Thu ngân sách Quảng Ninh: Quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ năm 2014

PV. (Tổng hợp)

(Tài chính) Vượt qua khó khăn, thách thức đặt ra năm 2013, thu ngân sách nhà nước của tỉnh Quảng Ninh “cán đích” đúng hẹn vào những ngày cuối năm khi đạt 100% kế hoạch dự toán thu ngân sách của tỉnh và của Bộ Tài chính giao. Đây là cơ sở vững chắc để Quảng Ninh bước vào thực hiện nhiệm vụ năm 2014 bằng những kinh nghiệm của năm cũ và giải pháp phù hợp trong điều kiện của năm mới…

Cán bộ Cục Thuế Quảng Ninh kiểm tra việc chấp hành chính sách pháp luật thuế tại DN
Cán bộ Cục Thuế Quảng Ninh kiểm tra việc chấp hành chính sách pháp luật thuế tại DN

Dốc sức cho nhiệm vụ thu

Có thể nói, chưa có năm nào sức ép hoàn thành nhiệm vụ thu ngân sách nhà nước (NSNN) lại nặng nề đối với Quảng Ninh như năm 2013. Cho đến những ngày cuối cùng của năm, hoạt động thu ngân sách trên địa bàn Tỉnh vẫn diễn ra hết sức khẩn trương không kể ngày nghỉ, ngoài giờ hành chính. Bằng tinh thần khẩn trương, trách nhiệm, quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ nên khép lại một năm Quảng Ninh đã hoàn thành dự toán thu ngân sách giao…

Nhìn lại năm 2013 có thể thấy, khủng hoảng kinh tế dù đã giảm nhưng vẫn còn ảnh hưởng nặng nề tới sự phát triển của hầu hết các lĩnh vực kinh tế. Các DN vẫn hoạt động cầm chừng; các dự án đầu tư trên địa bàn (vốn là thế mạnh của tỉnh) cũng giảm sút khá nhiều; hàng loạt các giải pháp miễn, giảm, gia hạn nợ thuế cho DN của Nhà nước đã khiến cho nguồn thu ngân sách địa phương bị giảm đi khá nhiều. Đến tháng 9/2013, tỉnh vẫn dự kiến số thu cả năm sẽ bị hụt. Theo đó, số thu NSNN trên địa bàn tỉnh ước thực hiện năm 2013 chỉ đạt khoảng 29.409 tỷ đồng, bằng 86,9% so dự toán năm, hụt thu trên 4.400 tỷ đồng. Trong đó, thu XNK hụt thu khoảng 1.760 tỷ đồng; còn phần thu nội địa theo tính toán cũng sẽ hụt thu tới trên 2.660 tỷ đồng. Nếu bù đắp số hụt thu như dự kiến kể trên để hoàn thành dự toán, thu NSNN trong những tháng cuối năm phải phấn đấu đạt cao hơn dự kiến là 3.404 tỷ đồng. Như vậy, trong quý IV, bình quân thu XNK phải đạt 66 tỷ đồng/ngày, còn số thu nội địa là 54,7 tỷ đồng/ngày.

Để giải bài toán khó này, bên cạnh những giải pháp thu ngân sách đã triển khai từ đầu năm, đáng chú ý, từ tháng 9/2013, hàng hoạt các giải pháp tăng thu đều đã tăng tốc. Đối với các khoản thu nội địa, các đơn vị trong Cục Thuế Tỉnh đã tập trung rà soát, truy thu một số khoản sau chính sách giãn, miễn, giảm thuế năm 2012 của các đối tượng thụ hưởng. Các giải pháp tăng thu của Cục Thuế Tỉnh năm 2013 được đánh giá rất cao về tính hiệu quả, tạo chuyển biến lớn trong việc nâng cao số thu nội địa. Theo báo cáo của Cục Thuế Quảng Ninh, năm 2013, đơn vị đã thực hiện rà soát gần 30.000 lượt hồ sơ khai thuế, yêu cầu điều chỉnh tăng thu thêm 100 tỷ đồng. Thanh tra, kiểm tra trên 1.000 DN, xử lý truy thu gần 250 tỷ đồng; giảm lỗ trên 780 tỷ đồng. Riêng thanh tra chuyên đề đối với 138 DN khối kinh doanh nhà nghỉ, ăn uống, du lịch lữ hành, xử lý truy thu thuế trên 23 tỷ đồng, giảm lỗ 71 tỷ đồng. Song song với đó, để nâng cao số thu ngân sách nội địa, tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành liên quan tích cực đôn đốc việc quyết toán, phấn đấu làm thủ tục ghi thu, ghi chi đối với các dự án đã hoàn thành XDCB. Còn đối với số thu XNK, đại diện lãnh đạo Cục Hải quan tỉnh cho biết: Để nâng cao số thu từ DN, các đơn vị hải quan trên địa bàn đã tăng cường làm việc với các DN có số thu lớn qua địa bàn, các DN liên doanh đầu tư, DN kinh doanh cảng để động viên, tạo điều kiện thuận lợi, thu hút các DN làm thủ tục tại địa bàn. Từ những nỗ lực này, lượng hàng hoá của các DN về làm thủ tục hải quan tại Quảng Ninh cuối năm tăng mạnh. Đặc biệt phải kể tới số DN trước đây chưa từng làm thủ tục hải quan tại Quảng Ninh đã đóng góp gần 2.000 tỷ đồng trong số thu ngân sách của ngành trong những tháng cuối năm. Năm 2013, cũng là năm số thu XNK đạt cao nhất từ trước tới nay của Hải quan địa phương.

Song song với việc chỉ đạo điều hành các giải pháp thu tại địa phương, lãnh đạo tỉnh đã đề xuất với Chính phủ, các bộ, ngành tháo gỡ khó khăn liên quan đến hoạt động của ngành Than, thu tạm nhập tái xuất… và đã được giải quyết kịp thời. Nhờ các giải pháp quyết liệt này, cho tận đến những ngày cuối cùng của năm 2013, thu ngân sách trên địa bàn đã chạm đích, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Tính đến hết ngày 31/12/2013, tổng thu NSNN đạt trên 33.846 tỷ đồng, đạt 100% dự toán tỉnh giao. Trong đó, số thu nội địa đạt 15.598 tỷ đồng, đạt 104% so với dự toán; thu XNK 18.248 tỷ đồng, đạt 97% dự toán. 14/14 địa phương trên địa bàn tỉnh hoàn thành số thu được giao. Năm 2013 là năm tỉnh có số thu nội địa cao nhất từ trước tới nay. Nhờ đó, toàn bộ chương trình, kế hoạch tỉnh dự kiến từ đầu năm đã cơ bản hoàn thiện, hàng loạt dự án trọng điểm đi vào hoạt động.

Tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp

Năm 2013 là một năm khó khăn đối với DN, những khó khăn này ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả thu NSNN trên Chính vì vậy, song song với việc thực hiện đôn đốc DN thực hiện đầy đủ nghĩa vụ đóng thuế với Nhà nước, Cục Thuế Tỉnh cũng đã thực hiện nhiều giải pháp hỗ trợ DN.

Một trong những giải pháp tích cực và hiệu quả nhất đó là việc thực hiện nhanh chóng và đầy đủ gia hạn, miễn, giảm nộp thuế cho DN trên địa bàn. Theo đó, ngay khi có chỉ đạo của Tổng Cục thuế, Cục Thuế Quảng Ninh đã khẩn trương yêu cầu các đơn vị ngành Thuế trên địa bàn rà soát danh sách đối tượng DN nằm trong diện được ưu tiên, hỗ trợ về thời gian và số tiền nộp thuế; tiến hành phân loại đối tượng và tính lại thuế mới. Thống kê sơ bộ, trong hai năm 2012 và 2013 đã có trên 100.000 lượt cá nhân và DN được miễn thuế, giảm thuế, gia hạn nộp thuế với số tiền trên 413 tỷ đồng. Riêng năm 2013, Cục Thuế địa phương đã áp dụng nhiều chính sách ưu đãi cho hàng ngàn DN trên địa bàn; thực hiện miễn, giảm, gia hạn thuế trên 250 tỷ đồng…

Nhằm tạo điều kiện tháo gỡ khó khăn cho các DN, Cục Thuế tỉnh đã tổ chức hội nghị đối thoại để kịp thời giải đáp, tháo gỡ những vướng mắc về chính sách Thuế. Tại các buổi đối thoại trực tiếp lãnh đạo Cục Thuế đã trả lời tất cả các kiến nghị, thắc mắc của doanh nghiệp và chỉ đạo các Chi cục Thuế địa phương giải quyết ngay những nội dung kiến nghị của doanh nghiệp trong phạm vi thẩm quyền cho phép. Điều này được cộng đồng doanh nghiệp đánh giá cao.

Việc ngành Thuế thực hiện nhanh chóng các chính sách hỗ trợ về thuế cho DN đã giúp cho DN địa phương yên tâm hơn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của mình. Đồng thời, cũng có 1 khoản vốn nhỏ để xoay vòng sản xuất. Trong giai đoạn này, khi không phải DN nào cũng có thể tiếp cận vốn ngân hàng, thì số vốn trên cũng rất cần thiết. Ngoài ra, chính sự phối hợp nghiêm túc, trách nghiệm của ngành Thuế cũng là sự khích lệ cho DN.

Cùng với việc thực hiện giãn, giảm, gia hạn thuế cho DN, ngành Thuế đang tiếp tục đẩy nhanh cải cách hành chính, trong đó có việc thực hiện kê khai thuế qua mạng nhằm tạo điều kiện tối đa cho người nộp thuế, đặc biệt là đối với DN. Thay vì phải đến tận trụ sở các cơ quan thuế trực tiếp như trước đây, hiện nay thông qua hệ thống dữ liệu đã được cài đặt sẵn, DN có thể nộp tờ khai 24/24 giờ trong ngày, 7 ngày trong tuần và ở bất cứ đâu có kết nối mạng internet. Các lệnh trong kê khai điện tử khá đơn giản, nhanh chóng. Những sai sót của DN trong quá trình kê khai cũng sẽ sớm được phản hồi, giúp DN sửa lại lỗi kê khai nhanh chóng mà không phải mất thời gian đi lại, chờ đợi của cán bộ thuế. Với tiện ích thiết thực mang lại của việc khai thuế qua mạng, đến nay trên địa bàn tỉnh đã có trên 70% DN thực hiện khai thuế qua mạng. Ngoài ra, DN hiện nay còn được trao quyền tự chủ trong việc tự in hoá đơn, xác định số lượng hoá đơn sử dụng, tự đặt in hoá đơn, ký hợp đồng đặt in hoá đơn và thông báo phát hành hoá đơn trước khi sử dụng. Cục Thuế cũng đã mở rộng việc nộp thuế qua các ngân hàng thương mại, giúp người nộp thuế giảm thời gian, chi phí đi lại, nộp tiền thuế kịp thời vào NSNN.

Với những giải pháp cụ thể, hiệu quả trên đã hỗ trợ khá đắc lực cho DN địa phương không chỉ trong hoạt động liên quan đến việc kê khai, nộp thuế và còn giúp DN yên tâm hơn trong phát triển hoạt động sản xuất kinh doanh của mình. Để tạo điều kiện tốt hơn cho người nộp thuế, Cục Thuế đã và đang chỉ đạo các đơn vị thuế ở địa phương tiếp tục đẩy mạnh hoạt động hỗ trợ đối tượng người nộp thuế, đặc biệt là các DN.

Quyết tâm từ đầu năm mới

Năm 2014, dự toán tổng thu NSNN trên địa bàn đã được Hội đồng nhân dân Tỉnh giao là 32.491 tỷ đồng. Trong đó, thu nội địa là 13.741 tỷ đồng, bằng 92% so với dự toán năm 2013; thu hoạt động XNK 18.750 tỷ đồng, bằng 99% dự toán. Số thu này đã được điều chỉnh giảm hơn so với dự toán năm 2013 để phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương. Mặc dù vậy, áp lực thu ngân sách năm nay không vì thế mà giảm hơn so với năm 2013.

Mục tiêu năm 2014 của tỉnh không chỉ hoàn thành nhiệm vụ thu trên địa bàn mà còn phải vượt thu để đảm bảo các chương trình đầu tư cho phát triển tại địa phương. Do vậy nhiệm vụ thu năm nay cực kỳ khó khăn và phải quyết liệt ngay từ đầu năm. Về phía Trung ương, ngay từ đầu tháng 1, tỉnh đã đề xuất với Chính phủ, và các bộ, ngành quan tâm, sớm có chỉ đạo cho tỉnh về 2 nội dung: Cơ chế thu hút nguồn lực BOT, BT (nhất là đầu tư nước ngoài BOT) vì hiện nay nội dung này chưa có hướng dẫn cụ thể để địa phương thực hiện. Liên quan đến một số dự án động lực, tỉnh rất mong muốn có thêm cơ chế thu hút đầu tư trong một số lĩnh vực đặc biệt như đầu tư cơ sở vui chơi có thưởng, casino…

Đối với hoạt động điều hành tại địa phương, tiếp tục củng cố và tăng cường hoạt động của Ban Chỉ đạo điều hành thu - chi ngân sách. Các cấp, các ngành, các địa phương chỉ đạo quyết liệt thực hiện các giải pháp tăng thu ngân sách, rà soát các khoản thu, tận thu và tăng thu từ các dự án đã giao đất; nghiên cứu tăng thu từ phí, lệ phí đối với mọi lĩnh vực theo hướng dịch vụ thị trường, nhất là tìm giải pháp đồng bộ cho lĩnh vực dịch vụ. Đồng thời, tiếp tục thu hút đầu tư; tập trung tháo gỡ khó khăn cho DN để phát triển sản xuất, đóng góp cho số thu ngân sách. Đối với Cục Thuế, đôn đốc thu các khoản nợ đọng; chống thất thu ngân sách và các tiêu cực.

Song song với đó, tỉnh tập trung chỉ đạo kiểm soát chặt chẽ nhiệm vụ chi tránh tiêu cực, lãng phí, chỉ đạo tiết kiệm tối đa chi thường xuyên nhất là chi hội nghị, tiếp khách, đi nước ngoài, các khoản chi ngoài chuyên môn... Bắt đầu từ năm 2014, đối với chi hoạt động môi trường, thị chính công cộng,... của các địa phương sẽ thực hiện lộ trình cắt giảm bao cấp, tăng tính tự chủ và linh hoạt cho các địa phương. Phấn đấu tiết kiệm chi thường xuyên thêm ít nhất 10% kinh phí không tự chủ, tiết kiệm các khoản chi khác.