Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị "Đối thoại 2045”
Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã đặt ra các mục tiêu phát triển đến năm 2045; triển khai Nghị quyết Đại hội, Thủ tướng Chính phủ chủ trì hội nghị "Đối thoại 2045" nhằm biểu dương những đóng góp của đội ngũ doanh nhân, trí thức với các thành tựu qua 35 năm đổi mới; đồng thời tiếp tục lắng nghe các ý kiến để đưa Việt Nam trở thành một quốc gia phát triển, thu nhập cao.
Năm 2020, Việt Nam đã hoàn thành "mục tiêu kép", được cộng đồng quốc tế và nhân dân đánh giá cao. Có được thành công đó một phần là từ quyết tâm của người dân, doanh nghiệp (DN), trí thức đối với sự phát triển của đất nước; Một quyết tâm đổi mới mạnh mẽ, vượt khó khăn, thách thức đưa đất nước ngày một phát triển, đời sống nhân dân ngày càng ấm no, hạnh phúc. Đây là kết quả từ nhận thức, tư tưởng, hành động của cả hệ thống chính trị trong triển khai các chủ trương, chính sách về phát triển DN theo tinh thần các nghị quyết của Bộ Chính trị, Quốc hội, Chính phủ.
Đó là khẳng định vủa Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc gặp mặt các doanh nhân, trí thức tiêu biểu với chủ đề "Đối thoại 2045” vừa diễn ra tại TP. Hồ Chí Minh.
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng cho biết, "Đối thoại 2045" có ý nghĩa quan trọng. Đây sẽ là diễn đàn đối thoại thường niên giữa lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ với cộng đồng DN và đội ngũ trí thức nhằm thúc đẩy các nỗ lực cải cách bền bỉ, liên tục, xuyên suốt, nhất quán nhằm sớm hiện thực hóa khát vọng Việt Nam 2045.
Thủ tướng Chính phủ khẳng định, mục tiêu to lớn, xuyên suốt của chúng ta là xây dựng một Việt Nam dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh. Muốn dân giàu, nước mạnh, chúng ta phải chú trọng phát triển quốc kế dân sinh. Muốn vẻ vang, sánh vai với cường quốc năm châu chúng ta phải có những doanh nghiệp lớn mạnh, những thương hiệu có sức cạnh tranh khu vực và toàn cầu, đặc biệt có nguồn nhân lực xuất sắc để đảm đang những công việc lớn của đất nước.
Để thực hiện được kỳ vọng trên, Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành và địa phương chú trọng một số nhiệm vụ sau:
Thứ nhất, các bộ, ngành và địa phương cần thống nhất nhận thức, tư tưởng, hành động của cả hệ thống chính trị trong triển khai các chủ trương, chính sách về phát triển DN theo tinh thần các nghị quyết của Bộ Chính trị, Quốc hội, Chính phủ, nhất là sớm cụ thể hóa tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII mới đây của Đảng.
Thứ hai, tiếp tục thúc đẩy cải cách môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi cho DN. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, đặc biệt là các Bộ trưởng, cam kết bảo đảm sự ổn định của kinh tế vĩ mô và minh bạch hóa chính sách; các bộ, ngành, địa phương phải mở rộng khả năng tiếp cận các nguồn lực và cơ hội tham gia của DN; hoàn thiện cơ chế, chính sách thu hút đầu tư và bảo đảm hoạt động của DN theo cơ chế thị trường.
Thứ ba, bảo đảm thực thi chính sách minh bạch, hiệu quả; hỗ trợ phát triển DN nhỏ và vừa, phong trào khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo; mở rộng khả năng tham gia thị trường và thúc đẩy cạnh tranh bình đẳng giữa các loại hình DN; thúc đẩy tính tự chủ, cạnh tranh của kinh tế tư nhân; không biến các cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế tư nhân thành bao cấp, phục vụ “lợi ích nhóm” dưới mọi hình thức.
Thứ tư, hỗ trợ cộng đồng DN đổi mới sáng tạo, hiện đại hóa công nghệ và phát triển nguồn nhân lực và các vấn đề đã nêu ra.
Thứ năm, đẩy mạnh thực hiện chiến lược quốc gia về phát triển nguồn nhân lực, nhất là các trường đại học, trường dạy nghề. Vai trò của đội ngũ trí thức đi liền với doanh nhân trong thời kỳ hội nhập và thúc đẩy chuyển đổi phát triển đất nước là vô cùng quan trọng.