Thủ tướng Chính phủ yêu cầu quyết liệt tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước


(Tài chính) Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương, tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước chỉ đạo đẩy mạnh sản xuất kinh doanh để đạt, vượt mức kế hoạch năm 2014, đồng thời với tái cơ cấu doanh nghiệp (DN) một cách toàn diện, từ mô hình tổ chức, quản lý, ngành nghề sản xuất kinh doanh, chiến lược phát triển, đầu tư, nguồn nhân lực, thị trường....

DNNN là lực lượng vật chất quan trọng để điều tiết kinh tế, ổn định kinh tế vĩ mô, góp phần phát triển kinh tế - xã hội. Nguồn: internet
DNNN là lực lượng vật chất quan trọng để điều tiết kinh tế, ổn định kinh tế vĩ mô, góp phần phát triển kinh tế - xã hội. Nguồn: internet
Đó là nội dung cơ bản trong nội dung Thông báo số 334/TB-VPCP của Văn phòng Chính phủ truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng về tái cơ cấu DNNN. Theo đó, nội dung Thông báo tiếp tục quán triệt sâu rộng về quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, lộ trình cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước trong các năm 2014 - 2015. Coi đây là một nhiệm vụ chính trị trọng tâm cần khẩn trương và kiên quyết hoàn thành.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương, tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước có kết quả cổ phần hóa, thoái vốn thấp cần nghiêm túc rút kinh nghiệm, xác định trách nhiệm của tổ chức, cá nhân; có biện pháp phù hợp để khắc phục, góp phần hoàn thành mục tiêu chung.
Sớm phê duyệt phương án cổ phần hóa

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ, địa phương, tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước bám sát đề án tái cơ cấu, phương án sắp xếp DN nhà nước đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, chỉ đạo quyết liệt, chặt chẽ và khẩn trương nhiệm vụ cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước.

Các tỉnh Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Bình Dương, Bình Phước, Thanh Hóa, Tuyên Quang, Quảng Ngãi, Phú Thọ, Bến Tre… phải thành lập ngay Ban Chỉ đạo cổ phần hóa các DN chưa có Ban Chỉ đạo và triển khai xác định giá trị DN; phấn đấu trong Quý III/2015 công bố giá trị DN và phê duyệt xong phương án cổ phần hóa.

Các tỉnh, thành phố An Giang, Bắc Giang, Bắc Ninh, Bình Thuận, Đồng Nai, Đồng Tháp, Hà Nội, Lạng Sơn, Lâm Đồng, Lào Cai, Yên Bái, Long An, Quảng Ninh, Tiền Giang, Thái Bình, Thái Nguyên... chỉ đạo các Ban Chỉ đạo cổ phần hóa đã được thành lập, tổ chức xác định giá trị DN, phấn đấu trong Quý I/2015 công bố được giá trị DN và phê duyệt xong phương án cổ phần hóa.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương, tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước chỉ đạo các DN đang xác định giá trị đến Quý III/2014 công bố được giá trị DN và cuối Quý IV/2014 phê duyệt xong phương án cổ phần hóa.

Những DN có điều kiện thì thực hiện cổ phần hóa (IPO) theo quy định hiện hành. Những DN chưa có điều kiện IPO ngay thì chuyển thành công ty cổ phần với các cổ đông là Nhà nước, Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước, tổ chức công đoàn, người lao động, cổ đông chiến lược (nếu có) hoặc các cổ đông tự nguyện khác nhằm thay đổi hình thức pháp lý DN, đa dạng hóa sở hữu, góp phần dân chủ hóa kinh doanh, tạo hàng hóa sẵn sàng cho thị trường. Trong Quý III/2014, Bộ Tài chính chủ trì hướng dẫn thực hiện nội dung này.

Để gắn chặt quá trình cổ phần hóa DN nhà nước với việc niêm yết trên thị trường chứng khoán, cần quy định cụ thể về thời gian thực hiện niêm yết trên thị trường chứng khoán trong quyết định phê duyệt phương án cổ phần hóa của từng DN; việc thoái vốn nhà nước tại DN phải được tiến hành chặt chẽ, có kế hoạch, theo lộ trình, bảo đảm nguyên tắc thị trường, công khai, minh bạch, hiệu quả.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Ngân hàng Nhà nước Việt Nam khẩn trương báo cáo Thủ tướng Chính phủ phương án xử lý các khoản đầu tư của các tập đoàn, tổng công ty tại công ty tài chính, ngân hàng thương mại gắn với việc tái cơ cấu các ngân hàng thương mại bảo đảm hiệu quả chung.

Tiếp tục rà soát, bổ sung DN cần cổ phần hóa

Các Bộ, địa phương, tập đoàn kinh tế căn cứ tiêu chí, danh mục phân loại DN nhà nước ban hành tại Quyết định số 37/2014/QĐ-TTg ngày 18/6/2014 của Thủ tướng Chính phủ, rà soát, bổ sung DN cần cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước và lộ trình triển khai, trong Quý III/2014 trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt để thực hiện.

Đối với một số DN hoạt động trong lĩnh vực công ích như môi trường đô thị, cấp, thoát nước, nếu các nhà đầu tư trong nước có nhu cầu nắm giữ đa số vốn điều lệ thì khuyến khích, với điều kiện DN cam kết cung cấp tốt các dịch vụ công ích này cho nhân dân.

Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển DN, kết quả cổ phần hoá trong các tháng đầu năm được đánh giá là khả quan, cho thấy mục tiêu cổ phần hóa 432 DN nhà nước còn lại từ nay đến hết năm 2015 là có thể thực hiện được.

Đến thời điểm hết tháng 7, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt toàn bộ 20 đề án tái cơ cấu của các Tập đoàn, Tổng công ty Nhà nước thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ. Cả nước đã sắp xếp được 76 DN, trong đó cổ phần hoá được 55 DN, giải thể 2 DN, bán 1 DN, sáp nhập 15 DN và đề nghị phá sản 3 DN.

Cũng trong 7 tháng đầu năm, hoạt động thoái vốn đã đạt được 2.975 tỷ đồng, gấp 3 lần so với cả năm 2013 nhưng so với số vốn cần thoái thì tiến độ vẫn là chậm.