Thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam trong tình hình mới
(Taichinh) - Đầu tư trực tiếp nước ngoài ngày càng đóng vai trò quan trọng đối với nền kinh tế - xã hội của Việt Nam. Nó không chỉ góp phần khơi dậy đầu tư trong nước mà còn giúp kinh tế Việt Nam hội nhập sâu với nền kinh tế thế giới.
Nguồn vốn bổ sung quan trọng cho đầu tư phát triển
Sau gần 30 năm đổi mới, kinh tế Việt Nam đã đạt được những thành công vượt bậc. Trong một thời gian dài Việt Nam là một trong những nước có nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng tương đối cao và ổn định. Quy mô nền kinh tế tăng lên, quá trình hội nhập kinh tế diễn ra mạnh mẽ, đời sống người dân ngày một nâng cao. Đạt được những thành công này có phần đóng góp quan trọng của cộng đồng doanh nghiệp (DN) và khu vực FDI tại Việt Nam. Kể từ khi Luật Đầu tư nước ngoài được ban hành, dòng vốn đàu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) được khơi thông nhanh chóng và tác động mạnh mẽ tới nền kinh tế Việt Nam thông qua huy động nguồn vốn cho phát triển, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tạo điều kiện cho chuyển giao công nghệ; thúc đẩy quá trình chuyển đổi quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, giải quyết việc làm cho người lao động và mở rộng hội nhập với thế giới…; đóng góp vào ngân sách nhà nước tăng từ 5,2% năm 2000 lên 14,3% năm 2014.
Theo báo cáo của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), tính đến hết quý I/2015, có 267 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) mới được cấp giấy chứng nhận đầu tư với tổng số vốn đăng ký đạt hơn 1,2 tỷ USD, chỉ bằng 59,4% so với cùng kỳ. Việt Nam đã thu hút được 1,837 tỷ USD vốn FDI trong đó, lĩnh vực xây dựng, bất động sản dẫn đầu với 203 triệu USD đăng ký mới. Theo dự báo năm 2015, vốn đăng ký FDI sẽ đạt khoảng 18 tỷ USD và vốn giải ngân kỳ vọng đạt 12 tỷ USD, sau khi Việt Nam hoàn tất nhiều thỏa thuận đàm phán từ các hiệp định thương mại song phương, đa phương, nhất là hình thành Cộng đồng Kinh tế ASEAN, đàm phán Hiệp định đối tác Kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP)…
Như vậy, FDI không những góp phần khơi dậy đầu tư trong nước mà còn giúp kinh tế Việt Nam hội nhập sâu với nền kinh tế thế giới. Trong bối cảnh tích lũy không đáp ứng nhu cầu về đầu tư, nguồn vốn FDI đã thực sự là nguồn vốn bổ sung quan trọng cho đầu tư phát triển. Bên cạnh đó, nó còn góp phần đáng kể vào thu ngân sách và các cân đối vĩ mô; chuyển dịch cơ cấu kinh tế và nâng cao năng lực sản xuất công nghiệp; tạo việc làm, tăng năng suất lao động; đổi mới và chuyển giao công nghệ ở Việt Nam. Tính đến nay, khu vực có vốn FDI đã tạo việc làm cho khoảng 2 triệu lao động trực tiếp và một số lượng lớn lao động gián tiếp khác…
Tổng quan FDI vào Việt Nam lũy kế tính đến ngày 20/3/2015 cho thấy, tỷ trọng dự án FDI vào Việt Nam theo đối tác đầu tư đứng đầu là Hàn Quốc, tiếp đến là Nhật Bản, Đài Loan, Singapore, Trung Quốc, Hồng Kông, Hoa Kỳ…; tỷ trọng đầu tư đăng ký theo đối tác, đứng đầu là Hàn Quốc, tiếp đến là Nhật Bản, Singapore, Đài Loan, British Virginlslands, Hồng Kông, Hoa Kỳ, Malaysia, Trung Quốc, Thái Lan…; tỷ trọng FDI đăng ký vào Việt Nam phân theo địa phương, đứng đầu là thành phố Hồ Chí Minh, sau đó là Bà Rịa – Vũng Tàu, Hà Nội, Đồng Nai, Bình Dương, Hải Phòng…
Tác động của FDI còn thể hiện thông qua những yếu tố không lượng hóa được. Đó là, FDI mang đến cho Việt Nam một phương thức đầu tư kinh doanh mới, tạo tác động lan tỏa đến các thành phần kinh tế khác của nền kinh tế, khơi dậy các nguồn lực đầu tư trong nước. Thông qua sự liên kết giữa DN có vốn FDI với các DN trong nước, công nghệ và năng lực quản lý, kinh doanh được chuyển giao từ DN FDI sang các DN trong nước; tạo động lực cạnh tranh cho các DN trong nước nhằm thích ứng trong bối cảnh toàn cầu hóa, qua đó nâng cao được năng lực của các DN trong nước. Đặc biệt là, góp phần quan trọng trong việc giới thiệu, đưa các sản phẩm hàng hóa có xuất xứ từ Việt Nam vào thị trường quốc tế; đẩy nhanh tốc độ mở cửa thương mại; tăng khả năng ổn định cán cân thương mại của đất nước; tăng năng lực cạnh tranh của sản phẩm Việt Nam…
Cần chính sách hỗ trợ phù hợp
Theo phân tích của giới chuyên gia, FDI hiện đang tác động hai chiều đến Việt Nam. Bên cạnh sự đóng góp quan trọng vào quá trình phát triển của nền kinh tế, thì FDI còn tác động tiêu cực đến DN Việt Nam và dần chiếm ưu thế trong thị trường nội địa. Thực vậy, trong mối quan hệ hai chiều giữa DN trong nước và DN FDI thời gian qua cho thấy, việc cung cấp nguyên vật liệu đầu vào trong quá trình sản xuất của các DN được diễn ra ở cả hai phía. Tuy nhiên, các DN FDI đang cạnh tranh với các DN trong nước, làm giảm doanh thu của các DN trong nước. Đặt vào bối cảnh nền kinh tế Việt Nam ngày càng hội nhập sâu rộng, với hàng loạt cam kết mới sẽ có hiệu lực ngay trong năm 2015 và những năm tiếp theo, khoảng cách giữa khu vực DN FDI và DN trong nước, thậm chí là sự chi phối ngày càng rõ nét của khu vực FDI trong nhiều lĩnh vực, ngành nghề kinh doanh, nhất là xuất nhập khẩu. Đây sẽ là rào cản rất lớn trong việc cải thiện năng lực cạnh tranh của nền kinh tế Việt Nam. Khảo sát thực tiễn cho thấy, hoạt động FDI hiện nay vẫn còn khá nhiều tồn tại, gây ảnh hưởng lớn tới nền kinh tế Việt Nam như:
- Đầu tư công nghệ tiên tiến còn ít: Các dự án FDI chủ yếu khai thác tài nguyên thiên nhiên, ít công nghệ nguồn; nguồn vốn FDI chỉ tập trung ở ngành chế biến, chế tạo, dịch vụ cần vốn lớn nhưng mức độ lan toả công nghệ thấp.
- Chuyển giá và trốn thuế: Tỷ lệ 20-30% DN FDI kê khai lỗ liên tiếp trong 2-3 năm, thậm chí 5 năm. Tăng giá chi phí đầu vào tăng cao để báo lỗ.
- Cơ cấu đầu tư chưa cân đối: Các dự án FDI tập trung vào công nghiệp, xây dựng, bất động sản, tập trung ở địa phương có lợi thế về hạ tầng và nhân lực.
- Tác động xấu đến môi trường: Xuất khẩu ô nhiễm từ các nước phát triển sang nước đang phát triển ngày càng tăng. Xu hướng DN FDI vi phạm quy định bảo vệ môi trường ngày càng tăng.
- Chiếm thế độc quyền trong một số ngành, lĩnh vực: Sau một số năm lỗ, DN FDI đã chiếm thế độc quyền một số ngành nước có gas, chất tẩy rửa, thức ăn gia súc… Một số DN có khả năng kiểm soát ngành đã làm méo mó thị trường…
Như vậy, bên cạnh những mặt tiêu cực thì FDI đang được xem là một kênh đầu tư có tác động khá tích cực và làm thay đổi hoạt động kinh doanh, cũng như tình hình xuất nhập khẩu của Việt Nam. Chính vì vậy, để đáp ứng yêu cầu của tình hình mới, đặc biệt là trong bối cảnh ngày càng hội nhập sâu vào nền kinh tế thế giới, Việt Nam cần triển khai nghiên cứu, nhìn nhận, đánh giá một cách khách quan về FDI để có những chính sách phù hợp, đẩy mạnh liên kết giữa khu vực DN trong nước và nước ngoài. Các chính sách hướng tới các lĩnh vực cụ thể, ưu tiên cho các hoạt động sản xuất tạo giá trị gia tăng hay ưu tiên cho các dự án đầu tư công nghiệp cao. Đặc biệt, thu hút FDI cần phù hợp với từng ngành, khu vực về điều kiện kinh tế, địa lý, nhân lực, và các tác động lôi cuốn các DN nội địa tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Muốn vậy, bài viết đề xuất các bộ, ban ngành cần có cơ chế, chính sách tăng cường sự liên kết giữa DN trong nước và DN FDI. Đồng thời, hoàn thiện khung pháp lý về mua bán và sáp nhập, từ đó cho phép các DN nước ngoài có thể mua cổ phần của các DN trong nước…