Quốc hội nhất trí thông qua dự thảo Luật Kế toán (sửa đổi)
Chiều 20/11, Quốc hội đã thông qua dự thảo Luật Kế toán (sửa đổi) với 391/392 đại biểu tán thành, chiếm 79,15% tổng số đại biểu Quốc hội.
Trước đó, ông Phùng Quốc Hiển, Chủ nhiệm Ủy Tài chính ngân sách của Quốc hội đã trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Kế toán (sửa đổi)
Dự thảo Luật Kế toán (sửa đổi) bao gồm 6 chương, 74 Điều quy định về nội dung công tác kế toán, tổ chức bộ máy kế toán và người làm kế toán, hoạt động kinh doanh dịch vụ kế toán, quản lý nhà nước về kế toán và tổ chức nghề nghiệp kế toán.
Theo báo cáo Giải trình tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Kế toán (sửa đổi) của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, tiếp thu ý kiến của các Đại biểu Quốc hội về việc bổ sung đối tượng áp dụng là cá nhân, hộ kinh doanh hoặc quy định đối tượng áp dụng là tất cả các tổ chức có hoạt động tài chính..., dự thảo Luật đã rà soát, bổ sung các đối tượng thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật trên cơ sở kế thừa các quy định của Luật hiện hành và bổ sung một số đối tượng Luật hiện hành chưa quy định, bảo đảm tính bao quát, đầy đủ.
Trước ý kiến đề nghị cần tách bạch 2 loại kế toán khác nhau, kế toán nhà nước và kế toán doanh nghiệp để phù hợp với thông lệ quốc tế, Báo cáo giải trình, tiếp thu chỉnh lý của Ủy ban Thường vụ Quốc hội nêu rõ: Dự thảo Luật chủ yếu quy định những nội dung mang tính nguyên tắc trong hoạt động kế toán nên đều áp dụng cho mọi lĩnh vực, do đó không tách các chương riêng về kế toán nhà nước và kế toán doanh nghiệp, mà chỉ có một số quy định riêng cho kế toán nhà nước và kế toán doanh nghiệp. Việc quy định cụ thể về chế độ kế toán đối với từng lĩnh vực sẽ được điều chỉnh bằng các văn bản dưới luật để phù hợp với thực tiễn (hiện nay, Chính phủ đã có Nghị định số 128/2004/NĐ- CP quy định về kế toán áp dụng trong lĩnh vực kế toán nhà nước và Nghị định số 129/2004/NĐ-CP quy định về kế toán áp dụng trong hoạt động kinh doanh).
Về chuẩn mực kế toán và chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp kế toán (Điều 7), trước đó, có ý kiến Đại biểu Quốc hội đề nghị bỏ cụm từ “cơ bản” tại khoản 1 Điều này vì chuẩn mực kế toán quy định nguyên tắc kế toán và hướng dẫn hạch toán, ghi sổ và lập báo cáo tài chính. Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, chuẩn mực kế toán gồm những quy định, phương pháp và hướng dẫn về nguyên tắc, nội dung áp dụng cho thực hành kế toán để lập báo cáo tài chính song không thể bao quát toàn bộ hoạt động kế toán. Bên cạnh chuẩn mực kế toán cần có những quy định khác để điều chỉnh mà Dự thảo luật đã quy định giao cho Chính phủ, Bộ Tài chính ban hành theo thẩm quyền văn bản quy phạm pháp luật về kế toán (Điều 71). Do đó, xin cho được giữ nguyên như quy định tại Dự thảo luật.
Về các hành vi bị cấm (Điều 13), giải trình về ý kiến đề nghị xem xét quy định cấm doanh nghiệp lập 2 hệ thống sổ kế toán tài chính vì yêu cầu cập nhật để phục vụ quản trị doanh nghiệp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết, để ngăn chặn tình trạng ngoài hệ thống sổ kế toán tài chính theo quy định, đơn vị kế toán còn lập sổ sách kế toán, báo cáo tài chính khác phản ánh không đúng tình hình tài chính của đơn vị để đối phó với các cơ quan quản lý nhà nước, sử dụng để làm hồ sơ vay vốn các tổ chức tín dụng, đấu thầu, thực hiện các giao dịch trên thị trường tài chính..., Dự thảo luật cần có quy định cấm hành vi này. Trong đó, chỉ quy định cấm đơn vị kế toán lập 02 hệ thống sổ kế toán tài chính trở lên, nhưng không cấm đối với kế toán quản trị như giải thích tại Điều 3 của Dự thảo luật. Vì vậy, xin được giữ nguyên như Dự thảo luật.
Có ý kiến đề nghị xem xét khoản 12 quy định cấm sử dụng cụm từ “dịch vụ kế toán” trong tên gọi của doanh nghiệp khi kinh doanh mà chưa được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh vì sẽ vướng mắc khi doanh nghiệp thực hiện các thủ tục đăng ký. UBTVQH tiếp thu ý kiến ĐBQH và đã chỉnh lý lại nội dung này thể hiện như khoản 12 Điều 13 của Dự thảo luật.
Về chứng từ điện tử (Điều 17), có ý kiến đề nghị cần bổ sung thêm nội dung quy định trong trường hợp nghiệp vụ kinh tế phát sinh được ghi nhận bằng phương tiện điện tử thì chứng từ điện tử có đầy đủ giá trị như chứng từ giấy và không bắt buộc phải in ra giấy.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết, Khoản 2 Điều 14 của Dự thảo luật quy định “Tài liệu, số liệu kế toán là cơ sở để xây dựng và xét duyệt kế hoạch, dự toán, quyết toán, xem xét, xử lý vi phạm pháp luật”, khoản 18 Điều 3 của Dự thảo luật quy định: “Tài liệu kế toán là chứng từ kế toán, sổ kế toán, báo cáo tài chính...”, khoản 2 Điều 17 của Dự thảo luật quy định “Chứng từ điện tử được quản lý như tài liệu kế toán ở dạng nguyên bản mà nó được tạo ra”. Như vậy, nội dung Dự thảo luật đã quy định về giá trị của chứng từ kế toán, trong đó có chứng từ điện tử. Đồng thời, tại khoản 6 Điều 18 của Dự thảo luật đã quy định chứng từ điện tử không bắt buộc phải in ra giấy. Do đó, xin không bổ sung nội dung này vào Dự thảo luật.
Về điều kiện cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh (Điều 60), có ý kiến đề nghị bổ sung vào điểm c khoản 3 Điều 60 của Dự thảo luật: “Trường hợp thuê người khác làm giám đốc quản lý doanh nghiệp, giám đốc phải là kế toán viên hành nghề”.
Tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hôi, dự thảo Luật quy định theo hướng chủ sở hữu của các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ kế toán phải là các cá nhân có chứng chỉ hành nghề để bảo đảm chất lượng cung cấp dịch vụ, bảo đảm nguyên tắc gắn trách nhiệm của người góp vốn với trách nhiệm nghề nghiệp. Như vậy, đối với doanh nghiệp tư nhân kinh doanh dịch vụ kế toán cần có quy định chủ doanh nghiệp tư nhân đồng thời là giám đốc để bảo đảm nguyên tắc trên. Do đó, đề nghị cho giữ như quy định của dự thảo Luật.
Về đăng ký hành nghề dịch vụ kế toán, có ý kiến cho rằng, quy định về thủ tục hành nghề dịch vụ kế toán quá phức tạp, đề nghị bỏ quy định tại khoản 3 Điều này. Theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội: Kinh doanh dịch vụ kế toán là hoạt động kinh doanh có điều kiện. Yêu cầu trước tiên là người muốn kinh doanh dịch vụ kế toán phải có chứng chỉ kế toán viên, sau đó phải đăng ký bình thường như các doanh nghiệp, hộ kinh doanh khác.
Những quy định về thủ tục hành nghề dịch vụ kế toán trong Dự thảo luật đã phù hợp với thông lệ quốc tế. Việc quy định thời gian làm việc của kế toán viên hành nghề gắn với doanh nghiệp hoặc hộ kinh doanh dịch vụ kế toán nhằm đề cao trách nhiệm, bảo đảm chất lượng cung cấp dịch vụ kế toán. Do đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội xin cho giữ như quy định của Dự thảo luật.
Luật Kế toán có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2017.