Thu hút FDI những tháng cuối năm 2015 sẽ khả quan

Theo Thông tin Tài chính

Những tháng cuối năm 2015, nền kinh tế Việt Nam có nhiều dấu hiệu khởi sắc, dự báo tăng trưởng lạc quan, đây chính là những trợ lực để thu hút vốn FDI.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Thu hút FDI 7 tháng sụt giảm


Theo Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), tính chung trong 7 tháng đầu năm 2015, tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đăng ký cấp mới và tăng thêm là 8,8 tỷ USD, bằng 92,4% so với cùng kỳ năm 2014. Bên cạnh đó, vốn đăng ký thấp hơn so với cùng kỳ năm trước, trong xu hướng giảm kể từ sau năm 2013 và là mức thấp nhất trong 7 tháng các năm từ 2010 do các dự án đầu tư chủ yếu là các dự án quy mô nhỏ, chưa có những dự án lớn gây đột biến về lượng vốn đăng ký, địa bàn và đối tác đầu tư có biến động mạnh so với năm 2014. Cụ thể, 7 tháng đầu năm 2015, có 341 lượt dự án đăng ký tăng vốn đầu tư với tổng vốn FDI tăng thêm là 1,8 tỷ USD, giảm gần 30% so với cùng kỳ năm 2014.

Tuy nhiên, vốn FDI thực hiện ước đạt 7,4 tỷ USD, tăng 8,8% so với cùng kỳ năm 2014, cao nhất kể từ năm 2010 đến nay. Vốn thực hiện tăng trưởng đều và thu hẹp khoảng cách với vốn đăng ký cho thấy, vốn đăng ký FDI đã đi vào thực chất hơn, các doanh nghiệp FDI hoạt động tốt do môi trường kinh doanh và tình hình kinh tế trong nước được cải thiện.

Ba ngành đứng đầu trong thu hút FDI trong 7 tháng vẫn là công nghiệp chế biến, chế tạo đứng đầu với tổng số vốn cấp mới và tăng thêm là 6,14 tỷ USD, chiếm 69,7% tổng vốn đầu tư đăng ký, nhưng tăng thấp hơn so với cùng kỳ năm 2014. Lĩnh vực kinh doanh bất động sản đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và tăng thêm là 1,69 tỷ USD, chiếm 19,3% tổng vốn đầu tư. Đứng thứ ba là lĩnh vực bán buôn bán lẻ, sửa chữa với tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và tăng thêm là 294,9 triệu USD.

Xét theo quốc gia đầu tư vào Việt Nam thì Hàn Quốc dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và tăng thêm là 1,91 tỷ USD, chiếm 21,7% tổng vốn đầu tư tại Việt Nam. Vương quốc Anh đứng vị trí thứ 2 với số vốn là 1,24 tỷ USD chiếm 14,2% tổng vốn đầu tư, BritishVirgin Islands đứng vị trí thứ ba với tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và tăng thêm là 835,3 triệu USD, chiếm 9,5% tổng vốn đầu tư; Hồng Kông đứng vị trí thứ 4 với tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và tăng thêm là 790,4 triệu USD, chiếm 9% tổng vốn đầu tư.

Về địa bàn đầu tư, TP. Hồ Chí Minh là địa phương thu hút FDI nhiều nhất, với tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và tăng thêm là 2,4 tỷ USD, chiếm 27,5% tổng vốn đầu tư đăng ký. Bình Dương đứng thứ hai với tổng vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm là 1,11 tỷ USD, chiếm 12,6%. Đồng Nai đứng thứ 3 với tổng số vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm 1,1 triệu USD, chiếm 12,5%...

Giải thích cho việc sụt giảm vốn FDI trong 7 tháng đầu năm 2015, Cục Đầu tư nước ngoài cho rằng, những tháng đầu năm 2015, không có các dự án quy mô lớn như cùng kỳ năm 2014, theo đó số vốn đăng ký tăng thêm giảm so với cùng kỳ.

Theo Báo cáo của Công ty Chứng khoán Ngân hàng BIDV (BSC), vốn FDI sụt giảm trong những tháng đầu năm 2015 vì dòng vốn FDI đăng ký chững lại đột ngột do nhà đầu tư nước ngoài chờ đợi các kết quả cuối cùng liên quan đến chính sách, sự cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh xung quanh tiến trình hội nhập.

Triển vọng thu hút FDI khả quan

Tại Hội thảo “FTA Việt Nam - Hàn Quốc, cơ hội đẩy mạnh xuất khẩu” do Trung tâm Hỗ trợ xuất khẩu, Cục Xúc tiến Thương mại - Bộ Công thương tổ chức ngày 14/7/2015, các doanh nghiệp Hàn Quốc cho rằng, bên cạnh chính sách mở thì chi phí nhân công, giá thuê mặt bằng rẻ hơn với nhiều nước trong khu vực là lợi thế lớn của Việt Nam nhằm thu hút đầu tư FDI trong thời gian tới. Theo đó, chỉ tính riêng tại khu vực Đông Nam Á, giá thuê đất, văn phòng đại diện, cửa hàng thậm chí cho đến mức lương dành cho nhân viên bản địa của Việt Nam cũng rẻ hơn khá nhiều so với các nước như Thái Lan, Singapore... Ngoài ra, các yếu tố như chính trị ổn định, chính sách mở, nguồn nhân lực dồi dào, tăng trưởng kinh tế bền vững cũng sẽ gia tăng nhu cầu đầu tư FDI vào Việt Nam.

Đồng thời, thu hút FDI trong những tháng cuối năm còn được hỗ trợ bởi Việt Nam không ngừng nỗ lực đẩy mạnh hội nhập thể hiện qua các hành động cụ thể: Việt Nam đang đàm phán FTA với nhiều quốc gia và khu vực trên thế giới. Bên cạnh TPP với quy mô 800 triệu dân (chiếm 38% GDP toàn cầu), còn có FTA châu Âu - Việt Nam với nhiều cơ hội khi 90% hàng hóa xuất khẩu sang EU sẽ hưởng thuế suất 0%, giúp xuất khẩu sang khu vực này sẽ tăng 30 - 40%, nhập khẩu tăng 20 - 25%. Những mặt hàng hưởng lợi nhiều nhất là nông sản, thủy sản, dệt may, giày dép. Ngoài ra, đã có nhiều hiệp định FTA khác vừa được ký kết như Hiệp định FTA Việt Nam - Hàn Quốc (VKFTA) cũng đem lại cơ hội xuất khẩu dệt may, da giày, đồ gỗ, nông sản… của Việt Nam. Hiệp định FTA Việt Nam - Liên minh kinh tế Á - Âu (EAEU) sẽ giúp thương mại hai chiều tăng từ 4 tỷ USD lên 10 tỷ trong vòng 5 năm tới. Những FTA này chính là xúc tác để thu hút FDI mới cũng như những nhà đầu tư hiện hữu quyết định tăng vốn, mở rộng sản xuất ở Việt Nam.

Cùng với đó, môi trường đầu tư và kinh doanh ở Việt Nam đã và đang gấp rút được cải thiện. Tháng 7/2015, nhiều đạo luật mới có hiệu lực thi hành, tiêu biểu là Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản...; Việt Nam đang nỗ lực đưa các chỉ tiêu về môi trường kinh doanh đạt và vượt mức trung bình của các nước ASEAN-6 trong năm 2015, tiến tới đạt mức trung bình của các nước ASEAN-4 đầu năm 2017. Đây cũng là những cơ hội để Việt Nam thu hút được FDI trong thời gian tới.

Bên cạnh đó, TS. Lê Đăng Doanh, chuyên gia kinh tế cho rằng, các FTA, đặc biệt là AEC và TPP, sẽ thúc đẩy xuất khẩu Việt Nam tăng trưởng, từ đó kéo theo FDI tăng, tạo thêm nhiều việc làm và giá trị gia tăng cao hơn. Nền kinh tế Việt Nam cũng sẽ tiếp cận nhanh hơn với công nghệ, mở rộng thị phần và doanh nghiệp sẽ gia nhập với chuỗi giá trị toàn cầu. TS. Lê Đăng Doanh nhấn mạnh tới ngành dệt may, khi kỳ vọng TPP sẽ mang về cho Việt Nam kim ngạch xuất khẩu 30 tỷ USD vào năm 2020 và cán mức 55 tỷ USD vào năm 2030. Nhiều doanh nghiệp dệt may lớn lo ngại về khả năng tận dụng cơ hội từ TPP với nguyên tắc đòi hỏi hàm lượng TPP phải đạt 55%. Hiện các bên đang đàm phán để có thời gian ân hạn 5 năm và lộ trình từng bước đáp ứng yêu cầu. Đã và sẽ có làn sóng FDI sản xuất và dịch vụ trợ giúp dệt may để đạt yêu cầu này. Đối với nông nghiệp, thì cơ hội hợp tác Việt Nam - Nhật Bản trong sản xuất nông nghiệp, thủy sản là rất lớn, theo đó, sẽ gia tăng các luồng vốn FDI vào lĩnh vực nông nghiệp ở nước ta.