Thủ tướng nêu các định hướng chuyển đổi cơ cấu nguồn năng lượng
Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định, Việt Nam nhận thức rõ tầm quan trọng của việc chuyển đổi cơ cấu nguồn năng lượng theo hướng nâng cao tỷ trọng năng lượng tái tạo gắn liền với sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả, bền vững.
Nhận lời mời của lãnh đạo và Chính phủ Liên bang Nga, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã có bài phát biểu ghi hình tại Diễn đàn lần thứ IV “Tuần lễ năng lượng Nga” được tổ chức tại Moscow từ ngày 13-15/10/2021.
Diễn đàn “Tuần lễ năng lượng Nga” là sự kiện quan trọng về năng lượng, được tổ chức theo sáng kiến của Chính phủ Nga từ năm 2017 nhằm thảo luận vấn đề phát triển và hợp tác quốc tế trong lĩnh vực năng lượng. Diễn đàn năm nay với chủ đề “Năng lượng thế giới: Chuyển đổi để phát triển” thu hút sự tham gia của hơn 1.000 đại biểu Nga và quốc tế, trong đó có lãnh đạo nhiều quốc gia, tổ chức quốc tế và tập đoàn năng lượng hàng đầu thế giới. Tổng thống Nga Vladimir Putin cũng có bài phát biểu tại Diễn đàn.
Phát biểu chào mừng Diễn đàn, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh vai trò quan trọng của Liên bang Nga đối với ngành năng lượng toàn cầu, giúp duy trì ổn định và cân bằng thị trường năng lượng quốc tế. Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng, Diễn đàn “Tuần lễ năng lượng Nga” góp phần tăng cường đối thoại và hợp tác giữa các quốc gia, nhất là hợp tác công - tư trong phát triển ngành năng lượng một cách hiệu quả, bền vững, vì lợi ích chung của các quốc gia và toàn nhân loại.
Trong bài phát biểu, Thủ tướng nhấn mạnh, là quốc gia có tốc độ tăng trưởng kinh tế hàng đầu trong ASEAN, chịu tác động mạnh mẽ của biến đổi khí hậu, Việt Nam nhận thức rõ tầm quan trọng của việc chuyển đổi cơ cấu nguồn năng lượng theo hướng nâng cao tỷ trọng năng lượng tái tạo gắn liền với sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả, bền vững.
Thông tin đến các đại biểu tham dự Diễn đàn, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, Việt Nam đang xây dựng Quy hoạch Phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 với những định hướng cơ cấu nguồn năng lượng của Việt Nam như sau: Đa dạng hóa các nguồn năng lượng, chú trọng phát triển các nguồn năng lượng sạch, năng lượng tái tạo; đối với nguồn năng lượng hóa thạch, có lộ trình chủ động tích cực giảm, theo hướng phát triển bền vững, giảm phát thải carbon, phát triển mạnh nhiệt điện khí; sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.
Thủ tướng cho biết, Việt Nam luôn trân trọng quan hệ hữu nghị truyền thống tốt đẹp với Liên bang Nga, trong đó hợp tác năng lượng rất hiệu quả giữa hai nước trong nhiều thập kỷ qua; nhấn mạnh nhiều công trình năng lượng lớn tại Việt Nam đều mang dấu ấn của tình hữu nghị và hợp tác Việt-Nga, như Nhà máy thủy điện Hòa Bình, Nhà máy nhiệt điện Uông Bí...; khẳng định hợp tác dầu khí là một trụ cột quan trọng của quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam-Nga, với nhiều liên doanh và dự án đang tiếp tục hoạt động hiệu quả tại cả Việt Nam và Nga. Những thành công này đang là tiền đề để Việt Nam và Liên bang Nga mở rộng hợp tác sang các lĩnh vực năng lượng mới, năng lượng tái tạo, xanh và sạch.
Trong bối cảnh thế giới đang đang chịu tác động cộng hưởng của đại dịch COVID-19, biến đối khí hậu và suy giảm tài nguyên thiên nhiên, Thủ tướng Phạm Minh Chính một lần nữa nhấn mạnh cần phải có cách tiếp cận toàn cầu một cách bao trùm, tổng thể, bình đẳng và cùng có lợi. Việc tăng cường hợp tác quốc tế giữa các quốc gia đóng vai trò hết sức quan trọng trong việc bảo đảm an ninh năng lượng, phát triển bền vững, giảm thiểu tác động tới môi trường và vì lợi ích chung của cộng đồng quốc tế. Thủ tướng khẳng định, Việt Nam sẽ tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách pháp luật hỗ trợ phát triển ngành năng lượng; khuyến khích đẩy mạnh cơ chế hợp tác công - tư; tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp của Liên bang Nga và các nước đầu tư, kinh doanh vào lĩnh vực năng lượng tại Việt Nam.
Bài phát biểu của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã được các đại biểu tham dự Diễn đàn đánh giá rất cao, thể hiện sự tham gia tích cực, trách nhiệm của Việt Nam trong các vấn đề toàn cầu; tăng cường hợp tác với Liên bang Nga và các quốc gia nhằm phát triển ngành năng lượng bền vững, giảm thiểu tác động đến môi trường; góp phần vào hòa bình, ổn định và phát triển trên thế giới.