Thu nhập bình quân của người dân tiếp tục được cải thiện
Việt Nam vẫn đạt kết quả tích cực trong tăng trưởng kinh tế và cải thiện đời sống nhân dân. Năm 2024, thu nhập bình quân 1 người 1 tháng tăng 9,1% so với năm 2023. Chi tiêu của người dân đã tăng trở lại sau dịch bệnh COVID-19 với tốc độ tăng 6,5 % so với năm 2022. Bên cạnh đó, nhà ở và điều kiện sống của người dân ngày càng được cải thiện.

Theo Cục Thống kê (Bộ Tài chính), khảo sát mức sống dân cư năm 2024 cho thấy, mặc dù tình hình thế giới diễn biến phức tạp, khó lường với nhiều yếu tố rủi ro, bất định nhưng kinh tế - xã hội Việt Nam đạt được nhiều kết quả tích cực.
Theo đó, đời sống nhân dân được cải thiện hơn so với năm 2023. Thu nhập bình quân 1 người 1 tháng năm 2024 theo giá hiện hành đạt 5,4 triệu đồng, tăng 9,1% so với năm 2023, cao hơn tốc độ tăng thu nhập của năm 2023 so với năm 2022 (6,2%).
Trong đó, thu nhập bình quân 1 người 1 tháng năm 2024 ở khu vực thành thị đạt 6,9 triệu đồng (tăng 10,1% so với năm 2023), gấp hơn 1,5 lần khu vực nông thôn đạt 4,5 triệu đồng, tăng 8,0% so với năm 2023.
Qua khảo sát mức sống dân cư năm 2024 cho thấy, Đông Nam Bộ là vùng có thu nhập bình quân 1 người 1 tháng cao nhất ở mức gần 7,1 triệu đồng. Vùng có thu nhập bình quân 1 người 1 tháng thấp nhất là Trung du và miền núi phía Bắc chỉ gần 3,8 triệu đồng.
Với mục thu nhập bình quân tăng, chi tiêu của người dân đã tăng trở lại trong đó mức tăng chủ yếu ở khu vực thành thị. Năm 2024, chi tiêu bình quân 1 người 1 tháng ở khu vực thành thị đạt gần 3,8 triệu đồng (tăng 15,4% so với năm 2022).
Mức chi đời sống bình quân 1 người 1 tháng đã tăng song có sự chênh lệnh giữa các nhóm hộ có thu nhập. Cụ thể, năm 2024 chi đời sống bình quân 1 người 1 tháng là 2,8 triệu đồng, chiếm 94,5% trong tổng chi tiêu hộ gia đình, tăng 5,5% so với năm 2022. Mức chi tiêu bình quân này có sự chênh lệch giữa nhóm hộ có thu nhập cao nhất (nhóm 5) và nhóm hộ có thu nhập thấp nhất (nhóm 1) là 3,1 lần.
Trong khảo sát mức sống dân cư năm 2024 cũng cho thấy, tiêu dùng gạo và lương thực quy gạo năm 2024 tiếp tục giảm với lượng gạo tiêu thụ bình quân 1 người 1 tháng là 6,5 kg, giảm 0,4 kg so với năm 2022.
Các hộ gia đình sống ở khu vực nông thôn tiêu thụ nhiều gạo hơn so với các hộ gia đình ở khu vực thành thị. Năm 2024, lượng gạo tiêu thụ ở khu vực nông thôn là 7,1 kg so với 5,5 kg/người/tháng ở khu vực thành thị. Những hộ gia đình thuộc nhóm có thu nhập thấp nhất có lượng gạo tiêu thụ cao hơn so với những hộ gia đình thuộc nhóm có thu nhập cao
Về quy mô hộ gia đình, bình quân nhân khẩu một hộ năm 2024 là 3,5 người, số người trong độ tuổi lao động bình quân 1 hộ là 2,1 người. So với năm 2023, quy mô hộ giảm nhưng số người trong độ tuổi lao động bình quân 1 hộ không thay đổi.
Quy mô hộ gia đình ở khu vực thành thị và nông thôn không có sự khác biệt, với 3,4 người/hộ ở khu vực thành thị và 3,6 người/hộ ở khu vực nông thôn.
Về giáo dục trong giai đoạn từ năm 2014 đến năm 2024, tỷ lệ đi học đúng tuổi ở các cấp đều có xu hướng tăng, đặc biệt là tỷ lệ đi học đúng tuổi ở cấp trung học phổ thông tăng từ 63,1% năm 2014 lên 80,0% năm 2024. Đầu tư cho giáo dục của hộ gia đình ngày càng cải thiện, thể hiện ở chi giáo dục, đào tạo. Cụ thể, năm 2024, bình quân 1 năm cho 1 người đi học là hơn 9,5 triệu đồng tăng 36,3% so với năm 2022 là 7 triệu đồng. Ngoài ra, chi giáo dục, đào tạo cũng đã tăng trở lại sau khi bị giảm do dịch bệnh COVID-19.
Về cơ cấu chi cho giáo dục, đào tạo cho thấy, các khoản chi lớn bao gồm các khoản chi cho học phí, trái tuyến (chiếm 41,1%), học thêm (chiếm 21,4%) và chi giáo dục khác (chiếm 19,3%).
Về y tế, năm 2024, tỷ lệ người có khám chữa bệnh trong 12 tháng giảm 4,4 điểm phần trăm so với năm 2022, trong đó, tỷ lệ khám bệnh ngoại trú giảm 5,3 điểm phần trăm, ngược lại tỷ lệ khám chữa bệnh nội trú tăng 0,6 điểm phần trăm so với năm 2022.
Ngoài ra, năm 2024 có 93,1% người có thẻ bảo hiểm y tế hoặc sổ/thẻ/giấy khám chữa bệnh miễn phí. Không có sự khác biệt nhiều về tiếp cận thẻ bảo hiểm y tế hay sổ/thẻ/giấy khám chữa bệnh miễn phí giữa khu vực thành thị - nông thôn, vùng, mức sống và giới tính. Chi tiêu y tế bình quân 1 người có khám chữa bệnh năm 2024 là hơn 3,5 triệu đồng tăng 41,9% so với 2022. Khu vực thành thị có mức chi y tế bình quân 1 người có khám chữa bệnh cao hơn khu vực nông thôn.
Năm 2024, tỷ lệ hộ nghèo là 2,3%, giảm 1,1 điểm phần trăm so với năm 2023. Đông Nam Bộ là vùng có tỷ lệ hộ nghèo thấp nhất cả nước (0,2%). Trung du và miền núi phía Bắc là vùng có tỷ lệ hộ nghèo cao nhất cả nước (7,8%).
Xét riêng về 12 chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản, các hộ gia đình Việt Nam năm 2024 thiếu hụt nhiều nhất là về việc làm (40,3%), tiếp đến là trình độ giáo dục người lớn (30,7%) và dinh dưỡng (21,4%).

Tỷ lệ hộ thiếu hụt các chỉ số nghèo đa chiều năm 2024
Đơn vị tính: %
Hệ số GINI (theo thu nhập) của Việt Nam năm 2024 là 0,372, không thay đổi nhiều so với năm 2023 và vẫn giữ ở mức bất bình đẳng trung bình. Những vùng có tỷ lệ hộ nghèo cao là những vùng có mức độ bất bình đẳng cao. Do đó, thời gian tới cần tập trung thực hiện tốt các chính sách, chương trình tạo việc làm, nâng cao thu nhập và các chính sách an sinh xã hội tại những vùng này.
Khảo sát mức sống dân cư năm 2024 là cuộc điều tra chọn mẫu nhằm thu thập thông tin, tổng hợp và biên soạn các chỉ tiêu thống kê quốc gia về mức sống hộ dân cư để đáp ứng nhu cầu thông tin thống kê trong việc đánh giá thực trạng đời sống của dân cư; đo lường nghèo và phân hóa giàu nghèo trong cộng đồng dân cư phục vụ hoạch định chính sách, kế hoạch, chương trình mục tiêu quốc gia và phát triển kinh tế - xã hội.
Khảo sát mức sống dân cư năm 2024 được thực hiện trên phạm vi 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, bao gồm 46.995 hộ đại diện cho toàn quốc.
Các thông tin được thu thập trong khảo sát mức sống dân cư năm 2024 gồm: Thu nhập, chi tiêu, nhân khẩu học, giáo dục, y tế, việc làm, đồ dùng lâu bền, nhà ở, điện, nước, điều kiện vệ sinh, tiếp cận các chương trình an sinh xã hội, công nghệ thông tin và truyền thông và một số đặc điểm của xã.