Tỉnh Cà Mau:

Thu hút đầu tư phát triển kinh tế

Theo Trung Ðỉnh/ Báo Cà Mau

Ðể thực hiện thắng lợi mục tiêu kép vừa phòng, chống dịch COVID-19 vừa phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống người dân, việc tăng cường và bổ sung nguồn lực cho nền kinh tế thông qua đẩy mạnh thu hút đầu tư, không chỉ là nhu cầu, mà còn là giải pháp quan trọng trong thúc đẩy phát triển kinh tế tỉnh Cà Mau hiện nay.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Một trong những mục tiêu quan trọng hàng đầu trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Cà Mau là tiếp tục đẩy mạnh xây dựng kết cấu hạ tầng, cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, tạo mọi điều kiện hỗ trợ doanh nghiệp (DN) để thu hút các nhà đầu tư, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế địa phương, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người lao động.

Chỉ tính riêng từ đầu năm đến nay, tỉnh Cà Mau đã thu hút 20 dự án đầu tư mới với tổng vốn 5.319 tỷ đồng, tăng 14 dự án với tổng vốn đăng ký 3.394 tỷ đồng so với cùng kỳ. Trong đó, có 8 dự án thuộc khu công nghiệp với tổng vốn đăng ký 1.735,9 tỷ đồng. Nâng tổng số đến nay trên địa bàn tỉnh có 412 dự án đầu tư đang hoạt động, tổng vốn đăng ký 132.478,7 tỷ đồng; trong đó có 10 dự án FDI với tổng vốn đăng ký đầu tư 156,9 triệu USD. Trong điều kiện còn nhiều khó khăn, tiềm lực còn hạn chế thì việc “trải thảm” thu hút đầu tư, huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực để phát triển kinh tế - xã hội là một trong những giải pháp quan trọng trong phát triển kinh tế.

Hiện nay, các dự án đã triển khai thực hiện đầu tư đảm bảo đúng tiến độ đã đăng ký. Các nhà đầu tư có đủ nguồn lực và kinh nghiệm trong quá trình triển khai thực hiện dự án, nhất là các dự án điện gió. Trong 11 dự án điện gió đã phê duyệt chủ trương đầu tư, đã khởi công 7 dự án, tổng mức đầu tư hơn 8.600 tỷ đồng.

Ngoài ra, tỉnh Cà Mau còn thu hút các nhà đầu tư vào 10 dự án điện mặt trời với tổng công suất 2.896 MW và 1.226 tổ chức, cá nhân đầu tư lắp đặt điện mặt trời trên mái nhà với tổng công suất khoảng 110 MW; 2 dự án điện sinh khối, tổng công suất 48MW; 4 dự án điện khí với tổng công suất 10.700 MW. Thời gian tới, tỉnh tiếp tục thu hút đầu tư và quan tâm hỗ trợ các nhà đầu tư triển khai thực hiện các dự án năng lượng tái tạo trên địa bàn.

Song song với công tác thu hút đầu tư, số lượng DN thành lập mới tăng với so cùng kỳ. Những tháng đầu năm, có 232 DN thành lập mới, tổng vốn đăng ký hơn 1.492,5 tỷ đồng. Bình quân vốn đăng ký 6,4 tỷ đồng/DN, tăng 3% về số lượng DN và tăng 47,5% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ.

Ðồng thời, tỉnh Cà Mau đã xây dựng và ban hành chương trình xúc tiến đầu tư với nhiều danh mục dự án kêu gọi đầu tư thuộc các lĩnh vực là thế mạnh của tỉnh như: nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, du lịch, thương mại... Ðây là cơ sở để tiến hành mời gọi các nhà đầu tư đến nghiên cứu, tìm hiểu cơ hội và đề xuất thực hiện dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh, cũng như để các ngành và địa phương chủ động tiến hành các hoạt động xúc tiến, mời gọi đầu tư theo các hoạt động đã được phê duyệt.

Các dự án đã và đang triển khai sẽ góp phần quan trọng vào tăng trưởng kinh tế, đồng thời bổ sung, bù đắp vào những khoản thiếu hụt hoặc mất nguồn thu do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.

Dịch Covid-19 bùng phát mạnh và nhanh trên diện rộng, nhiều địa phương trong cả nước phải thực hiện giãn cách xã hội. Việc vận chuyển lưu thông hàng hoá gặp khó khăn; giá một số vật liệu xây dựng tăng đột biến, ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện các công trình, dự án xây dựng. Nguồn lực từ ngân sách Nhà nước còn hạn chế, chưa đáp ứng đủ nhu cầu đầu tư xây dựng công trình kết cấu hạ tầng và nhiều lĩnh vực khác phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.

Nhiệm vụ trọng tâm trong thu hút đầu tư thời gian tới được tỉnh xác định là tiếp tục hoàn thiện kết cấu hạ tầng cơ sở, nhất là hạ tầng giao thông, rút ngắn khoảng cách từ tỉnh đến các trung tâm kinh tế lớn, tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư triển khai các dự án. Ðồng thời, không ngừng đẩy mạnh thực hiện cải cách hành chính, cải thiện chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI).

Ðặc biệt là triển khai thực hiện có hiệu quả bộ chỉ số năng lực cạnh tranh cấp sở, ban, ngành và địa phương (DDCI) trên địa bàn tỉnh để làm cơ sở xem xét, đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ, mức độ hài lòng của DN đối với các đơn vị, nhằm góp phần không ngừng cải thiện môi trường đầu tư và nâng cao chỉ số PCI của tỉnh trong những năm tiếp theo.

Từ đó, tạo điều kiện cho DN gia nhập thị trường, tiếp cận các chương trình hỗ trợ nhằm nâng cao năng lực và cải thiện khả năng cạnh tranh, nhất là DN nhỏ và vừa. Tăng cường xúc tiến, mời gọi đầu tư; hỗ trợ, tạo điều kiện cho các nhà đầu tư sớm triển khai các dự án đầu tư đã được cấp phép trên địa bàn tỉnh Cà Mau.