Giấy chứng nhận đầu tư và giấy đăng ký kinh doanh khác nhau thế nào?
Công ty Otsuka OPV JSC (KCN Biên Hòa 2, tỉnh Đồng Nai) đề nghị cơ quan chức năng hướng dẫn cụ thể các quy định liên quan đến Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư (IRC) và Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp (ERC).
Về vấn đề này, Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Đồng Nai có ý kiến như sau:
Theo quy định củaLuật Đầu tưcũ (2005) thì nhà đầu tư nước ngoài có dự án đầu tư gắn với việc thành lập tổ chức kinh tế thì Giấy chứng nhận đầu tư đồng thời là Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh. Tuy nhiên,Luật Đầu tưmới (2014) đã tách bạch hai nội dung trên, cụ thể:
- Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư (IRC): Theo quy định tại Điều 3, Luật Đầu tư 2014, giấy chứng nhận đăng ký đầu tư là văn bản, bản điện tử ghi nhận thông tin đăng ký của nhà đầu tư về dự án đầu tư.
Điều 39, Luật Đầu tư 2014 quy định, nội dung giấy chứng nhận đăng ký đầu tư bao gồm: Mã số dự án đầu tư; tên, địa chỉ của nhà đầu tư; tên dự án đầu tư; địa điểm thực hiện dự án đầu tư, diện tích đất sử dụng; mục tiêu, quy mô dự án đầu tư; vốn đầu tư của dự án; thời gian hoạt động của dự án; tiến độ thực hiện dự án; ưu đãi và các điều kiện đối với dự án...
- Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp (ERC): Theo quy định tại Điều 4,Luật Doanh nghiệp2014, giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp là văn bản hoặc bản điện tử mà cơ quan đăng ký kinh doanh cấp cho doanh nghiệp ghi lại những thông tin về đăng ký doanh nghiệp.
Theo Điều 29, Luật Doanh nghiệp 2014 thì nội dung giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp bao gồm: Tên doanh nghiệp và mã số doanh nghiệp; địa chỉ trụ sở chính của doanh nghiệp; thông tin về người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp; vốn điều lệ.
Các hình thức thực hiện dự án đầu tư tại Việt Nam
Nhà đầu tư nước ngoài có thể thực hiện dự án đầu tư tại Việt Nam thông qua các hình thức như sau:
- Đầu tư thành lập tổ chức kinh tế theo quy định của Luật Đầu tư 2014. Theo đó, Điều 22 của Luật quy định, "Nhà đầu tư được thành lập tổ chức kinh tế theo quy định của pháp luật. Trước khi thành lập tổ chức kinh tế, nhà đầu tư nước ngoài phải có dự án đầu tư, thực hiện thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư theo quy định tại Điều 37 của Luật Đầu tư".
Do đó, nhà đầu tư nước ngoài khi thực hiện đầu tư tại Việt Nam phải thực hiện quy trình sau đây:
Bước 1:Thực hiện lập thủ tục cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư (IRC)
Trường hợp thực hiện dự án đầu tư ngoài khu công nghiệp, nhà đầu tư thực hiện thủ tục Quyết định chủ trương đầu tư và cấp giấy chúng nhận đăng ký đầu tư (IRC) tại Sở Kế hoạch và Đầu tư.
Trường hợp thực hiện dự án đầu tư trong khu công nghiệp, nhà đầu tư thực hiện thủ tục cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư tại Ban Quản lý các Khu công nghiệp.
Bước 2:Thực hiện thủ tục đăng ký doanh nghiệp (ERC)
Sau khi dự án được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư (IRC), nhà đầu tư thực hiện thủ tục cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp (ERC) tại Phòng Đăng ký kinh doanh - Sở Kế hoạch và Đầu tư.
- Đối với việc đầu tư theo hình thức góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp của tổ chức kinh tế. Căn cứ Điều 26 Luật Đầu tư 2014, nhà đầu tư nước ngoài thực hiện thủ tục đăng ký góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp vào tổ chức kinh tế trong các trường hợp: Nhà đầu tư nước ngoài góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp vào tổ chức kinh tế hoạt động trong ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện áp dụng đối với nhà đầu tư nước ngoài; Việc góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp dẫn đến nhà đầu tư nước ngoài, tổ chức kinh tế quy định tại Khoản 1, Điều 23 Luật Đầu tư 2014 nắm giữ từ 51% vốn điều lệ trở lên của tổ chức kinh tế.
Thành phần hồ sơ, thủ tục đăng ký góp vốn mua cổ phần thực hiện theo quy định tại Điều 26, Luật Đầu tư 2014 và nộp tại Sở Kế hoạch và Đầu tư (đối với tổ chức kinh tế nhận góp vốn nằm ngoài Khu công nghiệp) và tại Ban Quản lý các Khu công nghiệp (đối với tổ chức kinh tế nhận góp vốn nằm trong Khu công nghiệp).
Theo quy định tại Điều 46, Nghị định số118/2015/NĐ-CPngày 12/11/2015 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư thì, "Nhà đầu tư nước ngoài đầu tư theo hình thức góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp trong tổ chức kinh tế không phải thực hiện thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư".
Trường hợp nhà đầu tư góp vốn mua cổ phần không thuộc các trường hợp theo quy định tại Điều 26 Luật Đầu tư 2014 nêu trên thì thực hiện thủ tục đăng ký thay đổi thành viên, cổ đông tại Phòng Đăng ký Kinh doanh - Sở Kế hoạch và Đầu tư theo quy định.