Thông tuyến khám, chữa bệnh đối với bệnh hiếm, hiểm nghèo
Với 446/455 đại biểu Quốc hội tham gia biểu quyết tán thành, chiếm 93,11% tổng số đại biểu Quốc hội, Quốc hội vừa thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế. Luật đã quy định bệnh hiếm, bệnh hiểm nghèo... được lên thẳng cơ sở khám bệnh, chữa bệnh cấp chuyên sâu.
Trước đó, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh đã trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế.
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội, Dự thảo Luật sau khi chỉnh lý gồm 3 điều, Điều 1 sửa đổi, bổ sung 42 điều của Luật Bảo hiểm y tế hiện hành (trong đó bổ sung 03 khoản mới ở 2 điều) và bổ sung 02 điều mới; Điều 2 Bãi bỏ 1 khoản Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở số 30/2023/QH15; Điều 3 về Hiệu lực thi hành.
Về mức đóng và trách nhiệm đóng bảo hiểm y tế, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, dự thảo Luật đã điều chỉnh các quy định về nội dung này để đồng bộ với việc sửa các đối tượng tham gia bảo hiểm y tế. Trong đó, quy định đối tượng học sinh, sinh viên tiếp tục tham gia theo nhóm đối tượng được ngân sách nhà nước hỗ trợ để đảm bảo tính ổn định khi tham gia bảo hiểm y tế của nhóm đối tượng này. Đồng thời, đề nghị Chính phủ và chính quyền địa phương sớm nghiên cứu tăng mức hỗ trợ cho đối tượng học sinh, sinh viên; các cơ quan chức năng khắc phục các bất cập hiện nay trong công tác tổ chức triển khai thực hiện thu bảo hiểm y tế học sinh, sinh viên.
Về phạm vi được hưởng, mức hưởng bảo hiểm y tế, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, dự thảo Luật quy định theo hướng mở rộng phạm vi hưởng bảo hiểm y tế với hình thức khám bệnh, chữa bệnh từ xa, hỗ trợ khám bệnh, chữa bệnh từ xa, khám bệnh, chữa bệnh y học gia đình, khám bệnh, chữa bệnh tại nhà đồng bộ với Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2023.
Đồng thời, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo thiết kế trong dự thảo Luật quy định về mức hưởng bảo hiểm y tế trên cơ sở xóa bỏ “địa giới hành chính” trong khám bệnh, chữa bệnh, giữ ổn định mức hưởng bảo hiểm y tế theo quy định của Luật hiện hành và mở rộng với một số trường hợp, như bệnh hiếm, bệnh hiểm nghèo... được lên thẳng cơ sở khám bệnh, chữa bệnh cấp chuyên sâu.
Đối với quản lý, sử dụng quỹ bảo hiểm y tế, dự thảo Luật quy định tăng mức phân bổ từ nguồn thu bảo hiểm y tế để chi cho hoạt động khám bệnh, chữa bệnh lên 92%, giảm số tiền dành cho quỹ dự phòng, tổ chức hoạt động quỹ bảo hiểm y tế xuống 8%, trong đó dành tối thiểu 4% số tiền đóng bảo hiểm y tế cho quỹ dự phòng và quy định rõ thời hạn thông báo kết quả giám định chi phí khám bệnh, chữa bệnh để khắc phục vướng mắc về kéo dài thời gian thanh, quyết toán.
Đồng thời, bổ sung quy định việc mua thuốc, thiết bị y tế và thanh toán thuốc, thiết bị y tế, chuyển dịch vụ cận lâm sàng trong trường hợp cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thiếu thuốc, thiết bị y tế để điều trị cho người bệnh và quy định cơ chế để quỹ bảo hiểm y tế thanh toán cho các trường hợp này.
Ngoài ra, tiếp thu ý kiến đại biểu, dự thảo Luật đã được chỉnh lý theo hướng bổ sung 02 điều quy định cụ thể về chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm y tế và sửa đổi quy định về xử lý vi phạm để quy định có tính khả thi; quy định việc ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, chia sẻ dữ liệu trong lĩnh vực bảo hiểm y tế.
Giao Bộ trưởng Bộ Y tế quy định giải pháp tăng cường năng lực khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế cho y tế cơ sở, ban hành nguyên tắc, tiêu chí xây dựng danh mục thuốc, thiết bị y tế, dịch vụ y tế thuộc phạm vi chi trả của bảo hiểm y tế, quy định về đánh giá tính hợp lý trong khám bệnh, chữa bệnh; giảm thời gian cấp thẻ bảo hiểm y tế từ 10 ngày xuống 05 ngày làm việc; thời gian thông báo thẻ bảo hiểm y tế từ 05 ngày xuống 03 ngày làm việc; bổ sung quy định về cấp thẻ bảo hiểm y tế điện tử...