Định hướng nào cho thu hút FDI trong kỷ nguyên mới?
Trong xu hướng hội nhập kinh tế và để thích ứng với cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4, Việt Nam cần có những định hướng mới, những chính sách thu hút đầu tư nước ngoài.
30 năm mở cửa thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), đã khẳng định đây là chủ trương đúng đắn, góp phần to lớn vào việc thực hiện nhiều mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội.
Tuy nhiên, trong xu hướng hội nhập kinh tế quốc tế và để thích ứng với cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4, Việt Nam cần có những định hướng mới, những chính sách thu hút đầu tư nước ngoài đảm bảo đem lại hiệu quả cao hơn, có giá trị bền vững hơn.
Để tìm hiểu rõ hơn về những định hướng và chính sách thu hút FDI trong thời gian tới, bên lề Hội nghị tổng kết 30 năm đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, BNEWS đã ghi nhận một số ý kiến, quan điểm xung quanh vấn đề này.
Ông Nguyễn Văn Thành, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc: Đảm bảo môi trường là tiên quyết
Trong 20 năm qua, Vĩnh Phúc luôn sử dụng lợi thế của mình để thu hút các dòng vốn đầu tư và nguồn lực nước ngoài vào phát triển kinh tế xã hội. Tuy nhiên, nguyên tắc của Vĩnh Phúc là phát triển, đi đôi với bền vững, gìn giữ môi trường và bảo đảm đời sống nhân dân, chứ không chỉ nhìn vào tăng trưởng nhất thời và con số về đầu tư.
Thực tế minh chứng, 20 năm vừa qua, số doanh nghiệp FDI đầu tư và Vĩnh Phúc thấp và ít so với các tỉnh nhưng đều là các nhà đầu tư làm ăn có hiệu quả, tỷ trọng vốn thực hiện/tổng vốn đăng ký đầu tư vào tỉnh cao. Doanh nghiệp đăng ký bao nhiêu, họ thực hiện bấy nhiêu và tỉnh giám sát rất kỹ.
Trường hợp không thực hiện được, các nhà đầu tư đều có điều chỉnh. Thêm nữa, Vĩnh Phúc lựa chọn rất kỹ các dòng sản phẩm sản xuất, nên dù số lượng sản phẩm của doanh nghiệp FDI sản xuất tại Vĩnh Phúc không nhiều nhưng đều có thương hiệu và chiếm thị phần rất lớn (như ô tô, xe máy, gạch ốp lát, đồ may mặc...) sang các thị trường như Mỹ, châu Âu….
Bên cạnh đó, Vĩnh Phúc nhận thức rõ bằng bất cứ giá nào phải đảm bảo vấn đề môi trường. Vĩnh Phúc đã từ chối 2 dự án hàng trăm triệu đô la Mỹ (USD) đã thể hiện rõ quan điểm này. Dù không khẳng định là dự án không tốt, nhưng việc từ chối là vì dự án không phù hợp với tiêu chí của tỉnh.
Vĩnh Phúc có đặc thù riêng, phân bổ dân cư riêng, trong điều kiện đất hẹp nên yêu cầu đặt ra là thu hút đầu tư căn cứ vào việc lựa chọn sản phẩm, công nghệ có giá trị gia tăng cao, sử dụng ít đất, ít lao động và không ô nhiễm môi trường.
Ông Don Lam, Thành viên sáng lập và là Giám đốc điều hành Tập đoàn VinaCapital: Tạo dựng môi trường đầu tư công bằng
Muốn lôi kéo các nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam cần tăng cường quảng bá thành công của các dự án FDI… Khi các nhà đầu tư nước ngoài thấy doanh nghiệp này thành công họ mới tin tưởng mình sẽ thành công. Như vậy mới có thể kêu gọi họ đến đầu tư. Vấn đề quan trọng là Việt Nam cần có chính sách tạo sự công bằng giữa các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài.
Ông Kyle F.Kelhofer, Giám đốc cao cấp khu vực Việt Nam - Campuchia - Lào (Tổ chức tài chính quốc tế - IFC): Xúc tiến đầu tư thụ động sang chủ động
Chiến lược thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài thế hệ mới cần chuyển trọng tâm từ việc tìm kiếm nhà đầu tư phù hợp với những gì Việt Nam đang có sang xây dựng môi trường đầu tư, để tìm kiếm các nhà đầu tư mà Việt Nam cần thu hút. Khi xây dựng chiến lược thu hút FDI phải linh hoạt, có điều chỉnh cần thiết, phù hợp với thay đổi từ phía doanh nghiệp nước ngoài.
Việt Nam phải chuyển từ xúc tiến đầu tư thụ động sang chủ động có mục tiêu. Xây dựng môi trường đầu tư 4.0 phù hợp với nhu cầu của doanh nghiệp trong thời đại công nghệ số. Việt Nam phải có sự nhảy vọt từ thế “bám đuổi” sang tạo lập môi trường đầu tư vượt trội.
Những quy định kiểu giấy tờ hành chính đã lạc hậu cần thay thế bằng giải pháp trực tuyến thuận lợi cho người sử dụng. Thay thế phương thức “chọn - cho” phức tạp, lạc hậu với giấy phép, chấp thuận, ưu đãi…bằng phương thức “chọn - bỏ” hoàn thiện hơn”...
Tiến sĩ Huỳnh Thế Du (Đại học Fulbright Việt Nam): Tạo dựng đội ngũ nhân sự có trình độ cao
Việt Nam cần có chính sách hợp lý nhằm khai thác tốt tiềm năng của nguồn vốn FDI và giảm thiểu tác động không mong đợi. Chúng ta cần phân định rõ vấn đề thu hút FDI và khai thác cơ hội từ FDI.
Để khai thác tốt lợi thế từ FDI và nâng cao khả năng cạnh tranh, năng suất của nền kinh tế, Việt Nam cần tạo dựng hệ thống giáo dục để đào tạo đội ngũ nhân sự có trình độ cao với khả năng đổi mới sáng tạo tốt hơn. Bằng cách này, Việt Nam mới có đủ điều kiện để tiếp cận khoa học công nghệ mới của các doanh nghiệp FDI, xoá bỏ rào cản và tình trạng FDI là “ốc đảo” trong nền kinh tế Việt Nam.