Thu hút doanh nghiệp vào nông nghiệp: Còn nan giải!
Đầu tư vào nông nghiệp rủi ro cao, thu lợi nhuận thấp, các chính sách thu hút doanh nghiệp (DN) vào nông nghiệp còn nhiều bất cập, cảm tính. Nhiều bó buộc trong chính sách đất đai, tài chính, thủ tục hành chính rườm rà khiến không ít DN ngán ngẩm, không muốn đầu tư vào nông nghiệp.
Tại Diễn đàn Phát triển DN nông nghiệp trong tiến trình tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới diễn ra ngày 8/9/2016, ông Nguyễn Văn Bình - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, nhận định: Thời gian qua, nông nghiệp Việt Nam đạt nhiều thành tựu to lớn, góp phần quan trọng vào tiến trình phát triển đất nước.
Tuy nhiên, kể từ năm 1990, tốc độ tăng trưởng năng suất đã chậm lại và chậm hơn so với hầu hết các nước cùng trình độ phát triển trong khu vực, do lợi nhuận từ thâm canh đất đã đạt đến mức tới hạn.
Doanh nghiệp không mặn mà
Một trong những nguyên nhân quan trọng của những hạn chế, yếu kém trên là do phương thức sản xuất nông nghiệp ở nước ta chủ yếu dựa trên quy mô sản xuất hộ gia đình nhỏ lẻ, manh mún. Số lượng các DN nông nghiệp chiếm tỷ lệ nhỏ và tốc độ phát triển rất chậm.
Năm 2014, chỉ có 3.844 DN, chiếm dưới 1% các DN được điều tra. Đến năm 2015, số DN nông nghiệp giảm xuống chỉ còn 3.640 DN. Tổng vốn đầu tư của xã hội cho nông nghiệp, nông thôn chiếm tỷ trọng rất thấp, khoảng 5,4 - 5,6%.
Bên cạnh những nguyên nhân cốt lõi khiến nhiều DN không mặn mà với nông nghiệp là do tỷ lệ sinh lời thấp, rủi ro vì thiên tai lũ lụt, hiệu suất hiệu quả ít và khả năng tiêu thụ sản phẩm bị hạn chế, còn có những hạn chế từ chủ trương chính sách.
Nhiều ý kiến cho rằng, DN là đầu mối liên kết với nông dân để tạo nên nền sản xuất lớn, do vậy, phải coi DN là đối tượng hạt nhân để hỗ trợ bằng các chính sách như giảm thuế khi đầu tư vào nông nghiệp, giảm bớt phiền hà cho DN. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, thủ tục hành chính liên quan đến đầu tư kinh doanh lĩnh vực nông nghiệp còn nhiều phức tạp.
Theo đại diện Tổng hội Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) Việt Nam, việc đăng ký kinh doanh giống cây trồng, giống cây lâm nghiệp, giống chăn nuôi thủy sản có nhiều điều kiện nghiêm ngặt, thời gian cấp giấy chứng nhận cho giống mới dài ngày, chi phí để đăng ký giống mới còn cao so với các nước trên thế giới và khu vực... Đến nay, vẫn có tới trên 80% DN mong muốn Nhà nước tiếp tục cải cách hành chính để tạo điều kiện thông thoáng hơn cho DN phát triển.
Nhận định về các chính sách thu hút DN vào nông nghiệp, ông Hoàng Quang Phòng - Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), cho rằng các chính sách còn bất cập, cảm tính. Khung pháp lý áp dụng cho hoạt động đầu tư còn chung chung, thiếu đồng bộ, khiến DN cảm thấy không biết đường nào mà lần. Khi chính sách đã có, sự chậm trễ triển khai, cơ chế không rõ ràng trong thực thi cũng khiến DN thêm ngán ngẩm.
Tạo điều kiện cho doanh nghiệp
Cùng với đất đai, một khó khăn muôn thuở của DN là vấn đề tài chính, ông Đoàn Trọng Lý - Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc công ty cổ phần Chăn nuôi chế biến và Xuất nhập khẩu (Aprocimex), chia sẻ trong khi DN rất cần vốn để đổi mới công nghệ, mở rộng sản xuất thì ngân hàng thường khá e ngại, bởi đây là lĩnh vực nhiều rủi ro. DN có bao nhiêu tài sản, nguồn lực có thể đã đem thế chấp hết để vay tiền, thậm chí số nợ đã trở thành nợ xấu nên khó vay thêm.
Ở góc độ ngân hàng, nếu cứ cho DN vay mà khả năng trả nợ không khả thi có thể ngân hàng cũng sụp đổ. Khi đó, để giải quyết vấn đề, sự hỗ trợ của Chính phủ rất cần thiết. Giải pháp có thể tính đến là vay vốn nước ngoài để hỗ trợ tái cấp vốn cho ngân hàng, khoanh nợ xấu cho DN, giúp đỡ DN đầu tư phát triển hơn nữa.
Để thực hiện chủ trương đẩy mạnh thu hút đầu tư tư nhân vào nông nghiệp, ông Nguyễn Xuân Cường - Bộ trưởng Bộ NN&PTNT, cho rằng thời gian tới, cần tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi cho các DN đầu tư, nhất là các DN liên kết sản xuất với nông dân theo chuỗi giá trị, DN chế biến, sản xuất giống, vật tư và các DN sử dụng nhiều lao động ở nông thôn.
Tập trung cải thiện môi trường kinh doanh và hỗ trợ phát triển nâng cao hiệu quả quản lý thị trường, bảo đảm cạnh tranh bình đẳng. Thực hiện đổi mới hình thức quản lý các dịch vụ công trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, chuyển dần việc cung cấp một số dịch vụ sang cho tư nhân và các tổ chức xã hội thực hiện.
Đơn giản hóa thủ tục hành chính, rà soát, bãi bỏ các thủ tục không cần thiết, tạo điều kiện thuận lợi cho các DN đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn.