Thời hạn giám định không quá 4 tháng đối với vụ việc có tính chất phức tạp

Theo Hoài Anh/haiquanonline.com.vn

Bộ Tài chính đang xây dựng dự thảo Thông tư quy định về giám định tư pháp trong lĩnh vực tài chính. Về thời hạn giám định tư pháp trong lĩnh vực tài chính, dự thảo Thông tư quy định, trường hợp vụ việc giám định có tính chất phức tạp hoặc khối lượng công việc lớn, liên quan đến nhiều tổ chức cá nhân thì thời hạn giám định không quá 4 tháng.

Giám định viên tư pháp phải có thời gian hoạt động chuyên môn trong lĩnh vực tài chính từ đủ 5 năm trở lên.
Giám định viên tư pháp phải có thời gian hoạt động chuyên môn trong lĩnh vực tài chính từ đủ 5 năm trở lên.

Dự thảo Thông tư này quy định những nội dung giám định tư pháp trong lĩnh vực tài chính, bao gồm: tiêu chuẩn, hồ sơ, trình tự, thủ tục bổ nhiệm, miễn nhiệm giám định viên tư pháp và việc cấp, thu hồi thẻ giám định viên tư pháp trong lĩnh vực tài chính; công nhận, hủy bỏ công nhận, đăng tải danh sách người giám định tư pháp theo vụ việc trong lĩnh vực tài chính.

Cùng với đó, áp dụng quy chuẩn chuyên môn, quy trình thực hiện giám định tư pháp trong lĩnh vực tài chính; chuẩn bị thực hiện giám định; thời hạn giám định tư pháp; kết luận giám định tư pháp; lập, lưu trữ hồ sơ giám định tư pháp trong lĩnh vực tài chính và các nội dung khác liên quan đến giám định tư pháp trong lĩnh vực tài chính.

Nội dung giám định còn bao gồm điều kiện về cơ sở vật chất của văn phòng giám định tư pháp, tổ chức giám định tư pháp theo vụ việc trong lĩnh vực tài chính; lập công bố danh sách tổ chức giám định theo vụ việc trong lĩnh vực tài chính; việc tiếp nhận, thực hiện trưng cầu giám định tư pháp của văn phòng giám định tư pháp, tổ chức giám định tư pháp theo vụ việc trong lĩnh vực tài chính.

Dự thảo Thông tư cũng quy định giám định tư pháp trong lĩnh vực tài chính bao gồm giám định tư pháp về kế toán, kiểm toán; giá; chứng khoán; thuế; hải quan; tài sản công; tài chính doanh nghiệp; các lĩnh vực tài chính khác theo quy định của pháp luật.

Về nguyên tắc lựa chọn, phân công người, tổ chức thực hiện giám định tư pháp trong lĩnh vực tài chính, dự thảo Thông tư quy định, trước hết, việc lựa chọn giám định viên tư pháp, người giám định tư pháp theo vụ việc. Văn phòng giám định tư pháp tổ chức giám định tư pháp theo vụ việc, thực hiện giám định phải phù hợp với đối tượng, nội dung trưng cầu giám định, đáp ứng các quy định tại Luật Giám định tư pháp, hướng dẫn tại dự thảo Thông tư này và các quy định khác của pháp luật có liên quan đến giám định tư pháp.

Việc cử cán bộ, công chức là giám định viên tư pháp, người giám định tư pháp theo vụ việc; việc phân công người của văn phòng giám định tư pháp, tổ chức giám định tư pháp theo vụ việc thực hiện giám định phải đúng thẩm quyền, trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật.

Việc tiếp nhận trưng cầu giám định tư pháp trong lĩnh vực tài chính đối với Bộ Tài chính, các đơn vị thuộc Bộ Tài chính, giám định viên tư pháp, người giám định tư pháp theo vụ việc thuộc Bộ Tài chính, Dự thảo quy định, trường hợp văn bản trưng cầu giám định tư pháp gửi đến Bộ Tài chính hoặc gửi đến các đơn vị thuộc Bộ Tài chính (trừ các Tổng cục và tương đương các đơn vị cấp cục thuộc tổng cục và tương đương đóng tại địa phương), Vụ Tổ chức cán bộ chủ trì, phối hợp với các đơn vị thuộc Bộ có liên quan căn cứ nội dung trưng cầu giám định tư pháp để đề xuất lựa chọn giám định viên tư pháp, người giám định tư pháp theo vụ việc trong lĩnh vực tài chính hoặc cán bộ, công chức có đủ điều kiện theo quy định tại khoản 1 Điều 18 Luật Giám định tư pháp trình Bộ trưởng Bộ Tài chính ký văn bản cử người thực hiện giám định tư pháp.

Trường hợp văn bản trưng cầu giám định tư pháp gửi tổng cục hoặc tương đương, các đơn vị căn cứ nội dung trưng cầu giám định để lựa chọn và ký văn bản cử giám định viên tư pháp, người giám định tư pháp theo vụ việc trong lĩnh vực tài chính hoặc cán bộ, công chức của đơn vị có đủ điều kiện theo quy định tại khoản 1 Điều 18 Luật Giám định tư pháp. Văn bản cử người phải gửi Bộ Tài chính (Vụ Tổ chức cán bộ) để theo dõi, phối hợp thực hiện khi có phát sinh.

Quy định về thực hiện giám định tư pháp trong lĩnh vực tài chính, dự thảo Thông tư nêu rõ, giám định viên tư pháp, người gián định tư pháp theo vụ việc trong lĩnh vực tài chính triển khai các bước như sau: lập đề cương giám định với các nội dung cơ bản; thu thập thông tin, tài liệu có liên quan đến nội dung được trưng cầu giám định; thực hiện giám định; báo cáo kết quả hoặc đưa ra kết luận giám định.

Về thời hạn giám định tư pháp trong lĩnh vực tài chính, dự thảo Thông tư quy định, thời hạn giám định tư pháp trong lĩnh vực tài chính không quá 3 tháng đối với một nội dung trong các trường hợp quy định tại Điều 3 dự thảo Thông tư này. Trường hợp vụ việc giám định có tính chất phức tạp hoặc khối lượng công việc lớn, liên quan đến nhiều tổ chức cá nhân thì thời hạn giám định không quá 4 tháng.

Dự thảo cũng nêu rõ về tiêu chuẩn giám định viên tư pháp, người giám định tư pháp theo vụ việc, cụ thể: công dân Việt Nam thường trú tại Việt Nam có sức khỏe, phẩm chất đạo đức tốt theo quy định tại Khoản 1 Điều 7 Luật Giám định tư pháp và không thuộc trường hợp không được bổ nhiệm giám định viên tư pháp theo quy định tại Khoản 2 Điều 7 Luật Giám định tư pháp.

Có trình độ đại học trở lên do cơ sở giáo dục của Việt Nam đào tạo theo quy định của pháp luật hoặc do cơ sở giáo dục nước ngoài đào tạo và được công nhận để sử dụng tại Việt Nam.

Có thời gian hoạt động chuyên môn trong lĩnh vực tài chính từ đủ 5 năm trở lên tính từ ngày bổ nhiệm ngạch công chức, viên chức hoặc ký hợp đồng lao động...