Thông tin kinh tế - tài chính quốc tế đáng chú ý tuần qua
Tạp chí điện tử Tài chính điểm lại một số thông tin tài chính - kinh tế quốc tế nổi bật trong tuần vừa qua (từ 08-12/01/2018).
Kinh tế toàn cầu tăng trưởng 3,1% trong năm 2018
Theo dự báo mới đây của Ngân hàng Thế giới, kinh tế toàn cầu tăng trưởng 3,1% trong năm 2018, cao hơn so với 3% của năm 2017 và là mức tăng cao nhất trong 7 năm, do các hoạt động đầu tư, sản xuất và trao đổi thương mại đều tăng; trong các năm 2019 và 2020, kinh tế tăng trưởng tương ứng là 3% và 2,9%. Đà tăng trưởng của kinh tế thế giới đến từ các nền kinh tế mới nổi, với tốc độ tăng trưởng đạt 4,5% trong năm 2018 và trung bình 4,7% trong năm 2019 và 2020. Trong khi đó, tốc độ tăng trưởng tại các nền kinh tế phát triển đạt 2,2% trong năm 2018, thấp hơn so với mức tăng 2,3% của năm 2017.
Trong đó,khu vực Eurozone: GDP tăng trưởng 2,4% trong năm 2017 và 2,1% vào năm 2018. Tuy nhiên, WB cảnh báo sự phục hồi kinh tế khu vực Eurozone và châu Âu năm 2018 có nguy cơ bị đe dọa nếu nước Anh và Liên minh châu Âu (EU) không đạt được một thỏa thuận “êm đẹp” về việc Anh rời EU. Hoa Kỳ: GDP tăng trưởng 2,5% trong năm 2018, cao hơn so với mức tăng 2,2% (dự báo tháng 6/2017), sau đó giảm xuống 2,2% trong năm 2019 và 2% trong năm 2020. Trung quốc: GDP tăng trưởng 6,4% trong năm 2018 và 6,3% vào năm 2019Chứng khoán châu Á tăng 1,62 điểm tương đương 0,89%
Tính chung cả tuần, MSCI châu Á - Thái Bình Dương tăng 1,62 điểm (0,89%). Trong ngày giao dịch cuối tuần (12/01/2018) so với ngày hôm trước, các chỉ số đồng loạt tăng điểm, cụ thể, Kospi (Hàn Quốc) tăng 8,51 điểm (0,45%) lên 2.496,42 điểm. Hang Seng (Hong Kong) tăng 292,15 điểm (0,9%) lên 31.412,54 điểm. Shanghai Composite (Trung Quốc) tăng 3,6 điểm (0,11%) lên 3.428,94 điểm. S&P/ASX 200 (Australia) tăng 6,03 điểm (0,1%) lên 6.040,73 điểm.
Duy nhất chỉ số Nikkei 225 (Nhật Bản) giảm 56,61 điểm (-0,24%) xuống 23.653,82 điểm.