Thu hút vốn FDI từ Trung Quốc bằng những dự án công nghệ cao


Nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) từ Trung Quốc vào Việt Nam gia tăng qua các năm, tuy nhiên, nhiều đánh giá cho rằng, so với tiềm năng và nhu cầu thì nguồn vốn này từ Trung Quốc vào Việt Nam hiện nay còn thấp, quy mô dự án nhỏ, công nghệ cũ, lạc hậu…

Để thu hút nguồn vốn FDI từ Trung Quốc vào Việt Nam đạt hiệu quả với những dự án lớn đầu tư công nghệ cao cần có những giải pháp phù hợp. Bài viết đánh giá thực trạng thu hút FDI từ Trung Quốc vào Việt Nam và gợi ý một số đề xuất nhằm thu hút hiệu quả hơn dòng vốn này.

Tình hình đầu tư vốn FDI của Trung Quốc vào Việt Nam

Theo Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), vốn FDI là một trong những nguồn lực đầu tư thân thiện nhất cho phát triển, có thể tạo việc làm, phát triển công nghệ, nâng cao năng suất và giúp doanh nghiệp địa phương tiếp cận thị trường thế giới.

Từ cuối những năm 1991 đến nay, FDI của Trung Quốc đổ vào Việt Nam tăng mạnh, góp phần giải quyết nhu cầu về vốn trong nước, tạo việc làm và đóng góp cho sự phát triển kinh tế nói chung. Lượng vốn FDI từ Trung Quốc vào Việt Nam đã không ngừng gia tăng trong 10 năm trở lại đây. Từ mức khiêm tốn chỉ 572,5 triệu USD trong năm 2007, tổng lượng vốn FDI đã tăng gần gấp 4 lần, lên mức 2,17 tỷ USD trong năm 2017, vươn lên vị trí thứ tư trong số các nước có vốn FDI đăng ký tại Việt Nam (Hình 1).

Thu hút vốn FDI từ Trung Quốc bằng những dự án công nghệ cao  - Ảnh 1

Từ năm 2011, FDI từ Trung Quốc vào Việt Nam không chỉ gia tăng về quy mô vốn, quy mô dự án đầu tư mà còn không ngừng được mở rộng. Từ mức trung bình 1,5 triệu USD/dự án vào năm 2007, các dự án của Trung Quốc đang tăng hơn 3 lần về quy mô, lên mức trung bình 5 triệu USD/dự án vào năm 2017. Đặc biệt, ở Việt Nam ngày càng có nhiều dự án FDI lớn với trị giá hàng trăm triệu USD, điển hình như: Dự án Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 1 với tổng số vốn khoảng 2 tỷ USD, cụm công nghiệp Lan Sơn và Nhà máy Nhựa Khải Hồng Việt với số vốn lên tới 150 triệu USD...

Trung Quốc cũng thực hiện đa dạng hóa cách thức đầu tư. Trước đây, các doanh nghiệp (DN) Trung Quốc đầu tư thông qua hình thức liên doanh, mua lại các DN Việt Nam thì hiện nay, ngày càng có nhiều dự án 100% vốn FDI được thành lập. Chỉ tính riêng năm 2017, đã có 284 dự án đầu tư mới được hình thành với tổng số vốn lên tới 1,41 tỷ USD. Ngành nghề và địa bàn đầu tư của Trung Quốc cũng được mở rộng. Không chỉ tập trung vào các ngành dịch vụ, dòng vốn FDI từ Trung Quốc đang chuyển hướng sang các ngành chế biến, chế tạo. Trong đó, riêng dệt may và các ngành chế biến kim loại đã chiếm hơn 50% tổng lượng vốn. Trung Quốc cũng "rót vốn" đầu tư vào trên 50 tỉnh, thành phố tại Việt Nam, trong đó, tập trung chủ yếu vào các địa phương có lợi thế về địa hình, sát biển, đông dân cư hoặc gần Trung Quốc như Bình Thuận, Hà Tĩnh, Bình Dương, Lào Cai...

Cơ cấu vốn FDI đăng ký của Trung Quốc vào Việt Nam năm 2017 so với năm 2011 có sự gia tăng đáng kể về số vốn đăng ký. Nếu năm 2011, số vốn FDI đăng ký của Trung Quốc vào Việt Nam (bao gồm cả Đài Loan) là 1,3 tỷ USD, thì đến năm 2017, con số này đã tăng lên 2,7 lần, trung bình mỗi năm tăng khoảng 18%. Cơ cấu vốn đầu tư của Trung Quốc vào Việt Nam trong tổng số vốn đăng ký của khu vực FDI là 12%, đứng thứ tư, sau Nhật Bản (30%), Hàn Quốc (28%) và Singapore (19%) (Bảng 1).

Bảng 1: Cơ cấu vốn đầu tư đăng ký của một số nước châu Á vào việt nam (%)

Năm

2011

2012

2013

2014

2015

2016

2017

Tổng số

100,0

100,0

100,0

100,0

100,0

100,0

100,0

Châu Á

78,3

82,6

86,3

84,5

75,3

81,0

82,6

Hàn Quốc

12,6

9,5

23,1

41,6

38,4

36,6

28,4

Đặc khu hành chính Hồng Kông (Trung Quốc)

28,3

5,4

3,8

16,4

6,3

7,7

5,1

Singapore

18,9

14,3

24,7

15,6

11,5

11,1

19,2

Nhật Bản

21,5

41,4

30,4

12,4

9,9

13,9

30,0

Đài Loan (Trung Quốc)

4,7

19,7

3,3

6,6

8,1

10,1

5,0

CHND Trung Hoa

6,2

2,7

12,1

2,7

4,1

9,8

7,0

Malaysia

3,8

1,8

0,8

2,1

13,6

4,3

1,0

Thái Lan

1,7

1,5

1,1

1,3

1,9

3,4

2,0

Brunei

0,7

0,1

0,4

0,5

1,1

1,6

0,2

Indonesia

0,1

0,4

0,2

0,3

0,1

0,1

0,1

Ấn Độ

0,2

0,1

0,0

0,2

0,8

0,5

0,6

Nguồn: Tổng cục Thống kê

Vốn FDI của Trung Quốc vào Việt Nam ngày càng tăng chủ yếu là do những yếu tố sau:

Thứ nhất, hoạt động đầu tư của các DN trong lĩnh vực dệt may, xơ sợi hay da giày vốn nằm trong lộ trình điều chỉnh chính sách ngành của Trung Quốc. Các ngành thâm dụng lao động, có tác động tiêu cực đến môi trường và dễ mất sức cạnh tranh khi chi phí lao động tăng cao.

Thứ hai, hoạt động đầu tư của các DN ngành Thép Trung Quốc sang Việt Nam nhằm tận dụng ưu đãi thuế suất khi xuất khẩu sang thị trường Mỹ để tránh bị chú ý điều tra. Đây là sự chệch hướng thương mại vẫn thường xuyên diễn ra trong kỷ nguyên các Hiệp định thương mại tự do (FTA).

Thứ ba, sau Đại hội XIX Đảng Cộng sản Trung Quốc, việc đẩy mạnh các chiến lược phát triển kinh tế đặc biệt là sáng kiến “Vành đai và Con đường” của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã và đang, tạo ra ảnh hưởng ngày càng mạnh mẽ đối với kinh tế các nước trong khu vực, trong đó có Việt Nam.

Thứ tư, ngoài Hiệp định CPTPP, Việt Nam đã ký kết FTA với Liên minh châu Âu (EU). Thuế suất đối với hàng vải sợi, da giày... của Việt Nam sang EU hiện ở mức 8% và sẽ giảm về 0% sau 6 năm kể từ ngày thực thi. FTA giữa Việt Nam và EU cũng đơn giản hóa Quy tắc xuất xứ (ROO) bằng quy tắc chuyển đổi kép. Đây là cơ hội rất lớn cho các DN Trung Quốc, nếu muốn xuất khẩu sang thị trường châu Âu.

Một số tồn tại, hạn chế

Bên cạnh kết quả đạt được ở trên, tình hình thu hút vốn FDI của Trung Quốc vào Việt Nam còn một số tồn tại, hạn chế sau:

Thứ nhất, so với các nước Đông Á khác, lượng vốn FDI của Trung Quốc vào Việt Nam hiện nay còn quá nhỏ, chưa tương xứng với tiềm năng.

Thu hút vốn FDI từ Trung Quốc bằng những dự án công nghệ cao  - Ảnh 2

Mặc dù, không thiếu dự án FDI lớn của Trung Quốc đầu tư vào Việt Nam, song nếu “chia đều”, thì quy mô vốn đầu tư của các dự án FDI của Trung Quốc không lớn, chỉ dịnh xấp xỉ 7 triệu USD/dự án, trong khi quy mô vốn trung bình của các dự án FDI vào Việt Nam nói chung là 13 triệu USD. Tính lũy kế trong mấy thập kỷ thu hút FDI, Việt Nam mới thu hút được trên 11,2 tỷ USD từ Trung Quốc, đây là con số khá khiêm tốn.

Thứ hai, dòng vốn FDI của Trung Quốc đầu tư vào Việt Nam chưa phù hợp với quy hoạch phát triển ngành và vùng kinh tế của nước ta. FDI của Trung Quốc không chú ý đến các ngành nông, lâm, ngư nghiệp, chỉ chú ý nhiều đến khai thác tài nguyên của Việt Nam. Đây là cơ cấu đầu tư không mong đợi, vì việc khai thác và sơ chế các loại quặng ở Việt Nam để chuyển nguyên liệu về Trung Quốc không mang lại lợi ích kinh tế cho Việt Nam, tác động xấu đến môi trường và sự phát triển bền vững của Việt Nam.

Thứ ba, công nghệ của Trung Quốc phần lớn là công nghệ lạc hậu, gây ô nhiễm môi trường. Mục tiêu của Trung Quốc là dịch chuyển các cơ sở sản xuất thâm dụng nhiều lao động, mức lương thấp, hàng hóa giá rẻ và công nghệ không cao ra nước ngoài. Đây chính là hạn chế lớn nhất của các DN FDI Trung Quốc tại Việt Nam.

Thứ tư, cùng với FDI, Trung Quốc thường xuyên nhập ồ ạt hàng hoá tiêu dùng với giá rẻ mạt gây bất lợi cho một số ngành sản xuất hàng tiêu dùng của nước sở tại nhất là những ngành mới phát triển.

Thứ năm, cùng với các dự án đầu tư thì người lao động Trung Quốc kéo theo ngày càng nhiều, tạo ra nhiều vấn đề phức tạp, nếu không sớm có giải pháp thì rất có thể trở thành vấn đề “quốc nạn”.

Đẩy mạnh thu hút đầu tư công nghệ cao của Trung Quốc vào Việt Nam

Để khắc phục những tồn tại, hạn chế trong thu hút vốn FDI của Trung Quốc vào Việt Nam, cần tập trung triển khai một số nội dung sau:

Thứ nhất, Nhà nước cần chuyển trọng tâm sang kiến tạo một môi trường kinh doanh minh bạch, cạnh tranh; thúc đẩy tinh thần kinh doanh khuyến khích đầu tư và đổi mới/chuyển giao công nghệ; Cải thiện kết cấu hạ tầng, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Điều này vừa tạo sự hấp dẫn FDI có hiệu quả, vừa thúc đẩy DN Việt Nam lớn mạnh.

Thứ hai, chính sách thu hút đầu tư vốn FDI từ Trung Quốc như phù hợp với cam kết hội nhập quốc tế và bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0. Trong đó, cần đảm bảo công nghệ các dự án của Trung Quốc đầu tư vào Việt Nam phải là công nghệ cao, hiện đại, không ảnh hưởng xấu tới môi trường.

Thứ ba, kiên quyết không cấp phép, thu hồi giấy phép đối với những dự án FDI không bảo đảm tiêu chuẩn lao động, tiền lương, không phù hợp với lợi ích cộng đồng, không bảo đảm an toàn lao động, nhất là các dự án gây ô nhiễm môi trường… 

Thứ tư, thu hút FDI công nghệ cao, Việt Nam cần chủ động xúc tiến đầu tư để mang lại nhiều giá trị gia tăng nhất gồm: Chế tạo chế biến, dịch vụ logistics, nông nghiệp, du lịch, giáo dục - y tế...      

Tài liệu tham khảo:

  1. Cục Đầu tư nước ngoài (2017), Số liệu thống kê tình hình thu hút vốn FDI năm 2017;
  2. Viện Nghiên cứu Trung Quốc (2014), Đầu tư trực tiếp của Trung Quốc tại Việt Nam sau hơn 20 năm nhìn lại;
  3. Mỹ Lệ (2017), Mừng và lo với thu hút FDI từ Trung Quốc;
  4. Nguyên Đức (2017), Giải bài toán khai thác tiềm năng vốn FDI từ Trung Quốc, Báo Đầu tư.