Thói quen tiêu dùng chuyển từ "thuận tiện" sang "an toàn"

Theo H. Giang/thoibaonganhang.vn

Theo Công ty TNHH Deloitte Việt Nam, chính sách giãn cách xã hội và mức độ quan tâm về sức khỏe để phòng chống dịch Covid-19 của người Việt Nam tăng lên đã tạo ra hai thay đổi đáng kể trong xu hướng tiêu dùng. Vì vậy, ngành bán lẻ cần chuyển dịch sang mô hình bán hàng đa kênh để đáp ứng các xu hướng tiêu dùng mới.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Theo đó, tiêu dùng an toàn trong nhà và tăng cường mua sắm qua nền tảng thương mại điện tử là nhận định của Công ty TNHH Deloitte Việt Nam (Deloitte Vietnam) về xu hướng tiêu dùng của người Việt Nam trong thời gian qua.

Khảo sát của Deloitte cho thấy, xu hướng tiêu dùng trong nhà an toàn đang tăng lên trông thấy khi 62% người tiêu dùng Việt Nam cho biết, sẽ ăn ở nhà thường xuyên thay vì ra ngoài ăn như trước khi có dịch. Điều này dẫn đến sự gia tăng doanh số bán thực phẩm tiện lợi, dụng cụ nấu ăn. Các kênh nấu ăn trực tuyến tại nhà có hình ảnh thẩm mỹ về các bữa ăn gia đình cũng phủ sóng nhiều hơn. Thị trường cũng chứng kiến các sản phẩm tiêu dùng như nước rửa tay, xà phòng… tăng trưởng chóng mặt khi có tới 87% người tiêu dùng Việt Nam rửa tay thường xuyên bằng xà phòng.

Bên cạnh đó, kết quả khảo sát cũng cho thấy, sự chuyển dịch rộng rãi sang thương mại điện tử trong xu hướng tiêu dùng bằng cách tối ưu hóa việc mua sắm tại các điểm bán hàng vật lý, tăng tần suất giao dịch trực tuyến. Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, đã có hơn 50% người tiêu dùng Việt Nam đã giảm tần suất ghé các siêu thị, cửa hàng tạp hóa và chợ, trong đó 25% đã tăng cường mua sắm trực tuyến. Người tiêu dùng, đặc biệt là giới trẻ thành thị đã có sự quen thuộc cao với công nghệ kỹ thuật số và thương mại điện tử.

Theo các chuyên gia của Deloitte, đây chính là thời điểm để các doanh nghiệp bán lẻ kiểm định lại sở thích và thói quen người tiêu dùng, từ đó cân nhắc chiến lược kênh bán hàng phù hợp.

Chia sẻ về thay đổi ngành bán lẻ tại thị trường Việt Nam sau đại dịch, ông Vũ Đức Nguyên, Phó Tổng giám đốc Deloitte Việt Nam phụ trách ngành hàng tiêu dùng, cho biết: “Khi đại dịch Covid-19 bùng nổ, người tiêu dùng ngay lập tức thay đổi các ưu tiên trong thói quen tiêu dùng từ “thuận tiện” sang “an toàn”, từ “cân nhắc về giá cả” sang “tình trạng có sẵn của hàng hóa”, từ “mong muốn” sang “nhu cầu thiết yếu”. Với các ưu tiên thay đổi, khách hàng tìm mua các sản phẩm ở tất cả các kênh bán hàng.

“Các doanh nghiệp bán lẻ có thể tận dụng đại dịch này như một cơ hội, biến nguy thành cơ, nhanh chóng mở rộng và tăng cường bán hàng đa kênh”, ông Vũ Đức Nguyên nhấn mạnh.

Vì vậy, để đáp ứng xu hướng tiêu dùng mới, các chuyên gia nhận định, nhà bán lẻ truyền thống cần phải đầu tư vào các công nghệ kỹ thuật số phù hợp. Bên cạnh đó, các nhà bán lẻ sẽ cần giải quyết những vấn đề trong dài hạn. Cụ thể, doanh nghiệp cần tập trung vào việc đảm bảo tính minh bạch và tính linh hoạt của dịch vụ như cho phép người tiêu dùng theo dõi việc giao hàng hoặc chọn thời gian giao hàng…