Thông qua cơ chế quản lý tài chính ngành Thuế, Hải quan giai đoạn 2016 – 2020

Theo baohaiquan.vn

Sáng 10/12, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thống nhất thông qua Tờ trình của Chính phủ về Cơ chế quản lý tài chính và biên chế đối với Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan giai đoạn 2016 – 2020.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu kết luận. Ảnh: H.Huệ
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu kết luận. Ảnh: H.Huệ

Sắp xếp hợp lý để hoàn thành nhiệm vụ

Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội cơ bản thống nhất với báo cáo đánh giá của Chính phủ về kết quả đạt được trong thực hiện cơ chế quản lý tài chính và biên chế đối với Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan giai đoạn 2011-2015.

Ủy ban Tài chính Ngân sách cho rằng, việc thực hiện cơ chế quản lý tài chính và biên chế đối với Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan đã góp phần trao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm, nâng cao hiệu quả quản lý và chủ động trong sử dụng nguồn kinh phí đối với hai ngành Thuế và Hải quan.

Kinh phí được giao cho ngành Thuế và Hải quan hàng năm chưa đạt tỷ lệ 1,9% trên dự toán thu NSNN đã được Quốc hội và Chính phủ phê duyệt (bình quân chỉ đạt 1,68% đối với ngành Thuế và 1,72% đối với ngành Hải quan) nhưng hai ngành đã chủ động rà soát, sắp xếp hợp lý các nhiệm vụ chi để đảm bảo hoàn thành nhiệm vụ được Nhà nước giao.

Thực hiện Nghị quyết số 39-NQ/TW ngày 17/4/2015 của Bộ Chính trị về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, tổng số biên chế Tổng cục Thuế được giao năm 2013 là 43.438 biên chế nhưng đến tháng 3-2015 tổng biên chế thực tế của Tổng cục là 40.292 người. Đối với Tổng cục Hải quan, biên chế được giao năm 2013 là 10.949 biên chế nhưng đến tháng 3/2015 tổng biên chế thực là 10.743 người.

Về tỷ lệ phân bổ ngân sách, Ủy ban Tài chính Ngân sách cho rằng, kinh phí phân bổ theo tỷ lệ 1,9% trên dự toán thu NSNN hàng năm đối với cả hai ngành đều không đạt theo mức quy định của Ủy ban thường vụ Quốc hội (Tổng cục Thuế chỉ đạt 1,68%, Tổng cục Hải quan chỉ đạt 1,72%). Tuy nhiên, dù việc trích và sử dụng kinh phí không đạt tỷ lệ theo quy định nhưng hai ngành vẫn hoàn thành vượt dự toán giao hàng năm, số biên chế giảm là tích cực và tiết kiệm, hiệu quả hơn, giá thành chi phí cho công tác quản lý thu thấp là tích cực.

Bên cạnh đó, Ủy ban cũng cho rằng, số lượng cán bộ, công chức, viên chức thực tế được sử dụng thấp hơn so với số biên chế được giao nhưng hai ngành vẫn hoàn thành nhiệm vụ là khá tích cực.

90% giấy phép XNK qua “một cửa” vào năm 2020

Báo cáo về phương án cơ chế quản lý tài chính và biên chế của Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan giai đoạn 2016 – 2020, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, giai đoạn 2016-2020, ngành Thuế phấn đấu tổng thu nội địa do ngành Thuế quản lý đạt khoảng 4.707 nghìn tỷ đồng, tăng gấp 1,5 lần so với giai đoạn 2011-2015. Đến năm 2020 tối thiểu có 90% doanh nghiệp sử dụng các dịch vụ thuế điện tử; 65% doanh nghiệp đăng ký thuế qua mạng internet; 80% số người nộp thuế hài lòng với các dịch vụ mà cơ quan thuế cung cấp.

Đối với ngành Hải quan, tổng thu thuế xuất nhập khẩu do ngành Hải quan quản lý trong giai đoạn 2016-2020 ước đạt khoảng 1.448,4 nghìn tỷ đồng, bình quân 289,68 nghìn tỷ đồng/năm. Đến 2020 có 100% Cục Hải quan, 100% Chi cục Hải quan, 100% loại hình hải quan cơ bản, 90% kim ngạch xuất nhập khẩu, 80% doanh nghiệp thực hiện thủ tục hải quan điện tử. Phấn đấu đến năm 2020 thời gian thông quan hàng hóa bằng với mức của các nước tiên tiến trong khu vực Đông Nam Á tại cùng thời điểm. Tỷ lệ các giấy phép xuất nhập khẩu thực hiện trong Cơ chế một cửa hải quan quốc gia đến 2020 là 90%.

Xuất phát từ nhiệm vụ thu NSNN, tiếp tục thực hiện Chiến lược phát triển ngành Thuế, ngành Hải quan và đẩy mạnh cải cách TTHC Thuế, Hải quan đến năm 2020, Tờ trình của Chính phủ đề nghị, Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan tiếp tục duy trì biên chế từ năm 2016 trở đi theo chỉ tiêu biên chế được cấp thẩm quyền giao đến tháng 3-2015, đồng thời căn cứ điều kiện thực tế để thực hiện sắp xếp, sử dụng biên chế hợp lý theo chủ trương tinh giản biên chế tại Nghị quyết số 39-NQ/TW ngày 17-4-2015 của Bộ Chính trị.

Chính phủ đề nghị kinh phí đảm bảo hoạt động cho Tổng cục Thuế là 1,8% và Tổng cục Hải quan là 2,1% trên dự toán thu NSNN hàng năm do Quốc hội, Chính phủ giao mỗi ngành thực hiện. Chi đầu tư xây dựng tối thiểu 10%, chi hiện đại hóa trang thiết bị tối thiểu 25% và chi thường xuyên tối đa 65% trên tổng dự toán được giao.

Muốn thực hiện tốt chuyên môn, phải đầu tư cơ sở tốt

Thảo luận về những nội dung Chính phủ đề xuất, các ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành với yêu cầu nhiệm vụ của hai ngành Thuế và Hải quan trong nhiệm vụ mới là bối cảnh hội nhập sâu rộng với thế giới, do đó cần đầu tư cơ sở vật chất, kỹ thuật hiện đại và con người để đáp ứng được yêu cầu.

Chủ tịch Hội đồng Dân Tộc của Quốc hội KSor Phước cho rằng, Tờ trình của Chính phủ cần phân tích thêm và nêu ra những yêu cầu, điều kiện mới như việc tiếp tục phát triển các cửa khẩu, cảng biển, hàng không quốc tế và căn cứ vào những hoàn cảnh mới này để xây dựng đội ngũ nhân sự và cơ chế tài chính đầy đủ, phù hợp.

Nhiều ý kiến cũng tán thành với việc cần tiếp tục đầu tư cơ sở vật chất hiện đại cho ngành Hải quan bởi đây là ngành cần tiến kịp với những yêu cầu kỹ thuật hiện đại của thế giới khi hội nhập.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Nguyễn Văn Hiện nhấn mạnh, trên thế giới những cơ quan như cảnh sát thuế và hải quan được trang bị tốt cơ sở vật chất phục vụ hoạt động chuyên môn, thực hiện được trật tự thu thuế. Chúng ta muốn làm được điều này phải đầu tư cho con người và cơ sở vật chất.

Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng cũng cho rằng, trong những năm qua, hai ngành Thuế và Hải quan đã có nhiều cố gắng, theo yêu cầu cải cách và đổi mới hai ngành đã chủ động rà soát thủ tục, đều đi đầu trong công tác cải cách thể hiện qua những công bố chỉ số giảm, vì thế mà thấy rằng, ngành Hải quan và Thuế có uy tín trước cử tri, trong chất vấn đại biểu Quốc hội đều khen ngợi.

Phó Chủ tịch Tòng Thị Phóng đồng tình với đề xuất của Chính phủ, đồng thời nhấn mạnh công tác hiện đại hóa cán bộ và tiếp tục tinh giản biên chế theo chủ trương, nơi nào cần thì tăng còn nơi nào không cần thì phải giảm biên chế.

Kết luận buổi làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí với các nội dung Tờ trình của Chính phủ và giao Ủy ban Tài chính Ngân sách và Bộ Tài chính hoàn thiện nội dung trình Chủ tịch Quốc hội ký ban hành.

Giai đoạn 2011-2015 tiếp tục là giai đoạn khó khăn trong công tác thu ngân sách do tình hình kinh tế thế giới và khu vực có nhiều biến động đã làm ảnh hưởng lớn đến công tác thu NSNN. Tuy nhiên, hai ngành Thuế, Hải quan đã tiếp tục hoàn thành vượt mức chỉ tiêu thu ngân sách do Nhà nước giao. Tổng số thu NSNN cả giai đoạn 2011-2015 ước đạt 4.428.271 tỷ đồng, vượt 6,46% (268.972 tỷ đồng) so với nhiệm vụ Nhà nước giao.

Bên cạnh đó, cải cách thủ tục hành chính thuế, hải quan đã góp phần chống thất thu ngân sách và tăng cường hiệu quả quản lý nhà nước về thuế, hải quan. Trong đó, Tổng cục Hải quan đã triển khai thủ tục hải quan điện tử tại 34/34 Cục Hải quan tỉnh, thành phố; triển khai Cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa ASEAN; triển khai Hệ thống thông quan tự động (Hệ thống VNACCS/VCIS) trên nền tảng phương pháp quản lý tiên tiến của Hải quan Nhật Bản...

Trong công tác tuyên truyền, Tổng cục Hải quan đã tuyên truyền, hỗ trợ hàng triệu lượt người nộp thuế với 9.445 tin, bài, phóng sự được đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng; 25 hội nghị đối thoại trực tiếp với cộng đồng doanh nghiệp; 782 số Báo Hải quan với 11.591 tin, bài về hải quan được đăng tải; 55.699 lượt doanh nghiệp, cá nhân truy cập vào Báo Hải quan điện tử để tra cứu và đề nghị được tư vấn, hỗ trợ trực tuyến về các chính sách, thủ tục hải quan, qua đó giúp người nộp thuế hiểu đúng, đủ và tự giác chấp hành nghĩa vụ thuế.

(Nguồn: Tờ trình của Chính phủ)