi đầu trong việc đón bắt xu thế mới của “tăng trưởng xanh”. Tổng thống Lee Myung Bak cam kết vừa thực hiện tăng trưởng xanh, vừa chuẩn bị cho tương lai, mục tiêu là xây dựng Hàn Quốc thành “quốc gia xanh” hàng đầu thế giới.

Mới đây, tại hội chợ Barcelona, Hãng Samsung trình làng mẫu điện thoại di động đầu tiên trên thế giới sử dụng năng lượng mặt trời, báo hiệu công nghệ xanh được ứng dụng sang các sản phẩm đời sống số. Hàn Quốc còn đầu tư gần 40 tỉ USD trong 4 năm tới nhằm phát triển lĩnh vực công nghiệp và kỹ thuật xanh cùng công nghiệp mũi nhọn tổng hợp. Chính phủ cũng đầu tư lớn cho nghiên cứu và phát triển các loại ôtô thải ít khí cacbon, phát triển các nguồn năng lượng sạch và tái chế năng lượng, xây dựng hệ thống “vận tải xanh”, bao gồm đường sắt thải ít khí cacbon và 3.000km đường xe đạp quanh bốn con sông xanh. Khoảng 2 triệu ngôi nhà xanh và văn phòng làm việc sử dụng ít năng lượng và điện sẽ được xây dựng.

Cơ hội của nền kinh tế xanh?

Theo bản thống kê đầy đủ nhất về “việc làm xanh” trên toàn thế giới của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), “tăng trưởng xanh” hứa hẹn sẽ mang đến rất nhiều việc làm. Bản báo cáo “Vì một việc làm nhân văn trong một thế giới bền vững ít khí carbon” do ILO thực hiện cùng Chương trình Môi trường Liên hiệp quốc và Viện Quan sát thế giới (Worldwatch Institute) được công bố mới đây đã dự đoán tiềm năng chuyển dịch việc làm sang một nền kinh tế ít gây ô nhiễm - hiện còn chưa được mạnh - sẽ bắt đầu vào năm 2030. Hiện nay, có nhiều người đang làm việc trong ngành năng lượng tái sinh, các hoạt động tái chế và xử lý rác thải, các hình thức xây dựng mới... So với 3 tỉ lao động trên toàn thế giới, con số này khá nhỏ.

Nhưng lao động trong các lĩnh vực này sẽ tăng mạnh trong những năm tới. Người ta thống kê rằng đã có 2,3 triệu người đã tìm được việc làm trong lĩnh vực năng lượng tái sinh những năm gần đây. Và sẽ có thêm 20 triệu việc làm từ nay đến năm 2030, chủ yếu là trong ngành năng lượng từ vật liệu hữu cơ và năng lượng mặt trời. Khoảng 2-3,5 triệu người sẽ tìm được việc làm ở Mỹ và châu Âu khi các công trường xây dựng lớn ở đây sử dụng năng lượng sạch.

Thị trường sản xuất và dịch vụ môi trường ước tính mỗi năm mang lại 1.370 tỉ USD. Con số này sẽ tăng gấp đôi từ nay đến năm 2020. Ở Đức, lĩnh vực công nghệ môi trường có thể sẽ phát triển gấp 4 lần và chiếm 16% ngành sản xuất công nghiệp từ nay đến năm 2030. Đáng chú ý là nó sẽ mang lại nhiều việc làm hơn cả lĩnh vực sản xuất xe hơi và máy móc - hai ngành công nghiệp mũi nhọn của Đức - cộng lại.

Theo thống kê, chỉ riêng ở nước Pháp, từ nay đến năm 2020, doanh thu của nền kinh tế xanh sẽ là 3.000 tỷ euro, từ năm 2020 đến 2050 sẽ là 10.000 tỷ euro. Còn tại Đức, nền Kinh tế xanh đã tạo ra hơn 1,6 triệu việc làm mới. Tại Mỹ, với 100 tỉ USD đầu tư cho các ngành công nghệ sạch, các nhà nghiên cứu tin rằng trong hai năm tới, ngành năng lượng của Mỹ sẽ ít phụ thuộc hơn vào dầu mỏ. Mặt khác, sẽ có 2 triệu việc làm mới, tức cao gấp 4 lần số việc làm được tạo ra, nếu số tiền này đầu tư vào công nghiệp dầu mỏ.

Vậy ngành nào sẽ trở thành mũi nhọn của tăng trưởng xanh?

Trước tiên là ngành xây dựng, các toà nhà trong tương lai sẽ được xây dựng với các vật liệu ít gây ô nhiễm hơn, tiết kiệm nhiên liệu trong quá trình sử dụng và có thể tự chế tạo nhiên liệu…Sau đó sẽ là các ngành sản phẩm sinh học (thức ăn, mỹ phẩm, quần áo, giày dép…), nhiên liệu thiên nhiên tái sử dụng, nghành chống ô nhiễm môi trường (hệ thống xử lý nước thải, môi trường đất, rác…), ngành giao thông vận tải (các loại xe tiết kiệm nhiên liệu, sử dụng các nhiên liệu thiên nhiên…).

Bằng chứng cụ thể về sự tin tưởng vào tiềm năng của nền kinh tế xanh là sự tham gia rất mạnh mẽ trong thời gian gần đây của các tập đoàn kinh tế, tài chính lớn như L’Oréal, HSBC…Theo các chuyên gia, sự phát triển kinh tế trong những năm sắp tới sẽ là sự phát triển của kinh tế xanh. Nhờ nền kinh tế này, các thành phần kinh tế còn lại sẽ được tiếp tục duy trì phát triển và dần chuyển hướng theo mục đích bảo vệ môi trường trước các bắt buộc pháp lý.

- 148 tỉ USD đã được đầu tư vào các ngành công nghệ sạch vào năm 2007, tức tăng 60% trong vòng một năm;
 - 19% là phần vốn mạo hiểm được đầu tư vào lĩnh vực công nghệ sạch ở Trung Quốc. Con số này đã tăng gấp đôi trong vòng vài năm trở lại đây. Ở Mỹ, những ngành công nghệ tốt cho môi trường đứng hàng thứ ba trong các lĩnh vực được ưu tiên đầu tư, sau viễn thông và công nghệ sinh học.