Thu nhập ngoài lương cơ bản có tính đóng BHXH?
Bà Lương Thị Thiên Hương (Hà Nội) ký hợp đồng làm việc tại doanh nghiệp với mức lương 10 triệu đồng/tháng. Trong đó, lương cơ bản là 4,5 triệu đồng, còn lại 5,5 triệu đồng sẽ tính hưởng dựa vào chỉ số KPI đánh giá hiệu quả, năng lực hoàn thành công việc trong tháng.
Tuy nhiên, khoản ngoài lương cơ bản nêu trên bà Hương nhận được hàng tháng cũng khác nhau, có tháng chỉ 80%, 90%. Bà Hương hỏi, khoản ngoài lương cơ bản của của bà có tính đóng BHXH không? Nếu có thì mức tính đóng như thế nào?
Về vấn đề này, BHXH Việt Nam trả lời như sau:
Căn cứ quy định tại Luật BHXH năm 2014; Khoản 1, Khoản 2, Điều 17 Nghị định số 115/2015/NĐ-CP ngày 11/11/2015 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật BHXH về BHXH bắt buộc; Khoản 1, Khoản 2 Điều 30 Thông tư số 59/2015/TT-BLĐTBXH ngày 29/12/2015 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, tiền lương làm căn cứ đóng BHXH bắt buộc từ ngày 1/1/2016 là mức lương và phụ cấp lương; từ ngày 1/1/2018 là mức lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác theo quy định của pháp luật về lao động.
Theo Điều 90 Bộ luật Lao động; Điều 4 Thông tư số 47/2015/TT-BLĐTBXH ngày 16/11/2015 của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội ngày 16/11/2015 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, tiền lương ghi trong hợp đồng lao động bao gồm mức lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác tính theo thời gian của công việc hoặc chức danh theo thang lương, bảng lương do người sử dụng lao động xây dựng theo quy định của pháp luật lao động mà hai bên đã thỏa thuận, đối với người lao động hưởng lương theo sản phẩm hoặc lương khoán thì ghi mức lương tính theo thời gian để xác định đơn giá sản phẩm hoặc lương khoán.
Đối chiếu với các quy định nêu trên, khoản ngoài lương cơ bản được tính hưởng dựa vào chỉ số KPI đánh giá hiệu quả và năng lực hoàn thành công việc trong tháng không làm căn cứ để tính đóng, hưởng BHXH bắt buộc. Do đó, bà cần kiến nghị công ty ghi tiền lương trong hợp đồng lao động theo đúng quy định của pháp luật, làm căn cứ đóng BHXH.