Thu ngân sách từ kiểm tra sau thông quan tăng 143%

Theo baohaiquan.vn

Bên cạnh việc tổ chức hoạt động nghiệp vụ kiểm tra sau thông quan (KTSTQ), thời gian qua, cơ quan Hải quan đã kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho cộng đồng DN.

Công chức Hải quan Lạng Sơn kiểm tra thực tế hàng nhập khẩu. Nguồn: PV.
Công chức Hải quan Lạng Sơn kiểm tra thực tế hàng nhập khẩu. Nguồn: PV.

Theo Tổng cục Hải quan, từ đầu năm 2018 đến nay, cơ quan Hải quan đã kịp thời giải đáp các khó khăn, vướng mắc cho các đơn vị Hải quan địa phương và DN liên quan đến công tác KTSTQ. Điển hình như việc kịp thời tháo gỡ vướng mắc cho Công ty TNHH Sản phẩm công nghiệp Toshiba Asia, Công ty TNHH Thương mại Phú Gia...

Năm 2017, ngành Hải quan thu nộp ngân sách 2.224 tỷ đồng từ công tác KTSTQ, vượt chỉ tiêu được giao 224 tỷ đồng.

Trong kết quả thu nộp ngân sách năm 2017 của toàn lực lượng KTSTQ, riêng Cục KTSTQ (Tổng cục Hải quan) đóng góp hơn 729,3 tỷ đồng, chiếm gần 33% tổng thu của toàn lực lượng.

Liên quan đến kết quả thực hiện nhiệm vụ KTSTQ đối với hàng hóa XNK của DN, tính hết tháng 2, toàn Ngành đã thực hiện kiểm tra 566 cuộc (trong đó có 502 cuộc tại trụ sở cơ quan Hải quan, 64 cuộc tại trụ sở người khai hải quan).
Từ kết quả kiểm tra, cơ quan Hải quan đã ấn định thuế và xử phạt vi phạm hành chính tổng số tiền 256 tỷ đồng (tăng 41% so với cùng kỳ năm 2017), thực thu vào NSNN 269,3 tỷ đồng (tăng 143% so với cùng kỳ năm 2017, số thực thu có cả số tiền từ các cuộc kiểm tra những năm trước chuyển sang).

Theo Tổng cục Hải quan, thời gian tới, ngành Hải quan tiếp tục triển khai xây dựng dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư 72/2015/TT-BTC ngày 12/5/2015 quy định áp dụng chế độ ưu tiên trong việc thực hiện thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát hải quan đối với hàng hóa XNK của DN.

Đồng thời, tổ chức triển khai hướng dẫn, kiểm tra công tác KTSTQ đối với hàng hóa xuất nhập khẩu theo loại hình khác tại các địa bàn trọng điểm và các tỉnh, thành phố lớn. Lập danh sách DN trọng điểm giao các đơn vị thực hiện KTSTQ; tập trung tổng hợp các vướng mắc bất cập của quy định pháp luật, quy trình KTSTQ và các văn bản hướng dẫn liên quan đến công tác KTSTQ để trình các cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung, đảm bảo cơ sở pháp lý cho triển khai hoạt động KTSTQ.

Một nhiệm vụ cũng được Tổng cục Hải quan chú trọng thực hiện là kịp thời hướng dẫn, giải quyết các khó khăn vướng mắc của DN, các cục hải quan đại phương về chính sách liên quan đến hoạt động KTSTQ.

Đáng chú ý, mới đây, lãnh đạo Tổng cục Hải quan có văn bản 107/TCHQ-KTSTQ chấn chỉnh các cục hải quan địa phương về công tác thu thập thông tin phục vụ công tác KTSTQ.

Lãnh đạo Tổng cục Hải quan yêu cầu các cục hải quan địa phương thực hiện theo đúng quy định tại khoản 2, điều 3 Quy trình KTSTQ ban hành kèm theo Quyết định số 1410/QĐ-TCHQ ngày 14/5/2015 của Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan.

Đặc biệt, việc thu thập thông tin bằng văn bản từ người khai hải quan phải ưu tiên thu thập thông tin từ các nguồn thông tin trên các hệ thống cơ sở dữ liệu và hoạt động nghiệp vụ của ngành Hải quan.

Trường hợp kết quả thu thập thông tin từ cơ quan Hải quan có dấu hiệu rủi ro nhưng chưa đầy đủ, rõ ràng thì người có thẩm quyền quyết định tiến hành thu thập thêm thông tin từ người khai hải quan.