Thu ngân sách nhà nước năm 2022 tăng 28,8% so với dự toán

Trần Huyền

Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc, Chính phủ đã chỉ đạo triển khai quyết liệt, đồng bộ nhiều giải pháp quản lý, điều hành thu, chi ngân sách nhà nước (NSNN), góp phần tích cực vào việc hoàn thành thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội. Trong đó, thu ngân sách tăng 28,8%, chi ngân sách bằng 86,9%, bội chi ngân sách giảm 33,7% dự toán.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc.

Chính sách tài khoá được điều hành chủ động, tích cực

Tại phiên họp chiều ngày 30/5 của Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Báo cáo quyết toán NSNN năm 2022. Theo Bộ trưởng, năm 2022, tình hình thế giới, khu vực có nhiều biến động rất nhanh, phức tạp, khó lường. Xung đột vũ trang tại Nga - Ukraine kéo dài, đã tác động đến thị trường tài chính, hoạt động đầu tư và thương mại toàn cầu.

Trong nước, dịch COVID-19 đã được kiểm soát tốt nhưng nền kinh tế phát sinh nhiều khó khăn, thách thức từ những biến động bên ngoài; hoạt động sản xuất kinh doanh của một số lĩnh vực còn rất khó khăn, thiên tai, biến đổi khí hậu diễn biến phức tạp... tác động không thuận lợi đến khả năng phục hồi, phát triển kinh tế sau đại dịch.

Trong bối cảnh đó, các chính sách tài khóa đã được điều hành chủ động, tích cực, kịp thời tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người dân. Vì vậy, cùng với các chính sách vĩ mô khác, nền kinh tế đã phục hồi tích cực; kinh tế vĩ mô ổn định, tăng trưởng GDP đạt 8,02%; quốc phòng, an ninh được giữ vững; an sinh xã hội được đảm bảo; tín nhiệm quốc gia được nâng lên.

Đặc biệt, thực hiện các chính sách tài khóa hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội của Quốc hội, trong đó có Nghị quyết số 43/2022/QH15, Chính phủ đã ban hành các chính sách miễn, giảm gia hạn thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất đã hỗ trợ trực tiếp giúp các doanh nghiệp giảm các nghĩa vụ tài chính, gia tăng thanh khoản, giảm chi phí giá vốn, vượt qua khó khăn, duy trì, ổn định, mở rộng sản xuất kinh doanh, đóng góp vào quá trình phục hồi và phát triển của nền kinh tế.

Các chính sách đã huy động kịp thời mọi nguồn lực, từ NSNN, nguồn huy động đóng góp, viện trợ từ các tổ chức và cá nhân trong, ngoài nước và các nguồn lực tài chính khác, đảm bảo nguồn lực phòng chống dịch, hỗ trợ doanh nghiệp, người dân bị ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, duy trì nguồn lực cho đầu tư phát triển, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Công tác quản lý thu NSNN được thực hiện quyết liệt dẫn đến kết quả thu NSNN không những bù đắp số giảm thu do thực hiện các chính sách miễn, giảm thuế hỗ trợ cho doanh nghiệp và người dân (chưa được tính trong dự toán) mà còn vượt so với dự toán. Qua đó, đảm bảo nguồn lực, tăng chi đầu tư phát triển; thực hiện các nhiệm vụ cấp bách phát sinh. Đồng thời, tiếp tục tích lũy dành nguồn thực hiện cải cách chính sách tiền lương theo Nghị quyết số 27-NQ/TW của Trung ương.

Chi NSNN được quản lý chặt chẽ, cắt giảm các nhiệm vụ chi chưa thực sự cần thiết, chậm triển khai; triệt để tiết kiệm, giảm chi thường xuyên, tăng chi đầu tư. Đồng thời, tăng cường thanh tra, kiểm tra, nâng cao kỷ luật, kỷ cương, nâng cao hiệu quả hoạt động thu, chi NSNN, quản lý, sử dụng tài sản công. Cân đối ngân sách các cấp được đảm bảo; giảm bội chi NSNN so với dự toán, nợ công giảm và thấp hơn mức trần ngưỡng cảnh báo quy định tại Nghị quyết Quốc hội, tiếp tục cơ cấu bền vững nợ công; hệ số tín nhiệm quốc gia được nâng lên.

Thu ngân sách nhà nước tăng 28,8%

Căn cứ quy định của Luật NSNN, Chính phủ báo cáo Quốc hội một số nội dung trọng yếu về Báo cáo quyết toán NSNN năm 2022. Theo đó, dự toán thu NSNN là 1.413.408 tỷ đồng; quyết toán là 1.820.310 tỷ đồng, tăng 406.902 tỷ đồng (28,8%) so với dự toán. Tỷ lệ huy động vào NSNN đạt 19,1% GDP, riêng từ thuế và phí đạt 15,16% GDP.

Dự toán chi NSNN là 1.855.641 tỷ đồng; quyết toán là 1.750.790 tỷ đồng, giảm 104.851 tỷ đồng (5,7%) so với dự toán; trong đó quyết toán chi NSTW là 651.408 tỷ đồng, bằng 86,7% so với dự toán; quyết toán chi NSĐP là 1.099.382 tỷ đồng, bằng 99,6% so với dự toán.

Về bội chi NSNN, dự toán là 442.233 tỷ đồng, trong đó: dự toán bội chi theo Nghị quyết số 34/2021/QH15 là 372.900 tỷ đồng, bằng 4% GDP; quyết toán là 293.313 tỷ đồng, bằng 3,07% GDP thực hiện, giảm 148.920 tỷ đồng (33,7%) so với dự toán. Về tổng mức vay của NSNN, dự toán là 642.019 tỷ đồng; quyết toán là 488.406 tỷ đồng, giảm 153.613 tỷ đồng (23,9%) so với dự toán.

Trên cơ sở đó, Chính phủ trình Quốc hội phê chuẩn quyết toán NSNN năm 2022 với tổng số thu cân đối NSNN là 2.713.787 tỷ đồng. Trong đó, số thu NSNN theo dự toán là 1.820.310 tỷ đồng, thu chuyển nguồn năm 2021 sang năm 2022 là 776.351 tỷ đồng, thu từ kết dư năm 2021 là 115.007 tỷ đồng và thu từ quỹ dự trữ tài chính theo quy định của Luật NSNN là 2.119 tỷ đồng.

Trình phê chuẩn tổng số chi cân đối NSNN là 2.897.466 tỷ đồng. Trong đó, chi NSNN theo dự toán là 1.750.790 tỷ đồng, chi chuyển nguồn sang năm 2023 là 1.146.676 tỷ đồng. Bội chi NSNN 293.313 tỷ đồng, bao gồm: bội chi NSTW là 287.397 tỷ đồng, bội chi NSĐP là 5.916 tỷ đồng; tổng mức vay của NSNN là 488.406 tỷ đồng.